Bảo vệ du khách

Trên thực tế, việc những sự cố liên quan đến du khách tại các thành phố du lịch là rất khó tránh khỏi và chỉ có thể hạn chế ở mức thấp nhất. Vấn đề quan trọng ở đây chính là những biện pháp xử lý sự cố và bảo vệ du khách để bảo vệ niềm tin, cũng như giữ được thương hiệu.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 23/12, khi đoạn clip về một lái xe taxi tại Đà Lạt liên tục chửi mắng du khách với những lời lẽ tục tĩu, đồng thời ném vali của khách xuống đường, xuất hiện trên mạng, ngay lập tức các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã vào cuộc xử lý. Ngay trong ngày 24/12, Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Lạt đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự mời lái xe này lên làm việc và tạm giữ chiếc taxi, đồng thời hãng vận tải cũng cho thôi việc đối với lái xe này.

Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, người đầu tiên tiếp nhận, theo dõi và góp phần xử lý vụ việc nhấn mạnh: “Mình là đàn ông, không thể chấp nhận được cách hành xử như vậy của lái xe này với phụ nữ”. Ông Lê Anh Kiệt cũng đã soạn thảo thư xin lỗi của Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt gửi đến du khách về sự cố trên. Dù thẳng thắn mà nói, việc này có thể không thực hiện, khi mà các cấp chính quyền của TP Đà Lạt đã xử lý rất nhanh lái xe taxi, nhưng rõ ràng một lời xin lỗi đã thể hiện sự thân thiện, vốn là đặc trưng của người Đà Lạt và giảm bớt những ác cảm, bức xúc của du khách.

Thực tế, những sự cố kiểu như trên không hiếm, nhưng nỗ lực của chính quyền TP Đà Lạt cùng những cán bộ như ông Lê Anh Kiệt thật sự đáng ghi nhận. Không khó để tìm tên ông Lê Anh Kiệt trên mạng vì ông gần như luôn là người đầu tiên đứng ra tiếp nhận, xử lý những sự cố “nóng” mà du khách gặp phải. Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận 24/24 giờ tất cả các ý kiến của du khách và các cán bộ của phòng, trong đó có ông Lê Anh Kiệt thường xuyên trực. Với cách làm này có thể nói sẽ rất áp lực cho những người phụ trách, nhưng đồng thời đã tạo ra một thông lệ tích cực, những sự cố khi được xử lý thông suốt vừa khiến niềm tin du khách được vãn hồi, những du khách khác cảm thấy yên tâm, đồng thời có tính răn đe những ý định, hành động xấu có thể xuất hiện trong tương lai.

TP Nha Trang cũng thiết lập đường dây nóng, nhưng trải rộng ở nhiều cấp từ thành phố, cho đến các phường, xã. Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết, du khách có thể gọi bất kỳ số nào đã được thông báo là đường dây nóng để phản ánh, các cán bộ địa bàn sau khi tiếp nhận sẽ ngay lập tức xử lý. Những sự cố liên quan du khách trong thời gian gần đây tại Nha Trang đều được xử lý với tốc độ rất nhanh và phản hồi cho du khách và công luận. Điểm đáng chú ý ở đây là trong mỗi sự vụ, sẽ không chỉ có một vài cán bộ chủ chốt phát ngôn, mà có rất nhiều cán bộ. Điều này cho thấy, việc bảo đảm cho du khách là một yêu cầu tiên quyết, bắt buộc cho cả địa bàn TP Nha Trang và đã lan tỏa thành công.

Trên thực tế, đường dây nóng không chỉ có ở Đà Lạt, hay Nha Trang, tức là cách làm đã có, nhưng làm như thế nào cho hiệu quả, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt của từng địa bàn, những người đứng đầu và người phụ trách giải quyết. Địa phương nào bảo vệ du khách tốt và nếu đưa được tiêu chí này thành một đặc điểm nổi bật, sẽ có lợi thế trong việc thu hút khách đến với mình.