Tiếp cận theo nhiều phương án
Theo Reuters, ngày 28/11, cuộc giải cứu các công nhân trong vụ sập đường hầm Silkyara đã chính thức khép lại. Sau 17 ngày cố gắng tiếp cận bằng nhiều phương án, tất cả 41 người bị mắc kẹt đã được đưa ra ngoài thành công. Trước đó, các công nhân gặp nạn trong khi đang thi công đường hầm Silkyara, thuộc dãy Himalaya, bang Uttarakhand hôm 12/11. Đường hầm Silkyara là một phần trong dự án đường cao tốc Char Dham trị giá 1,5 tỷ USD, một trong những dự án tham vọng nhất của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Công trình nằm giữa hai thành phố Silkyara và Dandalgaon, nối liền hai ngôi đền là địa điểm hành hương quan trọng của những người theo đạo Hindu.
Trong lúc thi công, đống đổ nát rơi xuống đã chặn đứng đường thoát của 41 công nhân xây dựng và giam họ trong một không gian đường hầm dang dở dài khoảng 2 km. Lối ra duy nhất đã bị chặn cả một đoạn dài hơn 60 m với toàn đất, đá, bê-tông và kim loại. Một ngày sau khi đường hầm bị sập, lực lượng cứu hộ sử dụng máy xúc nhằm đào qua đống đổ nát để tiếp cận nạn nhân, các máy xúc đã loại bỏ bớt mảnh vỡ và bước đầu nối lại liên lạc được với những người bị mắc kẹt bên trong.
Tuy nhiên, phương án này sau đó phải dừng lại vì các mảnh vỡ và đất đá rơi xuống ngày càng nhiều, đồng thời mũi khoan theo hướng này đã bị gãy và kẹt lại trong đống đổ nát. Một đường ống nhỏ được lắp đặt vào đường hầm cho phép đưa thực phẩm, nước, bình dưỡng khí, thuốc men, đèn và bộ đàm đi vào đường hầm. Các nhân viên cứu hộ đã có thể đóng gói cơm, trái cây sấy khô, các loại đậu và hạt khô để tiếp tế cho những người bị nạn. Dù vậy, tin tức về việc phải kéo dài chiến dịch giải cứu đã khiến những người bị nạn phần nào xuống tinh thần.
Trong những ngày sau đó, giới chức Ấn Độ đã đưa ra nhiều phương án cứu nạn cùng với việc kêu gọi sự hỗ trợ của các chuyên gia địa chất học và cộng đồng quốc tế. Đến ngày thứ 9 của chiến dịch giải cứu, Bộ Giao thông nước này cho biết, tổng cộng 5 đơn vị đã tham gia và tiến hành tiếp cận đoạn hầm đường bộ bị sập, trong đó có biện pháp khoan thẳng đứng từ đỉnh hầm. Ở mũi khoan thông qua đống đổ vỡ theo chiều ngang, công tác cứu hộ bị đình trệ ở khoảng cách chỉ còn cách với những công nhân bị mắc kẹt 10 m. Chuyên gia đào hầm quốc tế Arnold Dix cho biết họ như thể đang ở “cách xa hàng nghìn km”: “Lúc đó chúng tôi chưa biết chính xác trong đó có gì, không rõ là dầm hay máy móc. Chúng tôi đã sử dụng radar dò xuyên đất… nhưng địa chất ngọn núi quá phức tạp. Vì vậy, chúng tôi đã rất thận trọng để bảo đảm không ai bị thương và không gây nguy hiểm cho những người mắc kẹt phía bên kia”.
Ban đầu, phương án khả thi và tiếp cận nhanh nhất là cho các máy xúc đào ngang qua đống đổ nát, sau đó dẫn một ống thép rộng làm lối đi cho công nhân thoát ra khỏi đường hầm. Máy móc hạng nặng đã được triển khai khoảng ba ngày sau khi đường hầm bị sập. Tuy nhiên, những tảng đá lớn và sắt thép, bê-tông đã cản đường máy xúc cũng như làm mũi khoan bị gãy. Đây không phải là thử thách duy nhất mà đội cứu hộ phải đối mặt. Thử thách “thót tim” nhất trong hoạt động cứu hộ xảy ra vào ngày 17/11, khi một mũi khoan có vẻ như đã làm nứt tảng đá hoặc một tầng địa chất và phát ra âm thanh nứt gãy rất lớn, khiến cơ quan chức năng phải tạm dừng hoạt động. Các kỹ sư vừa phải khắc phục, vừa phải tìm phương án mới và chờ máy móc thay thế tới hiện trường, khiến việc cứu hộ phải kéo dài thời gian hơn dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, các quan chức cũng nhanh chóng cân nhắc các lựa chọn khác. Đến tuần thứ hai sau tai nạn, một đường ống mới, rộng hơn đường ống cũ đã được thiết lập theo chiều thẳng đứng từ đỉnh hầm, giúp nhân viên cứu hộ có thể chuyển cơm, thực phẩm nấu chín để gửi đến công nhân thông qua đường ống đó. Theo India Times, bác sĩ Prem Pokhriyal tham gia chiến dịch cứu nạn cho biết: “Các công nhân yêu cầu những viên vitamin C dạng nhai và một số loại thuốc chữa bệnh, chúng tôi đã đáp ứng. Tính đến thời điểm thông đường ống thứ hai, mọi người đã khỏe mạnh và ổn định hơn”.
Thông qua đường ống này, lực lượng cứu hộ đã đưa một camera nội soi y tế vào đường hầm, nhờ đó ghi lại một vài đoạn video cho thấy cảnh các công nhân lần đầu kể từ khi họ mắc kẹt. Nhân viên cứu hộ bên ngoài cũng yêu cầu từng người trình diện trước ống kính để xác nhận danh tính của họ trên thiết bị bộ đàm đã được gửi đến.
Có mặt tại hiện trường còn có bác sĩ tâm lý Abhishek Sharma. Ông đã hướng dẫn 41 người đi lại trong khu vực bị nạn, ưu tiên ngủ, tập yoga và thường xuyên nói chuyện với nhau để giữ cho tinh thần không bị suy sụp. Đến ngày 27/11, lực lượng cứu hộ quyết định áp dụng phương pháp “đào hang chuột”, huy động các thợ đào lão luyện để đào thủ công mở lối tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt. Sau khi đào thành công tới khu vực nơi các nạn nhân mắc kẹt, những người thợ này đã sử dụng đường ống có đường kính 800 mm được hàn lại với nhau và đẩy vào trong, dùng làm đường hầm thoát hiểm, giúp từng nạn nhân ra ngoài an toàn.
Phía sau các nỗ lực cứu hộ
Một nhóm gồm 15 chuyên gia thuộc Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ (NDRF) đã chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của chiến dịch giải cứu. Theo AP, khoảng 80 cảnh sát, 20 quan chức cứu hỏa và 60 quan chức quản lý thảm họa đã tham gia vào hoạt động cứu hộ. Chính phủ Ấn Độ đã thống nhất kế hoạch 5 phương án tiếp cận cứu nạn và yêu cầu 5 cơ quan triển khai, thực hiện khoan từ ba phía gồm cả mũi khoan theo chiều thẳng đứng từ đỉnh hầm. Năm cơ quan bao gồm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC), Công ty sản xuất thủy điện SJVNL, Công ty thi công của Bộ Đường sắt RVNL, Tập đoàn Phát triển Cơ sở hạ tầng và Đường cao tốc Quốc gia (NHIDCL) và Công ty sản xuất điện THDCL. Trong đó, SJVNL khoan thẳng đứng từ đỉnh hầm, RVNL chế tạo một đường ống đứng lớn hơn để thay thế đường ống tiếp nhu yếu phẩm hiện tại, ONGC khoan thẳng đứng từ phía đầu thị trấn Barkot thuộc thành phố Dandalgaon, NHIDCL khoan từ đầu Silkyara (phía đống đổ nát chặn lối thoát) và THDCL đào đường hầm siêu nhỏ từ Barkot.
Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari nhấn mạnh, đây là nỗ lực phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Thủ hiến bang Uttarakhand, ông Pushkar Dhami thông báo, mỗi công nhân trong vụ việc sẽ được hỗ trợ tài chính 100.000 rupee Ấn Độ (khoảng 1.200 USD). Ngoài ra, chính quyền bang sẽ chịu mọi chi phí điều trị, đồng thời yêu cầu cơ quan điều hành dự án đường hầm cho các công nhân nghỉ phép 15-20 ngày để giúp họ ổn định sức khỏe và tinh thần. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ: “Mọi người tham gia sứ mệnh này đều là tấm gương tuyệt vời về tính nhân văn và tinh thần đồng đội”.
Nhà chức trách chưa tiết lộ nguyên nhân vụ sập đường hầm nhưng khu vực này thường xuyên xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt. Nhà địa chất CP Rajendran nói với Al Jazeera rằng địa hình Himalaya chứa đá rất dễ vỡ và “thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các vấn đề về độ ổn định”. Ông cho biết thêm đây không phải là chuyện mới xảy ra và trong quá trình xây dựng đường hoặc đào hầm ở những địa hình tương tự, “chúng tôi liên tục chứng kiến hết thảm họa này đến thảm họa khác”.
Cuộc giải cứu vừa qua là một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất tại Ấn Độ thời gian gần đây. Dù cuộc giải cứu đã thành công, song vụ việc này cảnh báo về các công tác bảo đảm an toàn cho công nhân trong quá trình thi công các công trình xây dựng tại Ấn Độ sau một số tai nạn đáng tiếc thời gian qua. Sau sự cố này, giới chức Ấn Độ cũng chú trọng các biện pháp an toàn cho những công trình đang thực hiện. Cơ quan Đường cao tốc Quốc gia Ấn Độ (NHAI) sẽ tiến hành kiểm tra an toàn đối với 29 đường hầm mà cơ quan này đang xây dựng. Trong đó bao gồm 12 đường hầm ở bang Himachal Pradesh thuộc dãy Himalaya, 6 đường hầm ở khu vực Jammu và Kashmir, và phần còn lại ở các bang khác bao gồm Uttarakhand.