Cảnh giác trước “cò” môi giới luồng xanh

Lợi dụng nhu cầu lưu thông hàng hóa, một số đối tượng đã lên mạng xã hội, đặc biệt là vào các diễn đàn vận tải để đăng thông tin mời chào “bán” chứng nhận luồng xanh nhanh với giá từ 200 - 500 nghìn đồng. Đã có lái xe “tiền mất tật mang”, khi qua chốt kiểm soát mới phát hiện 
mã QR của mình không có hiệu lực.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ nhiều phương tiện sử dụng mã QR luồng xanh không thể kết nối để qua chốt.
Lực lượng chức năng đã tạm giữ nhiều phương tiện sử dụng mã QR luồng xanh không thể kết nối để qua chốt.

Duyệt hồ sơ trong “một nốt nhạc”?

Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn vận tải xuất hiện những dòng quảng cáo làm dịch vụ cấp mã QR lấy ngay cho xe luồng xanh. “Em nhận làm luồng xanh trong một nốt nhạc... ib hoặc call em 03886xxxxx”, tài khoản A.T đăng thông tin quảng cáo. Dưới phần bình luận, nhiều ý kiến vào hỏi và cũng có ý kiến bày tỏ nghi ngại. Liệu có hay không chuyện tiêu cực trong quá trình cấp thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc?

Theo số điện thoại trên mạng, phóng viên gọi đến thì đầu dây bên kia một lần nữa khẳng định chắc nịch: “Nếu có sẵn giấy tờ đầy đủ, tự khai thì chỉ cần gửi thông tin đến số Zalo này sẽ “duyệt” luôn”. Để tăng thêm độ tin tưởng, người này tự giới thiệu mình là người “trực tiếp duyệt” và có thể từ chối hết các hồ sơ đang treo. “Những trường hợp liên quan hầu như làm theo dịch vụ hết. Không thì phải 3 - 4 ngày mới được duyệt và đến khi sờ đến hồ sơ có vấn đề gì là bị từ chối”, A.T cho biết và giục “phí làm từ A đến Z là 600 nghìn đồng, còn tự khai hồ sơ rồi gửi lộ trình là 500 nghìn đồng”. Thậm chí A.T còn khẳng định, nếu người mua không chuyển tiền hoặc có vấn đề gì thì sẽ “thu lại mã QR, gặp công an kiểm tra quét mã QR không hợp lệ thì không qua được chốt”. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực xoay xở để thích ứng tình hình mới, đặc biệt là để bảo đảm việc vận chuyển, lưu thông thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên, khi tìm đến “cò” làm luồng xanh, nhiều người “tiền mất tật mang”…

Theo phản ánh của các tỉnh, thành phố, thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều ô-tô sử dụng mã QR luồng xanh không thể kết nối khi qua chốt. Mới đây, ngày 3/8, tại chốt kiểm soát Covid-19 số 1 đóng trên Km 213, quốc lộ 1A, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), lực lượng chức năng đã phát hiện bốn ô-tô BKS 90A-147.XX, 29B-611.XX, 29F-012.XX và 31F-42XX có dán mã QR luồng xanh, nhưng khi kích hoạt đều không có kết quả đủ điều kiện lưu thông tiếp. Phần lớn lái xe đều cho biết, họ nhờ người quen đăng ký luồng xanh, sau đó được gửi lại giấy đăng ký qua ứng dụng Zalo, Facebook để tự in ra dán vào kính lưu thông trên đường. 

Cảnh giác chiêu lừa đảo

Chị Tạ Thị Nhung ở Hòa Bình, chủ phương tiện có BKS 28C-03…  chia sẻ: “Thời gian đầu đăng ký không được, tôi đã nghĩ đến tìm “cò” nhưng họ cũng không làm được. Gọi điện theo số điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải (GTVT), tôi được hướng dẫn lại các thủ tục. Để đăng ký bắt buộc phải có giấy xét nghiệm Covid-19 trong vòng 72 giờ. Các thông tin còn lại khai đúng theo hướng dẫn thì sẽ nhanh chóng được cấp mã QR. Như hồ sơ của tôi, sau 10 tiếng đăng ký đã nhận được đường link xác nhận để tải tem luồng xanh về”.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết: Toàn bộ dữ liệu phương tiện luồng xanh đều được kết nối về hệ thống của TCĐB. Các thẻ nhận diện khi quét qua phần mềm phải kết nối được với hệ thống thông tin của Tổng cục thì mới là thẻ chuẩn. Vì vậy các lái xe cần nâng cao cảnh giác, tránh sử dụng thẻ giả. Hiện nay, theo phản ánh của các Sở GTVT gửi về chúng tôi đã ghi nhận hiện tượng có mã QR luồng xanh giả. 

Tính đến ngày 10/8, các Sở GTVT trên toàn quốc đã xét duyệt và cấp mã QR cho 320.873 xe chạy trên luồng xanh vận tải. Cho rằng khó xảy ra tiêu cực, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vận tải, Tổng cục ĐBVN phân tích: Mọi khâu từ nộp hồ sơ cho đến lúc trả kết quả đều thực hiện tự động, không tiếp xúc với cán bộ xét duyệt. Hệ thống luồng xanh cũng đã được nâng cấp bảo mật nên không có chuyện cá nhân nào can thiệp được. Hiện, chỉ có Hà Nội đang nhiều hồ sơ gửi về do một số cá nhân, doanh nghiệp không nắm được thông tin thẻ ưu tiên nhận diện phương tiện sẽ tự động gia hạn khi tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các địa phương còn lại trung bình mỗi ngày nhận được vài trăm hồ sơ, bảo đảm trong năng lực xét duyệt nên doanh nghiệp và lái xe chỉ cần làm đúng hướng dẫn sẽ được cấp mã lưu thông trên đường.

Để tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho hoạt động vận tải hàng hóa, bảo đảm  việc vận chuyển được liên tục, nhanh chóng, đồng thời vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh, TCĐB thông báo và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện giữ ổn định hoạt động vận tải chở hàng hóa thiết yếu. Riêng với các đơn vị vận tải và người trên phương tiện vận chuyển hàng hóa đã được cấp mã QR phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung đã đăng ký, bảo đảm phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực, khai báo y tế và có các biện pháp phòng, chống dịch đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế.