“Vua” máy bay tiêm kích

Thông thường, mỗi nhà thiết kế máy bay nổi tiếng có một chiếc máy bay ghi tên mình vào lịch sử ngành hàng không, nhưng Nikolai Polikarpov đã có hai chiếc máy bay tạo nên thương hiệu cho riêng mình. Đầu tiên là máy bay huấn luyện hai cánh U-2, loại thứ hai là máy bay tiêm kích I-16, một huyền thoại “làm mưa làm gió” trên chiến trường cuối những năm 30 thế kỷ 20. Hai “cỗ máy” đỉnh cao này đã mang lại cho người tạo ra nó danh hiệu: “Vua máy bay tiêm kích”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thiết kế Nikolai Polikarpov.
Nhà thiết kế Nikolai Polikarpov.

Những thiết kế khởi đầu

Theo TASS, Nikolai Polikarpov sinh ngày 9/6/1892 tại làng Georgievskaya Sloboda tỉnh Oryol (Đế chế Nga). Từ nhỏ, Nikolai là cậu bé có trí nhớ tốt, vẽ đẹp, thông minh, lên năm tuổi đã biết đọc. Lớn lên, theo định hướng của gia đình vốn có nhiều thế hệ làm mục sư, Nikolai vào học trường trung cấp tôn giáo. Nhưng khi tốt nghiệp, chàng thanh niên Nikolai không làm việc theo nghề mình học mà thi vào Trường đại học Bách khoa Saint-Petersburg. Vốn có kiến thức về kỹ thuật, lại say mê không quân nên ra trường Nikolai quyết định xin làm việc tại nhà máy chế tạo máy bay Duks chi nhánh Petrograd.

Năm 1913, ngay khi mới vào làm việc tại nhà máy, chàng kỹ sư trẻ luôn mơ ước được cống hiến tài năng của mình cho sự phát triển ngành công nghiệp máy bay nước nhà. Bằng hoài bão và sự nỗ lực không mệt mỏi, Nikolai Polikarpov đã tham gia nhiều dự án nghiên cứu có tính khả thi cao, tuy nhiên thật không may khi đó nền kinh tế Liên Xô (trước đây) đang trong tình trạng khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp và dự án phải ngừng hoạt động. Năm 1918, Nikolai có cơ hội được ra nước ngoài làm việc nhưng chàng thanh niên từ chối với một lý do rất đơn giản, là không muốn rời bỏ quê hương khi mơ ước từ thuở thiếu thời chưa thực hiện được. Với sự kiên trì của bản thân, chỉ ít lâu sau, tên tuổi của Nikolai bắt đầu được biết đến nhờ những đóng góp to lớn trong việc tiếp thu công nghệ sản xuất máy bay trinh sát “De Havilland-4” của Anh để chế tạo máy bay trinh sát đầu tiên của Liên Xô P-1.

Năm 1927, Nikolai phát triển thành công máy bay huấn luyện U-2, một phiên bản máy bay hai cánh đa năng hạng nhẹ. Trong những năm Chiến tranh Vệ quốc chống phát-xít Đức, máy bay này đã trở thành nền tảng của ngành hàng không hạng nhẹ Liên Xô. Tuy có cấu tạo thô sơ và tốc độ thấp, nhưng máy bay lại rất khó bị tiêu diệt. Binh lính Đức khi đó coi U-2 là nỗi khiếp đảm, gọi chúng bằng những cái tên như “máy xay cà-phê” hay “máy khâu”.

Những thành công bước đầu khác của Nikolai phải kể đến là phát triển thành công máy bay I-3 (lần đầu cất cánh vào tháng 2/1928) và máy bay trinh sát R-5 (trở thành máy bay chiến đấu chủ lực của Liên Xô đầu những năm 1930 và là một trong chiếc máy bay trinh sát tốt nhất thế giới).

“Vua” máy bay tiêm kích ảnh 1

Một biến thể của máy bay I-16. Ảnh: YTIMG

Những tiêm kích đỉnh cao

Nối tiếp những thành quả bước đầu, Nikolai Polikarpov tiếp tục được giao nhiệm vụ phối hợp nhà thiết kế hàng không Dmitry Grigorovich phát triển máy bay chiến đấu I-5. Kết quả, chỉ trong thời gian ngắn I-5 được thử nghiệm thành công. Nhờ khả năng cất - hạ cánh dễ dàng, tính cơ động cao, máy bay đã được đội bay nhào lộn trên không đầu tiên của Liên Xô lựa chọn sử dụng. Sau khi được đưa vào trang bị, máy bay còn được dùng để thử nghiệm các tên lửa RS-82, bom 250 kg. Chính những ưu điểm này đã “biến” I-5 với xuất phát điểm ban đầu là máy bay chiến đấu thành máy bay ném bom bổ nhào tốc độ cao.

Sau I-5, Nikolai Polikarpov tiếp tục phát triển máy bay chiến đấu hai tầng cánh I-15. Ngày 23/10/1933, máy bay lần đầu cất cánh do phi công anh hùng Valery Chkalov điều khiển. Được gọi là “Hải âu” vì độ cong của cánh trên, máy bay chiến đấu I-15 đã thể hiện khả năng nhào lộn trên không tuyệt vời, chỉ mất không quá 8,5 giây mỗi lượt. Tháng 11/1935, phi công Vladimir Kokkinaki đã lập kỷ lục thế giới về độ cao khi bay trên một phiên bản siêu nhẹ của loại máy bay này (14.575 m).

Với khả năng cơ động tuyệt vời, máy bay chiến đấu có tốc độ phương ngang đủ để tiến hành không chiến, đồng thời có tầm nhìn tốt và dễ điều khiển. Theo báo cáo thử nghiệm, I-15 vượt xa thông số của các máy bay chiến đấu trong phiên chế của Liên Xô khi đó. Tuy nhiên, I-15 sau đó bị ngừng sản xuất do Không quân yêu cầu tăng cường trang bị vũ khí và gia cố cấu trúc máy bay, lắp đặt một động cơ mạnh hơn và quan trọng nhất là thay thế cánh phía trên bằng cánh thẳng. Họ cho rằng, độ cong quá lớn của cánh khiến tầm nhìn từ phía trước bị giảm, gây cản trở khi hạ cánh.

Theo các chuyên gia quân sự, việc tạo ra một “cỗ máy” mới bất kỳ chỉ có thể đạt được sau quá trình nghiên cứu kỹ và tìm tòi các giải pháp tối ưu. Ngành hàng không Liên Xô khi đó đang phát triển với tốc độ chóng mặt và để tăng tốc độ của máy bay, không có giải pháp nào tốt hơn là tăng công suất động cơ. Nhưng trọng lượng và lực cản cũng có thể tăng lên, biến tất cả ưu thế của máy bay thành con số không. Trước những yêu cầu phải thay đổi, Nikolai Polikarpov đã dành một thời gian dài để nghiên cứu các hình dạng thân máy bay khác nhau trên các mô hình, từ đó tìm kiếm các phương pháp để giảm tối đa lực cản khí động học.

Nhờ những nỗ lực của Nikolai Polikarpov, máy bay cánh đơn I-16 Polikarpov “ra đời”. Nó là sự kết hợp tổng thể giữa tốc độ cao và khả năng cơ động, trở thành một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thời bấy giờ. Trong gần mười năm phục vụ cho Không quân, đã có 10.281 chiếc I-16 được sản xuất với 11 lần cải tiến. Máy bay I-16 Polikarpov đi trước nhiều năm so với sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu tương tự ở các nước khác, qua đó giúp ông được toàn thế giới biết đến. Trong thời gian phát triển I-16, Nikolai Polikarpov cũng tham gia dự án chế tạo chiếc I-17 với động cơ làm mát bằng chất lỏng, và sau đó là I-18 với động cơ làm mát bằng không khí.

Tiêm kích I-153 của Nikolai Polikarpov cũng trở thành máy bay hai tầng cánh được đánh giá tốt nhất thế giới. Số lượng I-153 xuất xưởng nhiều hơn so với tất cả các phiên bản trước đó là I-5, I-15 và I-15bis. Một số cải tiến như động cơ M-62 hai tốc độ mới, bộ hạ cánh thu vào khi bay, kiểu cánh theo mô hình “chim mòng biển”, đã cho phép I-153 cạnh tranh sòng phẳng với các máy bay cánh đơn, nhưng vượt trội về khả năng cơ động ngang.

Giai đoạn năm 1939-1944, ông đã tham gia phát triển hàng loạt máy bay thử nghiệm như máy bay I-190, I-185, I-195 và máy bay tiêm kích hộ tống hạng nặng. Một trong những tác phẩm cuối cùng của nhà thiết kế là dự án máy bay chiến đấu phản lực - đánh chặn “Malyutka”. Theo thống kê, đã có gần 60.000 chiếc máy bay đã được sản xuất theo thiết kế của Nikolai Polikarpov, nhất là vào những năm 1930.

Trước những đóng góp to lớn của mình, nhà thiết kế hàng không tài năng Nikolai Polikarpov đã được phong Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa (1940), trao tặng hai Huân chương Lênin (1935, 1940), Huân chương Sao Đỏ (1937). Ông vinh dự hai lần nhận Giải thưởng Stalin hạng Nhất (1941, 1943).

Năm 1943, Nikolai Polikarpov được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày. Ông qua đời vào ngày 30/7/1944 khi mới 52 tuổi, được mai táng tại nghĩa trang Novodevichy ở Moscow. Trong suốt cuộc đời của mình, ngoài những cống hiến về thiết kế - chế tạo, Nikolai Polikarpov đã dành rất nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo. Nhiều nhà khoa học, nhà thiết kế xuất sắc về công nghệ hàng không, tên lửa và vũ trụ đã trưởng thành dưới sự dẫn dắt của Nikolai Polikarpov. Đó cũng chính là di sản quý giá nhất mà “Vua máy bay tiêm kích” để lại cho thế hệ sau, cho quê hương, đất nước mình. Sau khi ông chết, nhiều thành phố như Moscow, Saint-Petersburg, Oryol, Livny đã dựng tượng đài nhà thiết kế máy bay tiêm kích nổi tiếng một thời.