Bom hẹn giờ

Trong phát biểu mới nhất, nhà hải dương học Catherine Jeandel thuộc Cơ quan nghiên cứu CNRS (Pháp) cảnh báo rằng, hoạt động của con người đang khiến nước biển nóng lên nhanh chóng, biến đại dương thành “quả bom hẹn giờ”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: THIAGO LUCAS
Biếm họa: THIAGO LUCAS

Cảnh báo được đưa ra khi nhiệt độ bề mặt đại dương tháng 4/2023 đã xô đổ “kỷ lục” được ghi nhận hồi tháng 3/2016 là 21oC. Dữ liệu từ trạm quan sát của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy, đầu tháng 4 vừa qua, nhiệt độ trung bình của tầng mặt các đại dương, không bao gồm biển ở vùng cực, đã lên 21,1oC. Đến đầu tháng 5, nhiệt độ trung bình bề mặt đại dương toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng vẫn cao hơn các mức cùng kỳ trong gần 10 năm qua.

“Kỷ lục” mới chỉ tăng thêm 0,1oC, tưởng chừng không quá lớn. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, để làm nóng nước cần năng lượng hơn rất nhiều so không khí và các đại dương lại bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt hành tinh, vì thế để tăng chỉ 0,1oC, đại dương cũng đã phải hấp thụ một lượng nhiệt khổng lồ.

Các chuyên gia CNRS chỉ rõ, hậu quả trực tiếp từ tình trạng đại dương ấm lên nhanh chóng là các đợt nắng nóng trên biển xuất hiện nhiều hơn. Hiện tượng này được ví như đám cháy dưới nước, có nguy cơ khiến hệ sinh thái dưới nước suy thoái và không thể phục hồi. Nhiệt độ đại dương tăng đồng nghĩa lượng nước bốc hơi tăng và có nguy cơ cao dẫn tới các cơn giông lốc mạnh hơn. Nhiệt độ nước biển ở tầng mặt cao hơn còn làm gián đoạn quá trình hòa tan các chất dinh dưỡng và oxy, vốn là yếu tố then chốt hỗ trợ sự sống.

Đáng nói là các đại dương đang nóng lên cùng tốc độ tăng lượng khí thải carbon trên Trái đất. Đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt lượng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính và theo CNRS, đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt gia tăng do các hoạt động của con người gây ra. Nhiệt độ bề mặt đại dương tăng chỉ 0,1% cũng đã cho thấy lượng khí thải carbon lớn như thế nào.

Nhà hải dương học Catherine Jeandel cảnh báo, phần nhiệt lượng tăng thêm không hề biến mất mà được lưu trữ trong các vùng nước trên thế giới, để rồi cuối cùng sẽ trở lại hệ thống Trái đất, khiến hành tinh càng nóng lên nhiều hơn. Khi hoạt động của con người khiến nước biển nóng lên, đại dương sẽ giống như “quả bom hẹn giờ”, chực chờ gây họa cho chính con người.