Bãi rác dệt may của các nước phát triển
Trên bãi biển Jamestown thuộc Thủ đô Accra của Ghana, Joey Ayesu cố gắng tìm lối đi giữa những chiếc thuyền của ngư dân, các khay và chai nhựa, thùng xốp, những đống giày, quần và vải vụn của những chiếc áo sơ-mi. Trên bãi biển này, những cột rác cao khoảng 20m, trong đó tới khoảng 60% là quần áo không dùng đến và 40% rác thải hằng ngày.
Theo Le Monde, mỗi ngày Ghana tiếp nhận 160 tấn phế liệu dệt may. Những bao tải quần áo lớn được vận chuyển từ các nước phương Tây và phân phối đến chợ Kantamanto. Khu chợ này rộng 7ha, hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, thời điểm người Ghana bắt đầu tiếp nhận xử lý các trang phục cũ của các nước phát triển. Khu chợ hiện xử lý khoảng 15 triệu sản phẩm may mặc mỗi tuần, phần lớn là đồ từ thiện, đồ tái chế hoặc hàng đã tích nhiều năm trong các nhà kho, tạo ra 30.000 việc làm cho người dân. Trong số 15 triệu sản phẩm, chỉ có khoảng 6 triệu sản phẩm có chất lượng tương đối tốt hơn sẽ được tái chế để bán ra thị trường mỗi tuần.
Báo cáo năm 2022 của Or Foundation, một tổ chức phi chính phủ chuyên khảo sát về các vấn đề môi trường cho hay, chợ Kantamanto và nhiều khu vực khác của Ghana đang dần trở thành bãi rác của quần áo cũ. Cũng theo báo cáo, ngay cả khi các công nhân làm việc chăm chỉ song với số lượng quần áo phế thải khổng lồ, Ghana đã không còn khả năng xử lý. Ông Solomon Noi, Giám đốc Cơ quan quản lý rác thải Accra cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, 10 bãi rác hợp pháp của thành phố đã quá tải và phải đóng cửa.
Nhà chức trách hiện phải vận chuyển rác từ khu chợ tới bãi rác Adepa, cách Kantamanto khoảng 50km. Tuy vậy, chỉ 30% rác được xử lý, 70% còn lại được chất đống bên các kênh, rạch, chất nhuộm vải chảy vào các con sông và đổ ra biển, trong khi quần áo cũ vương vãi khắp các bãi biển gần Kantamanto. “Ngày càng có nhiều rác trong đại dương khiến loài rùa không thể bơi vào bờ biển, san hô chết dần, ngư dân không còn cá để đánh bắt. Một thảm họa môi trường đang xảy ra tại đây”, ông Noi nhấn mạnh.
Ông Noi cho rằng, các nước phát triển phải chịu một phần trách nhiệm hỗ trợ Ghana xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý rác từ đồ may mặc mà các nước này thải ra. “Chúng tôi phải tự dùng tiền thuế để xử lý rác, nhưng phần lớn thuế được dùng cho giáo dục, y tế, không còn nhiều để đối phó rác may mặc. Do đó, các nước phát triển cần chung tay để giải quyết vấn đề này”, ông Noi khẳng định.
Theo AFP, Ghana không phải quốc gia đầu tiên chịu đựng tình cảnh quá tải trong việc xử lý đồ may mặc của thế giới. Trước đó, Chile cũng phải kêu cứu khi miền bắc nước này tràn ngập các bãi rác quần áo cũ. Những đống quần áo khổng lồ bị vứt bỏ với nhãn mác từ khắp nơi trên thế giới, đã trải dài ngút tầm mắt ở ngoại ô Alto Hospicio, một thành phố chật chội với 130.000 cư dân của Chile. Trong một khe núi, một đống quần jean vấy mực và áo khoác bạc mầu được chất cao chót vót cùng “núi” áo khoác lông thú giả và áo sơ-mi cũ, chưa kể vô vàn chai nhựa, túi nylon và các loại rác khác được trộn lẫn.
Số liệu thống kê của hải quan Chile cho thấy, số lượng rác thời trang tập kết tại quốc gia này năm 2022 là 44 triệu tấn. Với số lượng này, Chile trở thành một trong những nhà nhập khẩu quần áo cũ lớn nhất thế giới. Giới chức Chile những năm gần đây bày tỏ quan ngại khi nghĩ rằng nước này đang trở thành bãi rác dệt may của các nước phát triển.
Hệ quả từ “thời trang mì ăn liền”
Việc các quốc gia như Ghana hay Chile bị quá tải trong xử lý, tái chế quần áo, đồ dệt may cũ được cho là hệ quả từ sự phát triển của thời trang nhanh, hay còn gọi là “thời trang mì ăn liền”. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán từ nay cho đến năm 2050, mỗi năm thế giới thải ra 3,4 tỷ tấn rác thời trang. Thông thường, chất lượng của các sản phẩm thời trang nhanh không được tốt nên nhanh hỏng, điều này thúc đẩy nhu cầu mua sắm quần áo mới của mọi người. Ước tính, số lượng quần áo người Mỹ mua đã tăng gấp năm lần trong vòng ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, mỗi món đồ chỉ được sử dụng trung bình bảy lần. Điều này dẫn đến số lượng quần áo cũ bị loại bỏ ngày càng nhiều.
Nhiều người quyết định quyên góp quần áo cũ cho tổ chức từ thiện với hy vọng chúng sẽ được tái sử dụng. Dù vậy, với chất lượng sản phẩm thấp của thời trang nhanh, ngày càng ít trang phục cũ có thể được sử dụng lâu dài. Thay vào đó, hàng triệu sản phẩm may mặc đã qua sử dụng được vận chuyển đến các quốc gia nghèo mỗi năm. Xu thế này ở các nước phát triển đang làm tăng tỷ lệ quần áo cũ chất lượng thấp ở Kantamanto hay ngoại ô Alto Hospicio.
Các sản phẩm may mặc chất lượng thấp khiến doanh thu của những doanh nghiệp kinh doanh và xử lý đồ dệt may cũ ở Ghana và Chile ngày càng đi xuống, nhiều doanh nghiệp rơi vào nợ nần. Emmanuel Ajaab là một trong những nhà nhập khẩu quần áo cũ nổi bật ở chợ Kantamanto. Ajaab cho biết: “Trước đây, kinh doanh quần áo diễn ra thuận lợi. Nhưng giờ đây, nhiều đồ cũ chất lượng kém được đưa đến các quốc gia châu Phi như Ghana. Tình trạng rất tệ”. Ajaab tiêu tốn 90 USD cho một kiện hàng, nhưng số quần áo bán được chỉ trị giá 20 USD, phần còn lại được chuyển đi cùng với rác.
Đối mặt tình cảnh này, nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia nói trên đã đề ra những sáng kiến nhằm tái sử dụng rác thải dệt may. EcoFibra, công ty khởi nghiệp tại Chile đã tận dụng đồ dệt may cũ ở nước này để chế tạo các tấm cách nhiệt cho nhà ở. Hiện, nhiều người dân chung quanh khu vực Alto Hospicio sử dụng tấm cách nhiệt này. Franklin, Giám đốc EcoFibra chia sẻ: “Công việc của tôi bắt nguồn từ ý tưởng về rác thải thời trang có thể chuyển hóa thành nguyên liệu thô để tạo ra các sản phẩm mới, giúp giảm lượng quần áo trên sa mạc”.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Ecocitex đã biến quần áo qua sử dụng thành sợi để may quần áo mới. Rosario Hevia, nhà sáng lập Ecocitex khẳng định sứ mệnh của họ là loại bỏ rác thải dệt may tại Chile. Dilara, một nhà nhập khẩu quần áo tại quốc gia Nam Mỹ, có kế hoạch mở một nhà máy tái chế để sản xuất đệm ghế sofa từ quần áo đã qua sử dụng không bán được.
Dù đánh giá cao các sáng kiến giảm tác động từ rác thải thời trang của các doanh nghiệp, song giới chức Chile cũng như Ghana cho rằng, các nước phương Tây, nơi thời trang nhanh đang phát triển nhanh chóng cũng cần có trách nhiệm để giảm bớt gánh nặng xử lý, tái chế rác thải dệt của chính họ. Giới chức các quốc gia bị coi là “bãi rác thời trang” thế giới đang đề xuất siết chặt áp dụng Chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR). Chính sách này bảo đảm các quốc gia nói trên sẽ nhận được hỗ trợ tài chính trong quá trình xử lý quần áo cũ mà nước phát triển chuyển tới. Pháp hiện là quốc gia duy nhất áp dụng chính sách EPR với doanh nghiệp trong ngành may mặc.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ngay cả khi có áp dụng, chính sách EPR cũng không giúp ích nhiều cho những quốc gia ở cuối vòng đời của quần áo, bởi các nhà sản xuất chỉ trả khoảng 0,07 USD cho mỗi sản phẩm của họ. Số tiền này hầu như không đến được tay những quốc gia như Ghana hay Chile, dù đây là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ quần áo cũ.