Cải tạo môi trường khu vực nhiễm xạ

Phòng thí nghiệm Santa Susana có quy mô hơn 1.153 ha, nằm ở dãy núi Santa Susana, bang California (Mỹ) từng là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu. Hầu như mọi chương trình không gian lớn của Mỹ, bao gồm các chuyến bay trong Chương trình không gian Mercury hay các cuộc đổ bộ lên Mặt trăng của tàu Apollo… đều được thực nghiệm tại đây. Tuy nhiên, đã nhiều năm kể từ khi ngưng hoạt động, việc xử lý các chất gây ô nhiễm tạo ra trong quá trình thí nghiệm tại đây vẫn đang bỏ ngỏ.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng thí nghiệm Santa Susana bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: FLICKR
Phòng thí nghiệm Santa Susana bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: FLICKR

Mối nguy rò rỉ rác phóng xạ

Phòng thí nghiệm Santa Susana cũng là nơi nghiên cứu và phát triển năng lượng cho Chính phủ Mỹ, bao gồm công nghệ lò phản ứng hạt nhân, năng lượng mặt trời. Thậm chí có người cho rằng, những công nghệ nghiên cứu từ phòng thí nghiệm Santa Susana đã góp phần “định hình” cho nước Mỹ. Được đưa vào vận hành từ năm 1947, sau hơn 50 năm hoạt động, phòng thí nghiệm hiện trường Santa Susana dừng việc nghiên cứu hạt nhân vào năm 1998, còn việc thử nghiệm động cơ tên lửa chấm dứt vào năm 2006. Có điều, một nghiên cứu về sức khỏe do Chính phủ Mỹ tài trợ vào năm 2007 đã ghi nhận tỷ lệ ung thư tuyến giáp ở người lớn, một căn bệnh liên quan tiếp xúc với bức xạ, ở mức cao trong số những người dân sống trong bán kính hơn 3km từ địa điểm này. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng ghi nhận bằng chứng cho thấy các chất ô nhiễm từ phòng thí nghiệm đã rò rỉ vào mạch nước ngầm bên ngoài khu vực. Các chất hóa học này có thể gây rối loạn tuyến giáp ở những người nhiễm phải.

Theo Reuters, việc xử lý những chất gây ô nhiễm tạo ra trong quá trình tiến hành các thử nghiệm ở Santa Susana đã không bảo đảm an toàn, tạo ra mối nguy không chỉ trước mắt mà còn lâu dài về sức khỏe đối với người dân chung quanh. Thí dụ, trong quá trình tiến hành hàng nghìn cuộc thử nghiệm tại đây, các kỹ sư đã đặt những động cơ lên ​​bệ đỡ, sau đó đốt nhiên liệu tên lửa lỏng mà không hề có biện pháp bảo vệ nào. Các công nhân tiến hành rửa động cơ bằng dung môi rồi cho chảy luôn xuống đất, khiến nhựa đường bị ăn mòn. Dung môi sau đó chảy ra các ao, hồ không có mái che gần địa điểm thử nghiệm, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Bên cạnh đó, trong quá trình thử nghiệm, các công nhân cũng thường xuyên đốt chất thải trong những hố lộ thiên. Để xử lý chất thải, họ kích nổ các thùng chứa đầy hóa chất, tạo ra những luồng khí độc phát tán vào không khí. Đặc biệt, vào năm 1959, một trong những lò phản ứng hạt nhân của phòng thí nghiệm hiện trường Santa Susana đã bị quá tải về công suất, khiến một phần lõi của lò phản ứng bị tan chảy. Một hội đồng cố vấn gồm nhiều nhà khoa học và các bên liên quan khác, trong báo cáo do Chính phủ Mỹ ủy quyền được công bố vào năm 2006 cho rằng, vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân năm 1959 tại địa điểm này có thể đã gây ra hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn ca ung thư ở các cộng đồng cư dân lân cận.

Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã phát hiện dấu vết phóng xạ sau trận cháy rừng xảy ra trên khu đất này vào năm 2018, tại các ngôi nhà và trên những khu đất công ở cách xa phòng thí nghiệm tới 14,5km. Những thử nghiệm của Chính phủ Mỹ và các tổ chức độc lập cũng đã phát hiện tình trạng nhiễm xạ từ phòng thí nghiệm Santa Susana tại các công viên và khu dân cư lân cận.

Cải tạo môi trường khu vực nhiễm xạ ảnh 1

Một số đại diện cộng đồng dân cư quanh phòng thí nghiệm Santa Susana yêu cầu làm sạch môi trường. Ảnh: ENVIROREPORTER

Thỏa thuận “dọn dẹp” gây tranh cãi

Hiện nay, tập đoàn Boeing, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Bộ Năng lượng Mỹ cùng chịu trách nhiệm xử lý khu đất từng đặt phòng thí nghiệm Santa Susana. Trong đó, Boeing là đơn vị chịu trách nhiệm đối với phần lớn khu đất kể từ năm 1996, khi họ mua lại công ty chuyên thiết kế động cơ tên lửa Rocketdyne, là đơn vị đồng sở hữu khu đất. Năm 2007, Boeing đã ký một thỏa thuận với chính quyền bang California, theo đó cam kết sẽ tiến hành các công việc cải tạo gần 770ha trong khuôn viên phòng thí nghiệm hiện trường Santa Susana đủ sạch để con người có thể sinh sống, trồng rau ăn an toàn.

Đến năm 2018, Boeing lại “tặng” quyền phát triển khu đất cho một quỹ tín thác đất đai theo một thỏa thuận được gọi là “thỏa thuận bảo tồn”. Đây là một thỏa thuận mang tính chất ràng buộc về mặt pháp lý giữa chủ đất, quỹ tín thác đất đai và một cơ quan của chính quyền, theo đó giới hạn việc sử dụng đất để bảo vệ không gian, cảnh quan, môi trường sống của động vật hoang dã và di sản văn hóa ở khu đất đó. Sau khi tặng quyền phát triển khu đất, Boeing thông báo rằng, vì thỏa thuận bảo tồn cấm việc xây dựng trên đất nên công ty dự định sẽ triển khai các hoạt động làm sạch hóa chất để bảo đảm khu vực này an toàn đối với các hoạt động như đi bộ, với tiêu chuẩn an toàn thấp hơn so tiêu chuẩn cho người ở. Theo Reuters, Boeing có thể tiết kiệm hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm triệu USD chi phí cải tạo môi trường nhờ việc giảm tiêu chí xử lý nhiều loại hóa chất, phóng xạ.

Boeing khẳng định, trong những năm qua, các hoạt động cải tạo do công ty tiến hành đã giải quyết tình trạng ô nhiễm trong đất, nước ngầm và nước mưa tại khu vực phòng thí nghiệm Santa Susana và quá trình chuyển đổi Santa Susana từ một phòng thí nghiệm thực địa sang không gian mở đang được triển khai một cách đầy đủ. Tuy nhiên, hơn một năm qua, cộng đồng cư dân ở các khu vực chung quanh khu đất đã liên tục gửi đơn tới cơ quan chức năng báo cáo về các trường hợp mắc ung thư hoặc các bệnh hiếm gặp, có nguyên nhân từ việc bị phơi nhiễm phóng xạ rò rỉ từ khu vực phòng thí nghiệm trước đây.

Trước những lo ngại của các cộng đồng cư dân, hồi tháng 5, Boeing đã công bố thỏa thuận với Cục Kiểm soát các chất độc hại, Cơ quan bảo vệ môi trường bang California và Ban Kiểm soát chất lượng nước khu vực Los Angeles. Theo đó, Boeing đồng ý sẽ làm sạch các hạt nhân phóng xạ trong đất ở khu vực phòng thí nghiệm Santa Susana, đưa nơi đây về nguyên trạng như khi không có hoạt động công nghiệp, đồng thời làm sạch các hóa chất gây ô nhiễm để khôi phục môi trường về mức đáp ứng tiêu chuẩn sinh sống của người dân.

Theo các chuyên gia, nếu chất ô nhiễm được xử lý đúng cách, các địa điểm từng bị nhiễm hóa chất hoặc phóng xạ có thể được sử dụng làm công viên, sân bóng đá, bãi đậu xe… một cách an toàn. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cảnh báo về nguy cơ các chất ô nhiễm không được xử lý sạch sẽ theo nước mưa tràn ra môi trường chung quanh, đe dọa sức khỏe cộng đồng một khi các công ty, doanh nghiệp có ý định khôi phục bãi đất trống trước đây thành khu dân sinh.