Áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường:

Cần nghiên cứu kỹ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các cơ quan hữu quan để xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Dự thảo có bổ sung để áp thêm thuế với “đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn”.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm đồ uống có đường có thể áp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các sản phẩm đồ uống có đường có thể áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lý do áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường, thức uống đại mạch, nước giải khát không cồn hay gọi là đồ uống có đường nói chung được đưa ra: đây là những thức uống gây bệnh thừa cân béo phì và việc đánh thuế để điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

Đồ uống có đường là bất kỳ loại đồ uống nào có thêm đường hoặc các chất làm ngọt khác như siro fructozo cao, đường sucrose, nước ép trái cây. Bên cạnh đó soda, cola, thuốc bổ, nước chanh, đồ uống thể thao... cũng được coi là đồ uống có đường.

Đáng lo ngại khi khái niệm “đồ uống có đường” sẽ bao gồm cả sữa và sản phẩm từ sữa, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, dinh dưỡng cho bệnh nhân, sữa cho phụ nữ mang thai. Đây là mặt hàng thiết yếu, được dùng hằng ngày ở mọi gia đình. Nếu bị áp thuế TTĐB, các sản phẩm từ sữa có thể sẽ đẩy giá các sản phẩm có lợi cho sức khỏe này tăng lên, trong khi hiện nay nhiều người lao động thiếu việc làm, thu nhập giảm sẽ hạn chế tiêu dùng.

Dự định áp dụng thuế như trên đang vấp phải nhiều ý kiến từ các chuyên gia và hiệp hội đồ uống liên quan. Phần lớn đều nhận định hiện nay chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để chứng minh rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tình trạng thừa cân béo phì, đặc biệt là trong bối cảnh có rất nhiều loại thực phẩm có chứa đường và hàm lượng calo cao tồn tại trên thị trường. Mặc khác, thừa cân béo phì có nhiều nguyên nhân như ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, đạm, đồ ăn nhanh, thực phẩm có chứa đường...

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) đề nghị Bộ Tài chính bỏ “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” khỏi dự thảo. Bởi hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành không có định nghĩa về “đồ uống có đường”. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính có thể cũng sẽ bao gồm cả một số sản phẩm thiết yếu và tốt cho sức khỏe như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm y tế cho người bệnh...

Hiệp hội Thương mại Mỹ cũng nhận định, nếu đề xuất được thông qua, cả ngành thực phẩm và đồ uống vốn đang chật vật phục hồi sau Covid-19, sẽ đối mặt thêm gánh nặng tài chính. Nó cũng tạo thêm áp lực cho các gia đình khi phải chi trả cao hơn cho nhiều loại thực phẩm thông thường.

Theo ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam (VBA), doanh nghiệp rất chia sẻ với mong muốn của Chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại chưa thích hợp để tăng thuế TTĐB, bởi doanh nghiệp đang chịu mức tăng nguyên vật liệu vượt quá khả năng gánh chịu. Việc tăng thuế TTĐB sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm, có thể khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các sản phẩm phi chính thống.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Một sắc thuế tốt thì ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp thông lệ quốc tế. Ông Tuấn cũng đặt vấn đề chính sách được đề xuất liệu có bảo đảm nhất quán với các chính sách, chủ trương liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 hay không? Lộ trình tăng thuế như thế nào là phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong khi doanh nghiệp cũng cần phục hồi sau đại dịch.

Nhiều ý kiến cũng quan ngại về môi trường pháp lý khi từ năm 2003 đến nay, Luật Thuế TTĐB đã năm lần sửa đổi. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tăng thuế TTĐB chưa đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe. Tăng thuế không giải quyết vấn đề rượu bất hợp pháp (chiếm 60-70% thị trường, gây thất thoát 751 triệu USD/năm), từ đó, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và thúc đẩy việc kinh doanh bất hợp pháp. Trong khi đó vấn đề gốc rễ của rượu phi chính thức là gây rủi ro cho sức khỏe và thất thu ngân sách lại không được tập trung giải quyết.

Ngành đồ uống chịu tác động trực tiếp, sâu rộng từ Luật Thuế TTĐB với những đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương. Vì vậy, ý kiến của ngành hàng này là rất quan trọng để hài hòa các lợi ích và bảo đảm, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách. Theo các chuyên gia, Dự thảo Luật Thuế TTĐB cần được xem xét, thảo luận và đánh giá cụ thể, toàn diện về tác động của thay đổi đề xuất, bao gồm các tác động lan tỏa với nền kinh tế, trước khi thay đổi luật.

Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cũng kiến nghị xem xét chưa sửa đổi Luật Thuế TTĐB ít nhất trong thời gian 2023-2024 nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh và phục hồi sau đại dịch, đồng thời không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB.