Biết vừa, biết đủ

Phố phường, thị trường đã lấp lánh hàng hóa Noel. Quan sát sơ bộ và như phản ánh ban đầu trên báo chí, thì tình hình mua sắm để trang hoàng đón lễ Giáng sinh năm nay được coi là vừa phải.
0:00 / 0:00
0:00

Tâm lý chung của người dân là tiết kiệm, chọn lựa để mua chứ không “phóng tay”, không “xả hơi” sau những mùa Noel Covid. Các nhà cung cấp cũng hướng đến những mặt hàng phổ thông, phục vụ được đông đảo người dân, ít những loại “đẳng cấp”, “xa xỉ phẩm”.

Tình hình này cũng phản ánh phần nào mức chi tiêu chung hiện nay sau thời gian cả nước bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và các hệ lụy xã hội kéo dài mà đến nay vẫn chưa hết. Cộng thêm những tác động khác từ những biến động trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội thời gian qua. Lại thêm những khó khăn hiện hữu mà cả xã hội đang quan tâm, liên quan đến tình hình công ăn việc làm của nhiều công nhân, người lao động tại một số địa phương khi mà đơn hàng giảm, phải bớt hoặc bị mất việc, đang lâm vào túng thiếu. Nó cũng dự báo cho xu hướng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán không còn xa nữa, có thể người dân cũng sẽ phải “căn ke” hơn, biết vừa, biết đủ, dù cho đây sẽ là cái Tết “sạch bệnh” sau mùa Tết 2021, 2022 và trước đó là một phần Tết 2020 phải “bó chân, bó tay” do ứng phó dịch bệnh.

Thực tế cần quan sát, nắm bắt này rất đáng để các nhà quản lý địa phương, quản trị xã hội, các cơ quan chức năng về thị trường, lưu thông, phân phối hàng hóa, giám sát các loại hình dịch vụ… lưu tâm tìm hiểu. Từ đó có những phương thức khảo sát, nghiên cứu, thông tin rộng rãi về tình hình mức sống người dân, giá cả thị trường và góp phần định hướng để cả phía cung là các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng hàng hóa, lẫn phía cầu là người tiêu dùng có sự chọn lựa, cân đối, điều chỉnh hài hòa về các sản phẩm, hàng hóa phục vụ đón Tết, vui xuân với các mức giá phù hợp. Mục tiêu chung là hướng tới một mùa Tết tiết kiệm, thiết thực, phù hợp tình hình thu nhập chung và hoàn cảnh xã hội.

Ở một khía cạnh khác, biết vừa, biết đủ trong chi tiêu, mua sắm vào những dịp vẫn thường được gọi vui là “phá kho thóc” cuối năm này, còn phản ánh phần nào về thái độ, lối sống của người dân, xã hội. Nó cho thấy sự bình tĩnh, thong thả hơn của người dân sau những biến động xã hội, quan tâm hơn đến sự thiết thực, an toàn hơn là sự “xả hơi”. Đó là một hiện tượng xã hội, cũng là một xu hướng ứng xử văn hóa rất cần được lý giải, từ đó thúc đẩy xây dựng, củng cố về ý thức và nếp sống hướng nhiều hơn đến sự chân thực, bình ổn, các giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng.