Xu hướng tiêu dùng mùa cuối năm

Gần Tết Giáp Thìn hoạt động mua sắm được kỳ vọng sôi động hơn. Tuy nhiên, nhiều số liệu đang cho thấy bức tranh trái ngược ở hai kênh tiêu dùng trực tuyến và trực tiếp. Trong khi hoạt động mua sắm trực tuyến cho thấy sự sôi động thì cảnh mua bán tại các chợ truyền thống vẫn ảm đạm.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều tiểu thương đã giảm lượng hàng hóa nhập về so với các năm trước. Ảnh: NAM ANH
Nhiều tiểu thương đã giảm lượng hàng hóa nhập về so với các năm trước. Ảnh: NAM ANH

Tiểu thương không dám trữ hàng Tết

Kinh doanh mặt hàng bánh kẹo và các loại hạt phục vụ Tết tại chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhiều năm, nhưng bà Nguyễn Minh Lý cho biết, chưa năm nào thị trường lại trầm lắng như năm nay. Chính vì vậy, bà cũng như nhiều tiểu thương khác luôn trong trạng thái nghe ngóng, bán đến đâu lấy hàng tới đó, không trữ hàng. “Năm nay sức mua có vẻ kém, chợ thì cũng vắng, nên chúng tôi không mua nhiều hàng hay tích trữ. Tâm lý mọi người chỉ buôn đến đâu bán đến đấy cho mọi thứ thuận lợi, tránh cảnh ế ẩm thôi”, bà Lý chia sẻ.

Không riêng chợ Mơ, các chợ khác trên địa bàn Hà Nội cũng tương tự. Một số tiểu thương cho biết, nếu như mọi năm thời điểm này người dân bắt đầu lác đác đi sắm những đồ khô như bánh kẹo, thì năm nay chưa có nhiều người mua.

Theo chị Bùi Thị Nga, tiểu thương tại chợ Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội): “Cả năm vừa rồi chưa thấy có khởi sắc gì. Chợ búa ăn uống hằng ngày người ta còn cắt giảm, không mua nhiều như trước huống gì là đồ Tết. Trước có khi bán cả tạ thịt bò, nay có khi cả ngày 20 cân còn khó. Gần Tết chả ai dám nhập hàng nhiều để thêm lo lắng”.

Nhiều khách mua hàng cho biết, năm nay thu nhập giảm nên họ cũng có xu hướng cắt giảm chi tiêu. Chị Bùi Nguyệt Chiều (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Dịp Tết dương lịch tôi đã tranh thủ đi khảo giá trước để cân đối chi tiêu. Năm nay mình thấy vẫn phải chi tiêu hài hòa, mua sắm ở góc độ vừa phải, để sử dụng an toàn, tiết kiệm và hợp lý”.

Theo khảo sát, dịp Tết năm nay hàng hóa tại các chợ đầu mối khá dồi dào, giá cả bình ổn. Tuy nhiên, có thể thấy rõ sức mua giảm mạnh so với mọi năm. Nhiều tiểu thương đã giảm khoảng 30% lượng hàng hóa nhập về so với các năm trước.

Báo cáo tổng kết năm 2023 của Bộ Công thương nhận định, năm 2023 mặc dù hoạt động thương mại, lưu chuyển hàng hóa trong nước đã cơ bản phục hồi so với các năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhìn chung chưa đạt mức tăng trưởng trước đại dịch (tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 đều đạt hơn 10%, cao hơn mức tăng của năm 2023). Trong những tháng cuối, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm đáng kể so với đầu năm.

Sôi động mua sắm trực tuyến

Trong khi mua sắm trực tiếp khá ảm đạm thì thị trường thương mại điện tử lại chiếm ưu thế. Báo cáo của Metric (nền tảng số liệu E-Commerce) về thị trường đồ trang trí Tết Giáp Thìn 2024 cho thấy, từ ngày 25/11 đến 24/12/2023, tổng doanh thu thị trường đồ trang trí Tết Nguyên đán trên bốn sàn thương mại điện tử (TMĐT) là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đạt 9,2 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023. Có 1.763 gian hàng có phát sinh đơn hàng trên bốn sàn thương mại điện tử nói trên với 427,2 nghìn đơn vị sản phẩm được giao thành công.

Với mặt hàng đang tăng trưởng âm trên kênh mua sắm trực tiếp là bia, lượng đặt hàng trên thương mại điện tử cũng tăng khá. Cụ thể, Metric thống kê được trong tháng 12/2023, doanh thu mặt hàng bia trên các sàn thương mại điện tử đạt 23,3 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ trước Tết Quý Mão 2023.

Năm 2023, ước tính số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến khoảng 59-62 triệu người, tức là chiếm hơn một nửa tổng dân số. Thống kê của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) cho thấy, tổng giá trị thương mại điện tử của thị trường Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022 (tương đương tăng hơn 4 tỷ USD).

Việc người tiêu dùng dần chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán được cho là do tình hình kinh tế năm nay tương đối khó khăn, người dân có sự cân nhắc kỹ hơn khi mua các mặt hàng và ít có nhu cầu mua sắm nhiều hàng hóa hoặc mua các mặt hàng cao cấp. Mặt khác, mua sắm trực tuyến cũng giúp người tiêu dùng có thể thoải mái so sánh giá giữa nhiều nhà cung cấp và tiết kiệm chi phí hơn so với mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị,... nhờ áp dụng được nhiều mã khuyến mãi.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà người tiêu dùng còn e ngại là chất lượng hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Theo chị Phạm Thùy Linh (huyện Hoài Đức, Hà Nội), ưu điểm của mua sắm trực tuyến chính là người tiêu dùng có thể tiết kiệm thời gian đi lại đáng kể, có thể mua nhiều mặt hàng với mức giá khá rẻ. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rủi ro khi khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, rất khó so sánh, kiểm tra chất lượng sản phẩm khi mua bán trên mạng.

Bộ Công thương cho biết, Bộ đã xây dựng cổng điện tử (online.gov.vn) tiếp nhận thông tin, khiếu nại, phối hợp xử lý… Ngoài ra, Bộ còn phối hợp với các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng khuyến cáo: “Người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng. Bảo đảm rằng người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác; đồng thời nhận định từ các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không chuyển tiền, thanh toán dưới mọi hình thức khi chưa xác định được uy tín của người bán và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để bảo đảm quyền lợi cho bản thân”.