Cân nhắc hình thức xử phạt

Mấy hôm nay có nhiều câu chuyện xoay quanh việc một trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh vừa áp dụng một hình thức phạt học sinh rất độc đáo.
0:00 / 0:00
0:00

Học sinh nào vi phạm nội quy của nhà trường thay vì phải viết bản kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích sẽ phải lên thư viện, tìm một cuốn sách để đọc, sau đó viết lại cảm nhận của mình. Các bộ sách để học sinh lựa chọn đọc và viết cảm nhận gồm “Hạt giống tâm hồn”, “Người con hiếu thảo”…

Nhiều người đồng tình với hình thức này. Đó cũng là cách để học sinh đến gần với sách, tìm kiếm những tri thức bổ ích, những bài học hay. Bởi học trò thời nào, ở đâu cũng vậy, chuyện nghịch ngợm, vi phạm nội quy vốn hay xảy ra. Và nhà trường đưa ra những hình thức xử phạt như trực vệ sinh lớp, lao động công ích… cũng là điều bình thường, để rèn giũa học sinh trưởng thành. Những người ủng hộ hình thức phạt học sinh bằng việc đọc sách cho rằng, đây là ý tưởng cần khuyến khích, bởi việc lao động công ích ở nhiều trường hiện không còn phù hợp và cũng không phải nhiệm vụ của các em. Nhiều học sinh cũng bày tỏ quan điểm “ủng hộ nhà trường”, thậm chí “ước gì trường mình cũng dùng hình thức phạt học sinh như thế”.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến chưa đồng tình, cho rằng sách chưa bao giờ và sẽ không bao giờ nên là một dụng cụ xử phạt. Hình thức xử phạt bằng việc đọc sách thoạt nghe có vẻ nhân văn, nhưng nghĩ kỹ lại thấy ít nhân văn. Vì thế, nhiều người băn khoăn, rằng việc “cưỡng ép” học sinh đọc sách như thế liệu có tạo ra những hiệu ứng khác như “sợ sách”, “dị ứng với sách”… không? Với những học sinh nghịch ngợm, học sinh cá biệt, việc bị phạt bằng hình thức đọc sách và viết cảm nhận về cuốn sách đó liệu có ảnh hưởng tới tâm lý lâu dài?

Đây là những câu hỏi cần có sự nghiên cứu mới có được câu trả lời.

Vẫn biết, bất cứ hình thức xử phạt nào, mục đích chính cũng là giáo dục các em. Và việc dùng đọc sách để xử phạt học sinh vi phạm cũng nhằm để khuyến khích các em quan tâm hơn tới văn hóa đọc, đánh thức trong tâm hồn các em những rung động, những bài học về tình thương yêu, qua đó giúp các em biết cảm thụ văn học, khơi dậy tình yêu thương ông bà, cha mẹ. Nhưng coi đọc sách là một “hình phạt” thì cần hết sức cân nhắc. Nên xem đó như một phương pháp giáo dục bổ sung bên cạnh các hình thức nhắc nhở khác để học sinh vi phạm quy chế có sự lựa chọn, như lau dọn vệ sinh thư viện, sắp xếp lại giá sách, hoặc sắp đặt sách thành những di tích, biểu tượng văn hóa… Đặc biệt, không để học sinh mang theo điện thoại có kết nối internet vào thư viện để tránh những cách đối phó như sao chép các bài viết giới thiệu sách vốn có nhiều trên các trang mạng…