Cảnh giác với... thú cưng

Trong ngõ phố tôi, mới có một nhóm sinh viên đến thuê trọ. Có hai nữ sinh mang theo những chú rắn nhỏ, đi đâu cũng thấy mang theo. Việc nuôi thú cưng “độc, lạ” đang được nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy vậy, chính những con thú cưng đó lại là mầm mống gây bệnh, thậm chí tấn công người.
0:00 / 0:00
0:00

Cách đây chưa lâu, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bé trai ở Hà Nội bị rắn độc nuôi làm… thú cưng cắn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Được biết, trước đó hai tuần, cháu bé đã giấu người nhà, tự mua trên mạng… ba con rắn lục về nuôi. Một buổi chiều, cháu thay chuồng cho rắn trong phòng riêng. Khi di chuyển rắn, cháu bị cắn vào ngón tay trỏ.

Hiện tượng các bạn trẻ nuôi rắn và coi như thú cưng không phải hiếm. Thậm chí, nó đã hình thành một “phong trào” nho nhỏ trong một bộ phận giới trẻ ở một số thành phố. Trên mạng xã hội, cũng dễ tìm thấy những nhóm chung sở thích nuôi rắn làm thú cưng. Nhiều loài bò sát khác cũng được giới trẻ quan tâm, nuôi nấng. Một số bạn trẻ, sau một thời gian nuôi rắn độc trong nhà đã sớm nhận thấy nguy cơ tiềm ẩn gây nguy hiểm tính mạng nên đã “đoạn tuyệt” với sở thích đó và chỉ tìm những loài rắn không độc.

Việc nuôi rắn độc tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tai nạn, người nuôi cần phải trang bị kiến thức, trang thiết bị đầy đủ, phải tuân thủ các quy tắc an toàn cơ bản. Rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài có nọc độc cực mạnh, chỉ đứng sau rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch, có thể gây tử vong nhanh chóng (do phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề.

Yêu quý những con vật nuôi gần gũi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc nuôi những thú cưng “độc, lạ” dễ dẫn đến những tai nạn cho chính người nuôi và những người chung quanh. Như ở chỗ tôi, khi thấy các anh chị sinh viên mới đến thuê trọ nuôi những con rắn nhỏ xinh và thường đưa chúng ra ngõ chơi, đám trẻ con trong xóm thích lắm, thường tò mò đến ngó nghiêng. Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ nuôi rắn làm thú cưng trong nhà. Khi thấy con lân la, tò mò với những người hàng xóm nuôi các loại thú cưng nguy hiểm, cũng nên khuyên can ngay để tránh bị tai nạn hay bị lây những mầm bệnh từ động vật. Trường hợp trẻ bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách và ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu.