KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27/2/1955 - 27/2/2023)

Cần quan tâm hơn tới ngành y tế

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm thích đáng đối với ngành y tế và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian qua và ngay trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, trước những khó khăn ngành y tế đang đối mặt, nhiều giải pháp cấp bách và quyết liệt đã được đưa ra.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành y tế vừa trải qua thời gian khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: ANH QUÂN
Ngành y tế vừa trải qua thời gian khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ảnh: ANH QUÂN

Khó khăn chồng khó khăn

Người “thuyền trưởng”, PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với chúng tôi niềm vui, sau đại dịch Covid-19, số bệnh nhân đến bệnh viện đã tăng gấp 5, gấp 10 lần, từ 1.000 người có ngày tăng đến 10.000 người đến khám. Ngoại trú thì 7 giờ đã hết phiếu nội soi. Nội trú lại rơi vào quá tải, giường thực kê 3.200 cái nhưng lúc nào cũng có 4.000 bệnh nhân, nhiều khoa, phòng phải nằm ghép.

Nhưng niềm vui ấy lại đi kèm nỗi lo canh cánh. Đó là tình trạng thiếu vật tư, thiếu máy móc. Chưa bao giờ, một bệnh viện tuyến đầu, hạng đặc biệt lại lâm vào tình trạng thiếu từ máy chụp X Quang, máy nội soi, máy mổ đến máy chụp cộng hưởng từ, máy chụp CT, máy PET, máy xạ trị… Nghịch lý ở chỗ, đông bệnh nhân như vậy thì nguồn thu phải dồi dào nhưng Bạch Mai lại đang thiếu tiền. Giá khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai theo mức giá bảo hiểm y tế (BHYT). Nhưng giá BHYT xây dựng đã lâu, chỉ thu một phần viện phí. Có bảy yếu tố cấu thành giá viện phí, nhưng BHYT mới thu 4/7 yếu tố. Bệnh viện mặc dù đông bệnh nhân nhưng các khoản phải chi tất, từ chi cho con người, chi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy trì bảo dưỡng. Như vậy thu không đủ để chi. Giá khám, chữa bệnh tại đây rất rẻ. Thí dụ, giá mổ xẻ tại bệnh viện hạng đặc biệt nhưng đang thu bằng tuyến huyện.

Do thiếu thốn trang thiết bị, Bệnh viện Bạch Mai phải bố trí lại ca kíp làm việc. Cán bộ y tế ở nơi xa phải ra khỏi nhà lúc 3-4 giờ sáng, 5 giờ sáng phải đến bệnh viện. Các máy chiếu chụp tập trung ngoại trú ca sáng, nội trú ca chiều, ca đêm để bảo đảm không từ chối bệnh nhân nào. Thế nhưng cả đêm trực của cán bộ, nhân viên y tế chỉ có thù lao 115.000 đồng. Đã lâu, máy điện thoại của Giám đốc Đào Xuân Cơ thường xuyên nhận được tin nhắn từ các điều dưỡng: “Trước đây với số giờ đi làm như vậy, hai vợ chồng em cùng làm ở đây đủ trang trải cuộc sống. Nhưng hiện nay chúng em giật gấu vá vai mà anh lại yêu cầu phải đi sớm về khuya. Mà lẽ thường thu nhập phải cao nay giảm đi một nửa”. Tâm tư như thế nên một lượng người lao động đã chuyển sang y tế tư nhân. Trong năm 2020-2021, số lượng khoảng 200 cán bộ. Trong năm 2022 cũng có hơn 100 cán bộ giỏi, kể cả khối hậu cần, kế toán chuyển đi do chi trả, đãi ngộ chưa tương xứng. “Mình hình dung ra ngoài cổng lúc nào cũng có sẵn những cái kiệu. Các bác sĩ và điều dưỡng ra khỏi bệnh viện là có kiệu rước đi, vì họ đều là những người lao động lành nghề ở tất cả các chuyên khoa vốn được rèn luyện thực tế rất tốt”, lời kể vị giám đốc xem phần xót xa.

Cần quan tâm hơn tới ngành y tế ảnh 1

Các bác sĩ thực hiện mổ nội soi cho người bệnh. Ảnh: THANH HUYỀN

Vị giám đốc từng nuốt nước mắt vào trong khi phải chia tay những cán bộ chuyên môn nghiệp vụ tốt, tay nghề cao được ví như những “viên kim cương” đã được các bệnh viện tư nhân mời sang làm việc. Đó là những cán bộ thuộc diện quy hoạch cán bộ cấp cao của bệnh viện đang đảm trách quản lý những đơn vị chuyên môn đầu ngành. Nhưng từng ấy không đủ níu kéo họ. Ông cho biết, có cán bộ chuyển đi vì thu nhập, nhưng cũng có những cán bộ cần các thiết bị y tế để làm chuyên môn tốt. Họ thôi việc vì không có thiết bị để làm việc. Còn đội ngũ những cán bộ đến tuổi hưu, nghỉ quản lý, thông thường vẫn ở lại để cống hiến nhưng nay nghỉ là “đi” luôn vì bệnh viện không có tiền để đãi ngộ họ. Không chỉ cán bộ chuyên môn, một lực lượng kỹ sư, kế toán giỏi cũng đi. Hiện bệnh viện rất cần tuyển kỹ sư công nghệ thông tin giỏi nhưng cũng “bó tay” vì lương trả họ thấp quá.

Ông Cơ mong muốn, giải bài toán cốt lõi ở đây là giá thu viện phí tính theo BHYT cần sớm được thay đổi. Chúng ta phải xây dựng lại, cập nhật lại để từ đó có nguồn lực để đầu tư trả thù lao cho người lao động. Hai là xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị và tạo điều kiện cho cán bộ, y bác sĩ có điều kiện có thể đi học tập, nâng cao kiến thức trong và ngoài nước, có cơ hội để phục vụ người bệnh tốt hơn và yên tâm ở lại. “Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế rằng, chúng tôi cần cơ chế hoạt động làm sao công khai, minh bạch để thực hiện nhiệm vụ chính trị với ba nhiệm vụ: Tiếp nhận những bệnh nhân nặng từ các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và ứng dụng đề tài khoa học, cập nhật kỹ thuật mới hiện đại trước khi chuyển giao cho tuyến sau. Chúng tôi cần cơ chế, chính sách phù hợp...

Nhiều tháo gỡ “cấp tốc”

Trong Nghị quyết số 69/2022/QH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành ngày 11/11/2022 đã có nhiều điểm mới về tiền lương, phụ cấp, trợ cấp. Theo đó, từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận số 25-KL/T.Ư ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị.

Ngày 15/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Theo đó, mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc T.Ư.

Liên quan vấn đề nhân viên y tế bỏ việc, Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chính sách đổi mới cơ chế tự chủ, tăng tính tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế trong vấn đề tuyển dụng nhân lực, bố trí nguồn nhân lực đủ cho nhu cầu.

Trước đây, tại Nghị quyết 102/NQ-CP của Chính phủ ngày 3/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế cho phép các đơn vị sự nghiệp y tế tự chủ một phần được ký hợp đồng lao động để bảo đảm số thiếu so với định mức được giao. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang soạn thảo dự thảo Nghị định về cơ chế hợp đồng để làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Chính phủ. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ của các đơn vị sự nghiệp y tế. Đơn vị tự chủ một phần của Bộ Y tế theo đúng tinh thần thực hiện chính sách tinh giản biên chế đang không được quyền ký hợp đồng làm chuyên môn.

Với Nghị định này, các đơn vị tự chủ một phần được quyền ký hợp đồng làm chuyên môn và Bộ Nội vụ cũng đề xuất ký hợp đồng theo hướng nguồn thu tự chủ của đơn vị để đáp ứng số thiếu so với định mức. Hai bộ sẽ sớm sửa Thông tư về định mức biên chế và số lượng người làm việc trong các đơn vị của ngành y tế để làm sao sau khi Nghị định ban hành, các địa phương, các đơn vị sự nghiệp của ngành y tế có căn cứ triển khai thực hiện.

Một dấu mốc quan trọng là Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố Lệnh của Quyền Chủ tịch nước công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9/1 tại kỳ họp bất thường lần thứ hai. Việc tổ chức kỳ họp bất thường có ý nghĩa quan trọng nhằm đẩy nhanh những vấn đề cấp bách, cần thiết đáp ứng yêu cầu của cuộc sống vào luật.

Cần quan tâm hơn tới ngành y tế ảnh 2

Với những thay đổi quan trọng, chất lượng khám, chữa bệnh được kỳ vọng ngày càng tốt lên. Ảnh: TTXVN

TS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua mới đây là niềm vui của ngành y tế, chúng tôi cũng rất mong chờ điều này từ lâu. Tiếp theo đây, Bộ Y tế cùng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản, nghị định, quyết định của Thủ tướng và thông tư để hướng dẫn thực hiện các nội dung chi tiết của Luật.

Nói về những điểm thay đổi cơ bản trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ông Khoa nhấn mạnh: Trong luật đã quy định cụ thể những nội dung được tự chủ trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có tự chủ về nhân lực, về tổ chức, về giá dịch vụ và một số nội dung về mặt quản lý chuyên môn. Đặc biệt, trong vấn đề xã hội hóa, huy động nguồn lực trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, việc bổ sung yếu tố hình thành giá, trước đây chúng ta chưa có yếu tố khấu hao thiết bị. Chính vì vậy, trong thực tiễn, chúng ta đã sử dụng việc mượn, đặt máy để khai thác, sử dụng cho bệnh nhân mà chưa có hành lang pháp lý chắc chắn cụ thể. Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cũng đã đưa vấn đề thuê, trả dần, mua trả dần, trả chậm, đặc biệt có thêm nội dung về mượn thiết bị y tế. Đây cũng là điểm tháo gỡ hết sức quan trọng.

Ông Khoa cho biết thêm, ngân sách, nguồn lực tài chính để chi cho vấn đề trang thiết bị y tế là một nội dung rất lớn và từ trước tới nay, trong lộ trình xây dựng giá dịch vụ chúng ta chưa tính khấu hao thiết bị vào giá dịch vụ thiết bị y tế. Chính vì vậy mới phát sinh việc huy động nguồn lực từ mượn, đặt máy cho việc khai thác, sử dụng cho người bệnh. Nếu không có nguồn lực này thì công tác khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian qua sẽ rất khó khăn. Chính vì cơ sở pháp lý chưa chắc chắn nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa cho thanh toán phần máy mượn, máy đặt và đó là một vấn đề gây ra khó khăn cho cơ sở y tế. Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này chúng ta đã đưa nội dung này vào. Trong đó, có nội dung mượn thiết bị y tế. Vấn đề đặt máy chúng ta không đặt ra nữa. Có nhiều biện pháp khác để khắc phục vấn đề này. Cốt lõi chính là trong cơ cấu về giá, chi phí khám, chữa bệnh có bốn nhóm cấu phần: đó là chi phí về nhân công, chi phí về thuốc, vật tư, chi phí quản lý và chi phí khấu hao thiết bị y tế. Khi chi phí khấu hao thiết bị y tế được tính vào giá khám, chữa bệnh, các cơ sở mới có thể thuê máy, mượn máy, sử dụng phương pháp mua trả dần, trả chậm để có đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho người bệnh.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho ngành y tế

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Ngành y vượt khó” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 23/2, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng “thách thức của ngành y tế đang hiện hữu”, đó là các vấn đề về nguồn nhân lực, thể chế, vấn đề điều hành và cả vướng mắc ở nhiều khâu trong quá trình quản lý.

“Đầu tiên là chúng ta phải chia sẻ với các thầy thuốc, chia sẻ với các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế Việt Nam, lương của họ rất thấp, đời sống rất khó khăn. Làm việc rất nhiều nhưng không tính được thời gian làm thêm giờ. Làm ngày, làm đêm nhưng thu nhập vẫn thấp!”, ông Lợi nhấn mạnh. Vấn đề thứ hai đối với ngành y tế chính là hoàn thiện cơ chế, chính sách để minh bạch các hoạt động. Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nhưng nếu chúng ta không ra các văn bản hướng dẫn thì sẽ tiếp tục ách tắc. Rất nhiều văn bản, do sự phối hợp giữa các ngành không đồng bộ nên khi ban hành gặp vướng mắc, các cơ sở khám, chữa bệnh lại khó khăn. Vậy về mặt thể chế, chúng ta phải giải quyết sao cho minh bạch.

TS Bùi Sỹ Lợi cho rằng, rất nhiều cơ chế, chính sách của ngành y tế cần phải được tháo gỡ quyết liệt. Như vấn đề giá dịch vụ khám, chữa bệnh, chúng ta vẫn nói là phải tính đúng, tính đủ về chi phí khám, chữa bệnh nhưng trong thực tiễn lại chưa tính đúng, tính đủ. Do đó, các cơ sở khám, chữa bệnh không có nguồn thu, dẫn đến không có tiền lương, không có thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và thầy thuốc khó khăn. Vấn đề tiếp theo là chúng ta nói giao quyền tự chủ cho các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng các cơ sở đó không đủ điều kiện, làm sao tự chủ toàn phần được. Bên cạnh đó, chúng ta phải giải tỏa vấn đề không thể để tình trạng máy móc “đắp chiếu” nằm trong kho chờ xử lý sai phạm, còn người dân thì không có máy móc, thiết bị để điều trị. Rồi việc nhập các vật tư, thiết bị y tế của chúng ta thực hiện rất chậm do cơ chế của chúng ta không linh hoạt.

“Với tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta cần chia sẻ với ngành y, phải có thuốc, vật tư, máy móc hiện đại để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta phải xử lý vấn đề này. Vấn đề cuối cùng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, hệ thống chính trị cần quan tâm đến việc tổ chức, sắp xếp hệ thống y tế một cách đồng bộ, làm sao cơ sở y tế của chúng ta phải thống nhất từ T.Ư đến địa phương và phải chuyển biến nhận thức của xã hội với ngành y tế”, TS Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Liên quan đến giá dịch vụ, TS, BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn tất để ban hành các văn bản có liên quan, trong đó có xây dựng danh mục kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm căn cứ xây dựng giá. Ngành đang cố gắng trong năm 2023 sẽ hoàn thành những nội dung này.

Cần quan tâm hơn tới ngành y tế ảnh 3

Đội ngũ cán bộ y tế vùng cao còn phải làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Ảnh: MINH QUÂN

Quyết liệt giải quyết ngay trong tháng 3/2023

Mới đây, ngày 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.

Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn các đơn vị, các cơ sở y tế, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở khám, chữa bệnh trong quý I/2023, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm. Khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể việc tiếp nhận máy móc, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng do tổ chức, cá nhân tặng, cho, đóng góp, tài trợ, viện trợ cho các cơ sở y tế sử dụng phục vụ khám, chữa bệnh.

Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan có liên quan đề xuất giải pháp cụ thể để đưa các trang thiết bị này vào sử dụng tránh lãng phí các nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm khẩn trương hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, trong đó tập trung hướng dẫn việc nhà thầu được phép cung cấp máy cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất. Bộ Tài chính có trách nhiệm khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định; đặc biệt là các vấn đề về: xây dựng dự toán mua sắm, dự toán thu chi.

Công điện yêu cầu khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong tháng 3/2023.