Bê bối mang tên Odebrecht

Ngày 17-4, dư luận Peru chấn động trước thông tin cựu Tổng thống Alan García đã qua đời do tự sát tại nhà riêng. Sự việc xảy ra khi cảnh sát chuẩn bị bắt giữ ông để điều tra những cáo buộc nhận hối lộ từ Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil). Sự kiện này cho thấy tính chất nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng của các bê bối bị phát hiện tại Odebrecht đối với chính trường các nước Mỹ latin.

Cựu Tổng thống Peru Alan García đến Văn phòng công tố viên ở TP Lima ngày 15-11-2018. Ảnh: THE ECONOMIST
Cựu Tổng thống Peru Alan García đến Văn phòng công tố viên ở TP Lima ngày 15-11-2018. Ảnh: THE ECONOMIST

“Vòi bạch tuộc” của Odebrecht

Bị chính quyền Brazil phát hiện năm 2014, vụ bê bối liên quan đến Odebrecht là một trong những vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Mỹ latin. Cơ quan tư pháp Mỹ cho biết, trong hơn hai thập kỷ qua, tập đoàn xây dựng khổng lồ Odebrecht đã đưa hối lộ khoảng 788 triệu USD cho các chính trị gia và quan chức chính phủ ở 12 quốc gia trên khắp Nam Mỹ, châu Phi và cả tại Mỹ, Thụy Sĩ.

Tập đoàn này dùng tiền hối lộ để đổi lấy hơn 100 hợp đồng xây dựng và các dự án quy mô lớn, như dự án xây đường bộ, đường ống, xe lửa và hệ thống thủy lợi, đem lại lợi nhuận phi pháp lên tới 3,3 tỷ USD cho Odebrecht. Số tiền thực hiện các dự án này thường vượt quá nhiều lần chi phí được các chính phủ phê duyệt, như công trình đường cao tốc liên tỉnh giữa Peru và Brazil do Odebrecht thi công đã đội giá cao gấp bốn lần số tiền ngân sách dự án. Theo thống kê của tờ Folha de Sao Paulo, đây cũng là nguyên nhân khiến bảy quốc gia thiệt hại tới sáu tỷ USD sau khi vụ việc bị phanh phui.

Để thực hiện các hoạt động phi pháp, Odebrecht đã xây dựng hệ thống gửi và nhận hối lộ phức tạp, thông qua các công ty vỏ bọc ở quần đảo Virgin thuộc Anh và Belize, đồng thời sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng rải rác trên toàn cầu. Tập đoàn này lựa chọn các ngân hàng nhỏ và mua chuộc nhiều nhân viên ngân hàng để thực hiện hoạt động chuyển tiền, ngay cả trong các khu vực có pháp luật nghiêm ngặt. Một bộ phận riêng biệt về “các dự án cấu trúc” của Odebrecht là nơi chuyên điều hành các hoạt động bí mật này.

Cuộc điều tra bê bối Odebrecht ở Brazil bắt đầu sau khi chính phủ nước này phát hiện nhiều chính trị gia có hành vi nhận tiền bất hợp pháp tại các trạm rửa xe ở phía nam đất nước. Chiến dịch chống tham nhũng mang tên “Car Wash” lan rộng đã khiến nhiều chính trị gia “sa lưới”, đồng thời gây ra sự bất bình trong công chúng. Kết quả là tới năm 2016, người đứng đầu tập đoàn, ông Marcelo Odebrecht đã bị kết án 19 năm tù vì hành vi hối lộ cho các quan chức trong Công ty dầu mỏ Petrobras của Brazil. Sau đó, có thêm 77 giám đốc điều hành khác của Odebrecht phải nhận án tù. Một số đối tượng liên quan chấp nhận cung cấp thông tin cho nhà chức trách để được giảm nhẹ án phạt. Ngoài ra, tập đoàn này còn phải nộp khoản bồi thường lên tới 4,5 tỷ USD. Mỹ sẽ nhận được 10% trong số tiền bồi thường, bằng với mức của Thụy Sĩ, trong khi 80% còn lại là của Brazil. Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết chỉ có khả năng nộp phạt 2,6 tỷ USD.

Nhiều chính trị gia nổi tiếng của Nam Mỹ đã bị cuốn vào vòng xoáy của bê bối tham nhũng này. Tại Brazil, vụ bê bối đã khiến cựu Tổng thống Lula da Silva bị kết án hơn 12 năm tù vì nhận hối lộ của Odebrecht. Sau đó, cựu Tổng thống Dilma Rousseff và người kế nhiệm Michel Temer cũng bị buộc từ chức sau những cáo buộc tham nhũng. Trong khi đó tại Peru, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ bê bối, có tới bốn cựu Tổng thống bị cáo buộc nhận tiền hối lộ. Đầu năm 2017, cựu Tổng thống Alejandro Toledo đã lưu vong sang Mỹ sau khi tòa án Peru ra phán quyết tạm giam 18 tháng chờ xét xử với cáo buộc nhận hối lộ. Trong khi đó, cựu Tổng thống Ollanta Humala cùng vợ là bà Nadine Heredia cũng bị bắt tạm giam 18 tháng với cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Mới đây nhất là vụ tự sát của ông Alan García ngày 17-4 trước khi bị cảnh sát bắt giữ vì tội tham nhũng. Nửa ngày sau cú sốc về vụ tự sát, dư luận Peru lại xôn xao trước thông tin cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski phải nhập viện khẩn cấp do bị lên cơn huyết áp cao. Ông Pedro Pablo Kuczynski là một trong bốn cựu Tổng thống Peru đang bị điều tra vì liên quan bê bối tham nhũng Odebrecht. Chính tập đoàn này cũng thừa nhận đã chi ít nhất 29 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức Peru kể từ năm 2004.

Ước tính có hơn 50 chính trị gia hàng đầu, bao gồm cựu Tổng thống, cựu phó Tổng thống, nhiều nghị sĩ và thống đốc bang của các quốc gia khác như Ecuador, Venezuela, Colombia, Dominica, Mozambique,… cũng nằm trong diện điều tra, và bị cáo buộc liên quan vụ tham nhũng quốc tế này. Nhiều cuộc tuần hành phản đối các quan chức tha hóa liên quan Odebrecht đã diễn ra tại Nam Mỹ và sức ép công luận khiến đa số đối tượng buộc phải từ chức, đồng thời chịu những mức án thích đáng.

Nỗ lực ngăn chặn tham nhũng

Theo CNN, cựu Tổng thống Peru Alan García đã qua đời ở tuổi 69 vào sáng 17-4 (theo giờ địa phương) tại Bệnh viện Casimiro Ulloa ở Thủ đô Lima sau khi tự sát ở nhà riêng. Bộ trưởng Y tế Peru Zulema Tomas cho biết, nguyên nhân gây tử vong là do ông Alan García dùng súng tự sát khi cảnh sát ập tới để bắt giữ ông do tình nghi liên quan bê bối tham nhũng Odebrecht.

Trước những lời buộc tội tham nhũng, ông Alan García nhiều lần công khai phủ nhận, đồng thời cho rằng mình là nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị. Tuy nhiên, chính quyền Peru đã ra lệnh bắt giữ ông Alan García trong 10 ngày để điều tra về các cáo buộc rửa tiền, thông đồng tội phạm. Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi có kết quả điều tra cho thấy ông Luis Nava, thư ký riêng của ông García đã nhận bốn triệu USD tiền hối lộ của Odebrecht. Các công tố viên cho biết thêm, bản thân cựu Tổng thống cũng đã nhận 100.000 USD của Tập đoàn Odebrecht để giúp vận động và ký kết nhiều gói thầu quan trọng tại Peru.

Vụ tự tử của ông García đã cho thấy ảnh hưởng to lớn của “đại án” đối với các nhân vật hàng đầu trên chính trường Nam Mỹ. Đồng thời, cũng khiến nhà chức trách gặp nhiều khó khăn trong việc làm rõ thêm nhiều nghi vấn chung quanh vụ hối lộ Odebrecht tại Peru. Đại án tham nhũng này buộc chính phủ các nước trong khu vực phải đối mặt một thực tế là các tập đoàn lớn hoàn toàn đủ khả năng can thiệp, thao túng sâu vào chính trường thông qua hoạt động hối lộ, rửa tiền... Đây cũng là tiền lệ xấu phản ánh việc các chính trị gia Nam Mỹ muốn đạt được thành công trên chính trường thì phải phụ thuộc sự “chống lưng” về tài chính từ các tổ chức “mafia kinh tế” như Odebrecht. Số tiền hàng triệu USD mà các tập đoàn này cung cấp cho các ứng cử viên tranh cử Tổng thống trong khu vực đã biến các cuộc bầu cử dân chủ thành một “trò chơi” chính trị, nơi những người có nhiều tiền nhất sẽ có cơ hội chiến thắng cao nhất.

Để tạo ra các cơ chế thật sự minh bạch và duy trì vai trò quản lý của nhà nước, mọi khía cạnh liên quan vụ bê bối tham nhũng Odebrecht đều được Chính phủ Peru điều tra và nhiều mối quan hệ giữa quan chức cấp cao với các tổ chức pháp nhân được thông tin rộng rãi trước công chúng. Thêm vào đó, cách tiếp cận và xử lý cứng rắn của bộ máy tư pháp Peru nên là một thí dụ để nhiều quốc gia khác trong khu vực học hỏi. Trong khi bày tỏ sự chia buồn với gia đình cựu Tổng thống García, nhật báo El Comercio của Peru vẫn không quên khẳng định: “Chúng ta không được quên mất tầm quan trọng của việc tiếp tục các cuộc điều tra đang diễn ra ngày hôm nay. Điều cần thiết là sự thật phải được phơi bày và thực thi công lý, để xây dựng đất nước trong tương lai là nơi không có công dân nào đứng trên pháp luật”.