Về một phép màu có thật

Khi nghĩ về ông Trần Bá Dương tôi không nghĩ đến khối tài sản khổng lồ của Tập đoàn THACO, tôi không nghĩ về những dự án mà THACO đã thành công như một câu chuyện cổ tích. Muốn biết những điều đó, bạn chỉ cần gõ tên ông trên mạng là có cả nghìn trang viết về ông và Tập đoàn của ông. Bao nhiêu người đã nói về ông, mỗi người, mỗi cách nhìn. Và trong cách nhìn nào ông cũng hiện lên với những vẻ đẹp khiến nhiều người khâm phục và nể trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Trần Bá Dương.
Doanh nhân Trần Bá Dương.

Nghĩ về ông là tôi nghĩ về một con người. Con người ấy đã mang theo mình một giấc mơ lớn và đã hành động không ngưng nghỉ cho giấc mơ ấy. Nghĩ về ông là tôi nghĩ về phép màu trong đời sống này, một phép màu thật sự như con người từng nói đến chứ không phải là một danh từ trong các trang sách tự cổ chí kim.

Chiều 19/6/2022, các đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã tới thăm Khu công nghiệp Chu Lai. Tôi đã lặng người đi vì kinh ngạc. Nhiều người đã biết đến khu công nghiệp này. THACO đã trở thành một trong những biểu tượng của sự đổi thay đất nước trong lĩnh vực công nghiệp ô-tô. Nhưng khi bước vào đó, khi ở giữa hiện thực đó, tôi mới hoàn toàn bị nhấn chìm trong sự khổng lồ và hiện đại của nó. Ở giữa Khu công nghiệp Chu Lai, tôi thi thoảng lại nhìn ra chung quanh cố tìm một dấu vết nào đó của vùng đất xưa kia còn sót lại. Đó là vùng đất trước khi có một người đặt chân tới và quyết định ở lại. Con người ấy mang tên Trần Bá Dương.

Không ai có thể hình dung một công nhân vét mỡ bò (Trần Bá Dương) cách đây mấy chục năm giờ đã trở thành nhân vật được Forbes vinh danh.

Trước khi bước vào Khu công nghiệp Chu Lai, nhà văn Nguyễn Một đã chỉ cho tôi xem một bức tượng cây xương rồng nở hoa, đó là biểu tượng của Tập đoàn THACO, khi nói về vùng đất Chu Lai trước và sau khi ông Trần Bá Dương đặt chân tới. Tôi nghe một vài người ở Quảng Nam nói về vùng đất này. Họ nói đây là vùng đất “gà đi dép”. Nghĩa là vùng đất ấy trước kia chỉ toàn sỏi đá và nóng đến nỗi gà phải “đi dép” để chống lại cái nóng của sỏi đá. Rồi người đàn ông trung niên Trần Bá Dương bước tới và mang theo một giấc mơ lớn. Tôi đang cố hình dung khi ông Trần Bá Dương đứng giữa mênh mông sỏi đá ấy gương mặt ông, đôi mắt ông đã bừng lên thứ ánh sáng gì và trái tim ông đã đập những nhịp đập như thế nào.

Trần Bá Dương đã bước vào cuộc đời với hai bàn tay trắng. Trước khi trở thành ông chủ của thế giới công nghiệp Chu Lai khổng lồ, ông chỉ là một công nhân như hàng vạn người công nhân khác. Công việc đầu tiên của ông là vét mỡ bò trong một xưởng nhỏ sửa chữa ô-tô. Không ai có thể hình dung một công nhân vét mỡ bò cách đây mấy chục năm giờ đã trở thành nhân vật được Forbes vinh danh. Vốn liếng quan trọng nhất của ông lúc đó là một giấc mơ, một khát vọng, một đam mê, một tư duy và một ý chí. Ông sinh ra trong một gia đình đông anh em ở cái thời mà người ta phải lo từng tấm áo, từng bữa ăn.

Nếu chỉ nhìn vào những gì thuộc về cơ sở vật chất mà ông có lúc đó thì chắc chắn ông không đủ can đảm để bước tới vùng đất cằn khô đó. Tôi nói với các nhà văn trẻ đến thăm Khu công nghiệp Chu Lai rằng: Các nhà văn đến đây không phải để trở về và lập ra một doanh nghiệp mà để dựng lại giấc mơ, niềm đam mê và ý chí trong sáng tạo nghệ thuật của mình. Nếu ví vùng đất Chu Lai trước kia là một khoảng trống mênh mông tựa một trang giấy thì Trần Bá Dương là người đã bước tới và viết nên một cuốn sách kỳ vĩ từ một “trang giấy trắng” chỉ toàn sỏi đá. Các nhà văn hãy nghĩ tới vùng đất này, nghĩ đến con người mang tên Trần Bá Dương khi ngồi trước trang giấy trắng của mình và hãy làm nên những cuốn sách lớn cho con người.

Trần Bá Dương không chỉ trở thành người tiên phong cho một nền công nghiệp mà còn là biểu tượng cho con đường của một số phận, một con người. Không phải vì là một nhà thơ mà tôi nghĩ tới phép màu trong thời hiện đại này mà bởi hiện thực đời sống, mà một trong những người sống trong hiện thực đó đã minh chứng có phép màu thật sự. Không có phép màu thì không có một Chu Lai như biết bao người đã chứng thực mà tôi là một trong những người đó. Nếu chúng ta cho ba hình ảnh hiện ra thật nhanh trong một khoảnh khắc: Chu Lai sỏi đá - Trần Bá Dương - Khu công nghiệp Chu Lai thì chúng ta sẽ hình dung ra quyền lực của phép màu như thế nào và đó thật sự là một phép màu. Nhưng phép màu Trần Bá Dương có không phải từ một cây đũa thần hay một câu chú của một vị thần nào đó ban cho ông mà từ chính giấc mơ của ông và hành động của ông cho giấc mơ ấy.

Nếu ví vùng đất Chu Lai trước kia là một khoảng trống mênh mông tựa một trang giấy thì Trần Bá Dương là người đã bước tới và viết nên một cuốn sách kỳ vĩ từ một “trang giấy trắng” chỉ toàn sỏi đá.

Trong buổi chiều ở Khu công nghiệp Chu Lai, nhà văn Nguyễn Một say đắm kể cho tôi nghe về một dự án nông nghiệp của Tập đoàn THACO mang tên THAGRICO. Ngay lúc đó, tôi đã thấy hiện lên một vùng đất gần 100.000ha ở khu vực cao nguyên của ba nước Đông Dương và trên trục hành lang kinh tế Đông-Tây. Với tất cả những gì đã được THACO khởi đầu, tôi chắc chắn tin rằng chỉ mươi năm nữa thôi cao nguyên này sẽ trở thành một “xứ sở thần tiên” của mầu xanh.

Thực tế có thể nói rằng: Trên vùng cao nguyên đó có những cánh rừng đang chết, có những thảo nguyên đang chết và hơn thế có những giấc mơ đang tắt dần thì bây giờ tất cả đang được hồi sinh với những dự án cây trồng, vật nuôi trong một lộ trình chiến lược, khoa học và hơn thế là trong một cảm hứng nhân văn lớn lao của sự sáng tạo mà tôi gọi là “sáng tạo lại một vùng đất”. Nếu chúng ta hiểu được ý thức và tình yêu trên con đường mà THACO với người đứng đầu là Trần Bá Dương đã đi tới đó, chúng ta sẽ xúc động và biết ơn họ. Và chúng ta có thể nói rằng: Không có gì không làm được khi con người mang một giấc mơ lớn đẹp đẽ và một ý chí phi thường để hiện thực hóa giấc mơ đó. Và đấy chính là phép màu mà chúng ta chính là những người đã chứng thực.

Tập đoàn THACO đã có những đóng góp quan trọng trong việc thay đổi số phận của biết bao con người, của những vùng đất và thúc đẩy sự phát triển đất nước. Nhưng hãy tin tôi, rằng: Điều lớn hơn cả mà ông Trần Bá Dương, một con người bình dị như hàng triệu con người khác đã mang lại là đức tin về những điều kỳ vĩ mà con người có thể làm ra. Chỉ cần con người đó có một giấc mơ đẹp đẽ, một khát vọng chân chính, một niềm đam mê không sợ hãi và một ý chí không gì có thể bẽ gãy thì họ có thể làm nên tất cả.

Không phải ai cũng có thể làm nên những vùng đất kỳ vĩ như Trần Bá Dương nhưng mỗi người có thể làm nên những điều kỳ vĩ trong chính ngôi nhà nhỏ bé của mình và trong cuộc đời giới hạn của mình. Và đấy là điều tôi suy nghĩ rất nhiều và muốn được bày tỏ.