Hội nhập thị trường lao động quốc tế

Nâng chuẩn đào tạo, tăng cường liên kết quốc tế là hướng mà nhiều trường cao đẳng tại khu vực phía nam đang đẩy mạnh để sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp có thể tự tin gia nhập thị trường lao động trong và ngoài nước với các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. 

Liên kết đào tạo quốc tế trong đào tạo nghề mang lại kết quả khả quan.
Liên kết đào tạo quốc tế trong đào tạo nghề mang lại kết quả khả quan.

Nâng chuẩn tay nghề

Là một trong số 50 sinh viên tham gia khóa đầu tiên chương trình đào tạo cắt gọt kim loại theo tiêu chuẩn Đức của Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành, Đồng Nai), Nguyễn Thị Thu Hiền không chỉ được miễn 100% chi phí học tập, thực hành trong 1,5 năm mà còn nhận hỗ trợ tiền ăn với mức 79 euro/tháng. Hiền cho biết, trước đó em đã tìm hiểu rất kỹ và tham gia nhiều vòng phỏng vấn mới có được suất học bổng hiếm hoi này. Mục tiêu Hiền đặt ra cho bản thân là hoàn thành tốt chương trình, thành thạo tiếng Đức để lọt tốp 50% số sinh viên được sang quốc gia này làm việc khi khóa đào tạo kết thúc. “Ban đầu em cũng hơi ngại, sợ không theo nổi nhưng học một thời gian thấy không quá khó như mình tưởng tượng. Là ngành cơ khí nhưng tụi em thực hành toàn với máy móc, trang thiết bị hiện đại nên cũng không quá phức tạp. Cái hay của chương trình này là tụi em có nhiều cơ hội tiếp cận các phương pháp đào tạo mới và tăng tối đa thời gian thực hành tay nghề”, Hiền cho hay. 

Đây là chương trình thí điểm đầu tiên tại Việt Nam do Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức thực hiện dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức hợp tác cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam. Hiện có bốn quốc gia trên toàn cầu đang triển khai chương trình này. Trong suốt khóa học, sinh viên được đào tạo bài bản về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, ngôn ngữ và văn hóa Đức để khi kết thúc, 50% số người học đạt kết quả tốt nhất sẽ được di cư sang Đức tham gia lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp mà không phải xếp vào nhóm “đào tạo lại”. 

Theo TS Lê Quang Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế ngay từ đầu kèm với lộ trình đào tạo rõ ràng, hợp tác chặt chẽ giữa hai bên (cơ sở đào tạo và thị trường lao động tiềm năng) sẽ mang đến nhiều lợi thế cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ngay cả những sinh viên không đủ điều kiện di cư lao động tại Cộng hòa Liên bang Đức thì cơ hội nghề nghiệp và thu nhập trong nước cũng rất cao. Trước khóa này, nhiều năm qua, Lilama 2 đã phối hợp với các đối tác nước ngoài triển khai nhiều chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế cho sinh viên. Ông Trung lý giải: “Những chương trình đào tạo như thế này sẽ góp phần nâng chuẩn tay nghề cho sinh viên trên cơ sở hội nhập quốc tế. Học tại Việt Nam nhưng các em được doanh nghiệp nước ngoài công nhận bằng cấp, tiêu chuẩn và đủ điều kiện làm việc ở thị trường khắt khe này. Kết thúc khóa đào tạo, nhóm sinh viên được chọn sang Đức di cư lao động, sau hai năm nếu các em làm tốt thì sẽ được các doanh nghiệp Đức ký gia hạn hợp đồng và có cơ hội định cư lâu dài. Còn nếu chọn quay về nước, đây cũng là nguồn nhân lực chất lượng cao mà nhiều doanh nghiệp chờ đợi”.

Ở tầm cao hơn, thời gian gần đây, nhiều bản ghi nhớ liên quan nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam đã được ký kết, triển khai. Đại diện Chính phủ Việt Nam cùng Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vừa ký bản ghi nhớ hợp tác nhằm chia sẻ kiến thức chuyên môn, hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Điểm đáng chú ý của bản ghi nhớ này là sự công nhận bằng cấp và chương trình đào tạo giữa hai bên. Điều này mở ra nhiều cơ hội làm việc cho sinh viên. Theo đó, hai bên sẽ trao đổi về các hoạt động hợp tác như: khóa đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, chú trọng kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp; phương pháp đào tạo nghề theo năng lực; đào tạo tiếng Anh chuyên ngành; xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng tại 21 trường cao đẳng; liên kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cấp phát chứng chỉ được Liên hiệp Vương quốc Anh công nhận…

Tự tạo cơ hội

Là trường đầu tiên được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép đào tạo liên kết cấp bằng nước ngoài, bên cạnh các khóa đào tạo ngắn hạn theo tiêu chuẩn quốc tế miễn phí, nhiều năm qua, Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc kết nối với các đối tác nước ngoài uy tín để thiết kế chương trình đào tạo nghề chuẩn quốc tế với giá Việt Nam nhằm giúp sinh viên, học viên nâng cao tay nghề với chi phí vừa phải. Nổi bật nhất là sự hợp tác của nhà trường với Viện tiểu thủ công nghiệp và kỹ năng nghề Leizig của Cộng hòa Liên bang Đức (Handwerkskammer zu Leizig) về việc đào tạo ngành Công nghệ ô-tô, một ngành được rất nhiều sinh viên quan tâm và thị trường “khát” lao động có tay nghề cao. Gần đây nhất, nhà trường đã liên kết đào tạo với Trường cao đẳng City of Glasgow, Anh quốc đào tạo bốn ngành: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Điện công nghiệp, Tiếng Anh và Lập trình máy tính.

Nhà giáo Ưu tú, TS Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Tự Trọng TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tăng cường hợp tác đào tạo quốc tế từ ngắn đến dài hạn đã và đang tạo ra những bước ngoặt trong quá trình nâng chuẩn chất lượng đầu ra. Để đáp ứng các tiêu chí đối tác đề ra, nhà trường phải liên tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, cập nhật công nghệ, cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng chương trình đào tạo với nước ngoài. Nhiều môn học được thay đổi phù hợp điều kiện học tập của hai nước. Cùng với việc yêu cầu giảng viên nâng cao chuyên môn, đổi mới phương pháp đào tạo, nhà trường còn có cơ chế, chính sách thu hút giảng viên và chuyên gia nước ngoài giảng dạy theo nhiều hình thức khác nhau. “Các chương trình thực tập quốc tế, trao đổi học thuật thường xuyên được tổ chức để sinh viên của trường có cơ hội cọ xát. Thông qua hoạt động liên kết quốc tế, sinh viên được tiếp cận chương trình tiên tiến có sự tham gia đào tạo trực tiếp của chuyên gia nước ngoài, được cấp hai bằng cao đẳng, được học tập thực tế tại nhiều doanh nghiệp nên chuẩn đầu ra ổn hơn rất nhiều”, ông Lộc cho biết thêm.

Từ năm 2008 đến nay, Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức tận dụng tối đa các mối quan hệ quốc tế với Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, châu Âu, Australia… để thiết kế nhiều chương trình đào tạo, khóa huấn luyện nâng chuẩn tay nghề cho học viên, sinh viên và cả giảng viên. Nổi bật phải kể đến dự án Aus4skill (Chương trình Astralia cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực), dự án hợp tác đào tạo với Viện Hợp tác và Phát triển châu Âu (IECD) hay chương trình đào tạo ngành Điện công nghiệp theo dự án chuyển giao chương trình đào tạo từ CHLB Đức. 

Để đạt chuẩn mà các đối tác đề ra, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo điều kiện cho giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường còn phải xây dựng các quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 nhằm thống nhất các hoạt động nội bộ theo chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức tự đánh giá chất lượng hằng năm và xây dựng lộ trình đánh giá ngoài cấp cơ sở và cấp chương trình đào tạo để kịp thời cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn còn chưa tương xứng mô hình liên kết đào tạo.  

Đến thời điểm hiện tại, công tác liên kết đào tạo quốc tế của nhiều trường cao đẳng khu vực phía nam đã thu về “quả ngọt”. Cách đây không lâu, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh đã ra mắt Ban Hợp tác quốc tế và triển khai ký kết nhiều bản hợp tác nhằm đẩy mạnh công tác thiết thực này. TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, việc các trường chủ động tăng cường hoạt động liên kết quốc tế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi mà thị trường lao động đặt ra ngày càng nhiều thách thức. 

Trong chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đặt rất rõ vấn đề đào tạo không chỉ phục vụ cho thị trường lao động trong nước mà phải vươn lên phục vụ cho thị trường lao động quốc tế. Một chiến lược rõ ràng đã được vạch ra, trong đó, mục tiêu tương lai gần là lao động có tay nghề Việt Nam đáp ứng tốt yêu cầu từ phía các doanh nghiệp khu vực ASEAN và một phần của thị trường các nước G20. “Với cách đặt vấn đề này, thì điều quan trọng là chất lượng đào tạo của chúng ta phải được thị trường lao động quốc tế công nhận. Chủ trương này tác động đến toàn bộ hệ thống đào tạo giáo dục nghề nghiệp, từ việc đổi mới chương trình đến phát triển đội ngũ giáo viên, áp dụng các công nghệ mới, phương pháp mới trong chuyển đổi số và gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp”, ông Bình phân tích.