Đến nay, thế giới đã ghi nhận gần 35 triệu người mắc Covid-19, hơn một triệu người tử vong, gần 26 triệu người khỏi bệnh. Dịch bệnh đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ, Ấn Độ, Brazil lần lượt là ba vùng dịch lớn của thế giới, đứng đầu về số ca nhiễm mới. Vì thế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng âm 3%.
Theo hãng thông tấn Regnum của Nga, cuộc CMCN 4.0, bao gồm các công nghệ sản xuất, thông tin hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và các công nghệ kỹ thuật số khác, được phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của con người. Các công nghệ này cung cấp kết nối trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ để đẩy mạnh quá trình tự động hóa.
Trong thập kỷ qua, một tập hợp công nghệ đột phá đã được áp dụng rộng rãi để hỗ trợ các chiến lược tăng trưởng theo định hướng đổi mới. Với tác động của Covid-19, phần lớn nhà sản xuất coi CMCN 4.0 là một yếu tố cần thiết trong chiến lược để thích ứng những thay đổi và phục vụ cộng đồng tốt hơn. Từ quan điểm của các công ty, tập đoàn công nghệ và chuyên gia đầu ngành, cuộc CMCN 4.0 đang giúp mở ra các công nghệ tiên tiến mới tiết kiệm lao động, giảm sự phụ thuộc vào lao động kỹ năng thấp, hạ thấp chi phí sản xuất. Trước khi đại dịch bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), các công ty hàng đầu thế giới đã dựa vào các công nghệ 4.0 như robot, in 3D, nhà máy thông minh để giảm thiểu rủi ro từ chuỗi cung ứng, tăng tính linh hoạt, cải thiện tiêu chuẩn sản phẩm. Các nước đang phát triển, các nhà sản xuất hợp đồng trong ngành may mặc bắt đầu thay thế công nhân bằng robot để giải quyết bài toán về lương.
Đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng áp dụng công nghệ 4.0, tạo động lực mới để các công ty, doanh nghiệp tiến tới xây dựng nhà máy thông minh, hoàn thành quy trình sản xuất hoàn toàn tự động, đồng thời chỉ ra những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau quá trình đứt gãy do dịch bệnh từ quý I năm nay. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện phải đối mặt tình trạng thiếu nguồn cung cấp nguyên liệu hoặc những rủi ro liên quan chính sách bảo hộ thương mại, khiến các sản phẩm và thiết bị quan trọng bị thiếu hụt.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp hàng đầu đang hướng tới xây dựng mô hình nhà máy thông minh với đầy đủ các chức năng, không cần nhân viên túc trực, giúp sản lượng sản xuất không bị gián đoạn trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch. Những nhà máy này giảm được số lượng công nhân cần thiết vì hầu hết các nhiệm vụ đơn giản đều được tự động hóa, điều khiển từ xa. Sẽ không ngạc nhiên khi các tổ chức bị ảnh hưởng ít nhất bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua là những tổ chức đã có quy trình tự động hóa tốt nhất.
Ứng dụng công nghệ in 3D và AI cũng được nhiều doanh nghiệp thúc đẩy mạnh mẽ. Nhu cầu toàn cầu về máy thở và thiết bị y tế cá nhân (PPE) như mặt nạ y tế, mặt nạ phòng độc, tấm chắn nhựa và găng tay đã tăng theo cấp số nhân khi số ca mắc Covid-19 tăng phi mã trong giai đoạn đầu của dịch bệnh. Các quốc gia phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nguồn cung thiết bị y tế quan trọng cùng các bộ phận, linh kiện. Trước tình hình trên, nhiều quốc gia tập trung hướng đến công nghệ in 3D và AI để lấp đầy thiếu hụt nguồn cung. Thí dụ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (USFDA) hợp tác với các đối tác chính phủ và tư nhân, như America Makes, Viện Cải tiến sản xuất phụ gia quốc gia (NAMII)… để đáp ứng sự thiếu hụt về vật tư y tế, sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất van thông gió và các bộ phận máy thở, cũng như mặt nạ, tấm chắn nhựa.
Đẩy mạnh các giải pháp “tự động hóa” là mục tiêu mà công nghệ 4.0 hướng tới trong đại dịch. Việc cung cấp giải pháp tự động hóa cho một số ngành sản xuất và nhiều lĩnh vực liên quan khác để thu thập, chuyển giao, lưu trữ, phân tích, theo dõi hệ thống thông tin một cách phù hợp, đẩy nhanh quá trình sản xuất thuốc, quy trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Tại Hàn Quốc, máy chẩn đoán đang thay con người xét nghiệm, phân tích các trường hợp mắc Covid-19 cho thấy tự động hóa đã giúp tăng tốc quá trình xét nghiệm, giảm nguy cơ lỗi và lây nhiễm.
Bằng việc áp dụng các công nghệ nói trên, mọi người có thể dễ dàng làm việc tại nhà, tham gia các cuộc họp trực tuyến và thông tin liên lạc bằng văn bản qua internet. Công nghệ kỹ thuật số tạo ra phòng khám trên internet thông qua việc áp dụng các hình thức tư vấn từ xa, giúp giảm tải bệnh nhân trong các bệnh viện và theo dõi bệnh án của bệnh nhân thuận lợi hơn. Như vậy, cuộc CMCN 4.0 vô hình trung mang lại nhiều đột phá quan trọng giúp giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tạo động lực mới để các tập đoàn, doanh nghiệp tìm ra những hướng đi tiềm năng cũng như thúc đẩy các công ty công nghệ đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.
Trong đại dịch, việc đẩy mạnh sử dụng robot thay thế con người trong sản xuất đã được nhiều nước áp dụng. Theo CNN, hiện, dự trữ robot công nghiệp toàn cầu chủ yếu tập trung ở một số quốc gia và trong một số ngành sản xuất cụ thể. Tính đến năm 2017, khoảng một triệu robot công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất đã được sử dụng ở các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU), Canada, Mỹ, Israel và một số nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc sử dụng hơn 260.000 robot trong quá trình sản xuất, các quốc gia khác sử dụng gần 150.000 robot. Khoảng 50% số robot được sử dụng trong sản xuất xe cơ giới, trong khi sản xuất máy tính và thiết bị điện tử là gần 400.000 robot.
Cuộc CMCN 4.0 cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu hướng đến các thị trường mới nổi, do nhu cầu hàng tiêu dùng tầm trung gia tăng tại các thị trường này. Chẳng hạn, Ethiopia đã tham gia thành công vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra nhiều việc làm hơn cho công nhân may mặc, đặc biệt là phụ nữ, khiến quốc gia này trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn đối với các công ty may mặc toàn cầu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giá rẻ như điện tử và may mặc đang phát triển ở các thị trường mới nổi cũng giúp đẩy nhanh quá trình tự động hóa ngành công nghiệp toàn cầu.
Hiện nay, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, nên xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 đang được đẩy nhanh chưa từng thấy, tạo được nhiều đột phá trong thời gian qua. Quy trình làm việc từ xa và tự động hóa không còn là mục tiêu mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết, giúp các doanh nghiệp bảo tồn doanh thu trong thời dịch bệnh. Tương lai phát triển của CMCN 4.0 là rõ ràng, nhưng việc phát huy các tiềm năng của nó còn phụ thuộc nhiều vào sự linh hoạt và việc xây dựng chiến lược hiệu quả của các doanh nghiệp.