Hiểu sâu để truyền cảm hứng
Theo các nhà nghiên cứu, dải đất miền trung là nơi cung cấp thức ăn, sinh cảnh cho chim di cư. Một sinh cảnh tốt cho chim là khi không có những mối đe dọa ảnh hưởng đến chúng, cung cấp đủ nguồn năng lượng để chim phát triển. Điều đó sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái ở mức độ cao. Cách đây hai năm, sau nhiều tìm tòi, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện nhạn nhỏ, một loài chim thuộc loài di cư, không sinh sản tại Việt Nam nhưng được phát hiện đẻ trứng ngay tại khu vực Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam.
Thực tế cho thấy, mối liên hệ giữa việc chụp ảnh chim tự nhiên, chim hoang dã với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái đều có sự liên kết. Phía sau từng sắc thái mỗi tấm ảnh là mục tiêu hướng đến sự thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với việc bảo tồn các loài chim. Tuy đâu đó vẫn còn tồn tại nạn tận diệt, bắn chim lén nhưng từ vẻ đẹp giản dị, đời thường của ảnh chụp chim được đem trưng bày, tuyên truyền mà thói quen săn bắn, ăn thịt chim trong cộng đồng đã giảm rõ rệt.
Có vài nhiếp ảnh gia tìm đến thú vui chụp ảnh chim để tạo ra bộ sưu tập cho riêng mình nhưng cũng có những người dành phần lớn thời gian, công sức đi tìm hiểu, nghiên cứu một loài chim từ khi mới nở đến khi trưởng thành, mở ra từng mắt xích và mối tương quan giữa chúng với tự nhiên. Nhiều năm qua, nhiếp ảnh gia Võ Rin và những người bạn đam mê tìm hiểu về chim trời. Từ kiến thức có được và sự quan sát đều đặn mà anh và đồng nghiệp từng nhiều lần can thiệp, đẩy đuổi nhiều đối tượng “chim tặc” ra khỏi vùng săn bắn nhằm giữ lại môi trường lưu trú tốt nhất cho chim tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, niềm đam mê nhiếp ảnh cộng với việc bảo vệ các loài chim quý hiếm thông qua những bức ảnh do nhiếp ảnh gia Võ Rin thực hiện chính là lời kêu gọi bảo vệ thiên nhiên thiết thực. Hành động này góp phần vào việc thực hiện bộ tiêu chí “du lịch xanh” mà tỉnh đã ban hành nhằm khuyến khích mọi người hướng đến việc bảo vệ động vật hoang dã nói chung và loài chim nói riêng.
Không chỉ là trách nhiệm
Anh Tài Minh, nhiếp ảnh gia về chim tại Đà Nẵng cho rằng, quá trình theo dấu đàn chim di cư theo mùa hay những loại chỉ sống ở một nơi cố định đều có những nét hay riêng. Có những loài chim chỉ tìm ăn một số côn trùng, sâu bọ nhất định. Năm 2020, một nhiếp ảnh gia phát hiện một đàn khoảng 100 chú chim giẽ cổ đỏ đang bay lượn tại khu vực gần cầu vượt ngã ba Huế (Đà Nẵng) vì khu vực này có nguồn thức ăn mà loài này ưa thích.
“Khi nghiên cứu chim di cư, các chuyên gia thường có gắn thiết bị định vị để theo dõi chúng. Có một số loài bay được cả chặng dài tới 1.000 km là bởi chúng có hai thùy não cùng hoạt động. Với những loài chim nước, vào mùa sinh sản chúng có mầu sắc lông khác với các mùa còn lại. Nhờ đó, chúng tôi biết cách tiếp cận và theo dõi số lượng đàn cũng như phân biệt được chim trống, mái qua mầu lông”, anh Minh cho biết.
Niềm đam mê với chim hoang dã luôn thường trực trong suy nghĩ của anh Võ Rin. Việc chụp ảnh chim đòi hỏi sự công phu từ khâu chọn mục tiêu đến khi ra thực tế nhiều khi tốn thời gian hàng tháng dài. Anh Rin cho biết, không giống những loài động vật khác trong tự nhiên, loài chim thường có kích thước nhỏ, chúng kiếm ăn và bay nhảy, đi lại sát mặt đất rất nhanh. Do đó, ẩn mình, hạ trọng tâm thiết bị gồm máy ảnh và các lens (ống kính) siêu tele là điều rất quan trọng để có được bức ảnh đẹp. Chính anh Rin là người đã tìm ra phương pháp đặt bộ máy ảnh vào lòng một chiếc chảo giúp kéo thiết bị trên mặt cát, tránh bị chim phát hiện để có được những tấm ảnh quý sau hàng trăm giờ mai phục.