Biến rác biển thành đồ có ích

Nhặt rác ở biển và tái chế thành đồ dùng có ích không chỉ giúp làm sạch môi trường mà còn mang lại nhiều giá trị tích cực cho đời sống hằng ngày. Trong một không gian đồ tái chế với vài cái ghế, vật dụng trang trí làm từ rác biển rồi hình thành một quán cà-phê gia đình, anh Lê Thành Long (trong ảnh) đã lan tỏa tình yêu môi trường trong góc phố nhỏ tại phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
0:00 / 0:00
0:00
Biến rác biển thành đồ có ích

Sinh ra, lớn lên và lập gia đình ở tỉnh Đắk Lắk, nơi có những cánh rừng hùng vĩ, những cây xanh cao lớn, tuy nhiên qua quá trình trưởng thành, anh Long nhận thấy cây rừng ngày càng mai một. Gỗ được đắp đầy trong những ngôi nhà, làm thành những bộ bàn ghế lớn chạm khắc, những chiếc phản rộng ở phòng khách nhiều nơi anh từng qua. Cảm giác cuộc sống ngột ngạt, nhiều năm trước, anh Long đã quyết định chuyển gia đình về TP Đà Nẵng sinh sống. Muốn giữ không gian xanh mát tại ngôi nhà mới, anh Long đã trồng nhiều cây xanh chung quanh khuôn viên nhà.

Sau một trận bão, ra biển Tân Trà thấy có nhiều cây cối, gỗ mục, lưới, phao và cả đồ dùng… bị sóng đánh tấp vào bờ, anh Long liền gom mang về nhà. Lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng mày mò đục đẽo và tạo ra những đồ dùng từ rác thải của biển. Từ cái bàn, cái ghế, hàng rào, mái hiên, dùng không hết trong nhà thì anh mang cho bạn bè, hàng xóm.

Những nguyên liệu khi nhặt về, vợ chồng anh cũng không cần cắt sửa quá nhiều mà dựa vào hình dạng của đồ vật để tạo ra vật dụng tương ứng. Chỉ tay vào chiếc bàn gỗ dài, mặt bàn là miếng gỗ to đã có nhiều vết mục, nứt, anh Long cho biết, mình chỉ bào cho miếng gỗ phẳng lại, rồi ráp thêm hai khúc gỗ to làm chân. Hay những tấm lưới ma thì dùng làm trang trí, treo thêm một vài con cá cũng cắt từ gỗ củi bỏ đi rồi sơn phết mầu sắc tạo điểm nhấn. "Những sản phẩm tái chế từ rác biển thường mang tính độc đáo, tạo nên không gian mới mẻ, thú vị và thân thiện với môi trường", anh Long cho biết. Khi số đồ tạo ra vẫn còn nhiều, anh quyết định trang trí tạo không gian cho quán cà-phê. Vậy là cà-phê Ấm ra đời với những vật dụng, đồ trang trí làm hoàn toàn từ rác thải biển.

Ngay ngã tư đường Lý Văn Phức - Bùi Quốc Khái tại phường Hòa Hải, ngôi nhà và quán cà-phê Ấm nằm giữa một không gian rất nhiều cây xanh và gỗ “rác”. Quán trang trí đơn giản, những đồ dùng tự chế được sắp xếp trật tự với một vài bộ bàn ghế, một cái “chòi” nhỏ là phế phẩm được vớt về từ biển. Từ trong nhà ra ngoài sân, bàn ghế, bếp, bồn rửa tay, giỏ hoa, xích đu… đều là những vật dụng được tái chế từ rác.

Theo các chuyên gia môi trường, việc tái chế rác biển giúp giảm lượng rác thải trôi nổi trên biển và bãi biển, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển và môi trường sống của các loài động vật, giúp giảm lượng rác phải xử lý, giảm tải cho các bãi rác và hệ thống xử lý rác thải, từ đó góp phần giảm ô nhiễm đất và nước.

Văn phòng gần đó, nên sáng nào anh Lê Đình Thịnh (24 tuổi), làm việc tại một công ty về công nghệ, cũng thường ghé quán trước khi vào làm. “Quán có nhiều cây xanh nên có luồng gió tự nhiên lại có sự trang trí đẹp mắt. Thêm nữa, chủ quán biết biến rác thải thành đồ dùng hữu ích, đòi hỏi sự sáng tạo và khéo léo nên tôi rất thích đến. Việc làm của gia đình anh Long cần được khuyến khích nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhắc nhở người dân tham gia vào các hoạt động tái chế và bảo vệ môi trường”, anh Thịnh chia sẻ.

Hiện nay, gia đình anh Long vẫn duy trì cuộc sống nhẹ nhàng với việc thu gom rác về tái chế thành đồ dùng, cùng con gái vận hành quán cà-phê nhỏ và sẵn sàng chia sẻ đồ đạc mình làm ra cho những ai muốn có. “Đà Nẵng cho tôi suy nghĩ mới về đồ dùng trong nhà, không phải là bộ salon gỗ thơm đặt tại phòng khách, không phải là sàn nhà lát gỗ, hay cặp bình bát gỗ trưng lên mà chính là tái sử dụng những gì còn có thể để dùng được. Không gian ngôi nhà tôi đang ở không cần lộng lẫy, nhưng vẫn xanh mát, gọn gàng và chúng tôi thấy hài lòng khi không làm ảnh hưởng đến thiên nhiên. Đây cũng là cách giúp tiết kiệm tài nguyên tự nhiên, giảm nhu cầu khai thác và sản xuất mới, từ đó giảm tác động tiêu cực đến môi trường và gắn kết mọi người qua các hoạt động có ý nghĩa và lợi ích chung”, anh Long trải lòng.