Cẩn trọng phòng vệ thương mại với pin mặt trời

Mới đây, Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, chi tiêu cho năng lượng mặt trời trên toàn cầu sẽ đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, vượt xa chi tiêu cho sản xuất dầu trong năm nay. Đây là cơ hội lớn đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu pin năng lượng mặt trời của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) phải hết sức cẩn trọng trong các biện pháp phòng vệ thương mại.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu pin năng lượng mặt trời. Ảnh: NAM ANH
Giới thiệu pin năng lượng mặt trời. Ảnh: NAM ANH

Trong lĩnh vực xuất khẩu pin mặt trời, DN Việt Nam đối mặt với hai cuộc điều tra chống phá giá quan trọng từ Ấn Độ và Mỹ. Ngày 15/5/2021, sau khiếu nại của Hiệp hội các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Ấn Độ (ISMA), Cục Phòng vệ thương mại-DGTR thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ đã khởi xướng cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá “pin năng lượng mặt trời đã hoặc chưa lắp ráp thành modul hoặc tấm pin” được xuất khẩu từ Trung Quốc, Thailand và Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 14/7/2022, ISMA đã rút đơn. Nguyên nhân vì các quy tắc chống bán phá giá năm 1995 của Ấn Độ quy định chấm dứt điều tra trong một số tình huống nhất định, bao gồm việc ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng rút đơn đăng ký khi cuộc điều tra được khởi xướng.

Trong năm 2021, Việt Nam cũng tránh được một cuộc điều tra về lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp (CBPG/CTC) với pin mặt trời Việt Nam. Vào ngày 20/11/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo, không điều tra việc lẩn tránh biện pháp CBPG/CTC đối với pin năng lượng mặt trời của Việt Nam. Nguyên nhân không điều tra là vì các nguyên đơn là thành viên của American Solar Manufacturers Against Chinese Circumvention (A-SMACC) đã giấu tên và “việc không công khai thành viên của A-SMACC là không phù hợp quy định hiện hành của Mỹ và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên liên quan khác”. Tuy nhiên, DOC khi đó cũng lưu ý, sản phẩm pin mặt trời (gồm tế bào quang điện và tấm pin mặt trời) vẫn bị Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tất cả các nước.

Gần đây nhất, vào tháng 2/2022, nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ, Auxin Solar Inc. đã kiến nghị DOC điều tra các nhà sản xuất tấm pin mặt trời ở Malaysia, Việt Nam, Thailand và Campuchia với cáo buộc các nhà sản xuất Trung Quốc đang dẫn dắt các nhà sản xuất ở khu vực Đông Nam Á để trốn tránh thuế, vận chuyển sản phẩm sang các nước Đông Nam Á rồi xuất sang thị trường Mỹ. Ngày 1/4/2022, DOC bắt đầu điều tra vụ việc. Do phần lớn các module năng lượng mặt trời lắp đặt tại Mỹ được nhập khẩu, chủ yếu từ Đông Nam Á nên trong trường hợp thuế chống lẩn tránh phòng vệ thương mại được áp dụng, các công ty năng lượng mặt trời Mỹ sẽ phải đối mặt với rủi ro tăng chi phí đầu vào, tạm dừng hoặc trì hoãn các dự án trên toàn quốc, cắt giảm nhân công; ảnh hưởng đến mục tiêu của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên việc triển khai nhanh chóng sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng sạch.

Vì lý do đó, ngày 6/6/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến thiếu hụt nguồn cung tế bào và module pin năng lượng mặt trời trong nước để phục vụ sản xuất điện mặt trời, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu của Mỹ. Theo đó, Tổng thống Mỹ giao DOC xem xét có hành động phù hợp cho phép miễn thuế CBPG/CTC, và thuế chống lẩn tránh thuế CBPG/CTC (nếu có) đối với các sản phẩm tế bào và module pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thailand và Việt Nam với thời hạn là 24 tháng kể từ ngày tuyên bố hoặc đến khi tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ. Ngày 12/9/2022, DOC đã cập nhật các quy định trên để triển khai tuyên bố của Tổng thống Biden, có hiệu lực từ ngày 15/11/2022 và đề nghị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) không áp thuế CBPG/CTC với tế bào quang điện và module quang điện được nhập khẩu vào Mỹ, hoặc xuất kho để tiêu dùng trước ngày hết hạn tuyên bố 6/6/2024; và tế bào quang điện và module quang điện được nhập khẩu vào Mỹ sau ngày 15/11/2022, nhưng được sử dụng trước thời điểm 180 ngày sau ngày hết hạn tuyên bố (tức được sử dụng trước ngày 3/12/2024).

Ngày 8/12/2022, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết luận sơ bộ về vấn đề một số nhà sản xuất pin mặt trời tại Malaysia, Việt Nam, Thailand và Campuchia đã sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc để trốn thuế CBPG/CTC của Mỹ liên quan đến năng lượng mặt trời. Nhưng vì ông Biden đã công bố thời hạn miễn thuế hai năm đối với các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Malaysia, Việt Nam, Thailand và Campuchia nên ngay cả khi DOC kết luận rằng các quốc gia này đang trốn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các tấm pin mặt trời, các sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia nói trên sẽ vẫn được miễn thuế CBPG/CTC hiện hành cho đến ít nhất tháng 6/2024.

Nhưng hiện tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á có trong điều tra của DOC đang phải đối mặt với lệnh khôi phục thuế với pin mặt trời lên mức cao nhất là 254% kể từ ngày 3/5/2023. Ngày 28/4/2023, tại Hạ viện Mỹ, các đại biểu đã biểu quyết với tỷ lệ phiếu 221-202 ủng hộ việc khôi phục thuế đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam và ba nước Đông Nam Á. Kế đến, với tỷ lệ phiếu 56-41 của Thượng viện Mỹ ủng hộ khôi phục thuế đối với pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam và ba nước Đông Nam Á vào ngày 3/5/2023, nhiều khả năng mức thuế CBPG/CTC được áp dụng cho Trung Quốc sẽ được chuyển sang áp dụng cho bốn quốc gia bị điều tra, có thể dưới hình thức thuế chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ngày 16/5/2023, Tổng thống Biden đã tuyên bố phủ quyết đề xuất của lưỡng viện. Theo đó, ông Biden cho rằng, chương trình “Đầu tư vào nước Mỹ” (Investing in America) của ông đã huy động được hàng trăm triệu USD đầu tư tư nhân vào lĩnh vực sản xuất và năng lượng sạch, tạo ra nhiều việc làm thu nhập tốt. Riêng với ngành năng lượng mặt trời, kể từ khi ông nhậm chức, đã có 51 nhà máy sản xuất thiết bị điện mặt trời được xây dựng mới và mở rộng, và Mỹ đang trên lộ trình tăng cường công suất sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lên tới tám lần. Kế hoạch đang có hiệu quả, do đó ông phủ quyết đề xuất của lưỡng viện vì không muốn gây ra các yếu tố khó định đoán với DN và người lao động trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Mỹ phải tăng cường an ninh năng lượng bằng cách tập trung vào việc mở rộng công suất và điều này sẽ đạt được khi biện pháp miễn thuế của tổng thống kết thúc.

Hiện tại, DOC đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Chương VII, Đạo luật Thuế quan 1930 của Mỹ) để lấy ý kiến các bên liên quan. Trong dự thảo này, DOC đề xuất sửa đổi nhiều thủ tục, quy trình hiện hành; luật hóa nhiều thực tiễn điều tra và củng cố một số phương pháp phân tích, tính toán giá và chi phí. Để bảo đảm quyền lợi của bản thân, giữ vững tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu, các DN cần có biện pháp minh bạch nguồn gốc xuất xứ của các nguyên liệu thô nhập khẩu, đồng thời tìm hiểu kỹ chính sách của Mỹ để tránh được các cuộc điều tra hay các biện pháp trừng phạt thương mại kéo dài.