Càng khi gian khó, càng trọng nghĩa tình

Nhắm mắt cũng có thể biết quả trứng trên tay là của miền đất nào, xuôi ngược trên những ghe thuyền thu mua trứng suốt thuở thiếu thời, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) dần gây dựng “vựa trứng” ngay chốn đô thị. Mọi việc đang ngon trớn bỗng đổ bể bởi dịch cúm gia cầm quét qua... Thế rồi, từ những quyết định được ví “đi ngược chiều gió”, thương hiệu “trứng Ba Huân” nên hình hài, bảo đảm tiêu chí của công nghệ sạch nhưng vẫn đậm nghĩa tình của nông dân Nam Bộ.
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng Lao động, doanh nhân Phạm Thị Huân.
Anh hùng Lao động, doanh nhân Phạm Thị Huân.

“Nông dân sống lại, tui sống lại”

Trong sơ yếu lý lịch xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, phần học hàm, học vị của bà Ba Huân (Phạm Thị Huân, sinh năm 1958, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Ba Huân, Thành phố Hồ Chí Minh) đều bỏ trống. Tâm sự với người viết bài, vì nhà nghèo cho nên khi mới học xong lớp 5 trường làng Thanh Vĩnh Đông (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), bà Ba Huân đã lên ghe ngược xuôi sông nước Tây Nam Bộ mua bán trứng. Bởi vậy mà hơn nửa thế kỷ gắn bó, bà Ba Huân có thể… nhắm mắt, dùng tay phân biệt trứng Cần Thơ (vỏ dày, thân tròn) hay trứng Rạch Giá (vỏ mỏng, thân dài).

Hay như bà chỉ nhìn trứng nhiều lòng đỏ thì biết xuất xứ từ Ô Môn; trứng Kiên Giang lòng trắng lớn; hay nhìn trứng cà cuống (vỏ xanh, lòng đỏ sậm) biết ngay xuất phát của “nó” là ở vùng Long Xuyên...

Hồi ức của người đàn bà lam lũ đưa chúng tôi về những chuyến ghe thu mua trứng ngày xưa. Trong một lần bị té xuống sông, bà được anh lái ghe cứu lên, rồi cả hai nên duyên chồng vợ. “Có gia đình, tui hết lênh đênh, xin vào Công ty Nông sản thực phẩm Kiên Giang làm công nhân, chỉ chuyên đi thu mua trứng vì không ai “qua mặt” được tui.

Ở thời điểm “dám chơi lớn”, bà cũng chưa mường tượng được, đến ngày thương hiệu trứng Ba Huân nhanh chóng “chiếm sóng” 30% thị phần Thành phố Hồ Chí Minh.

Bao nhiêu tiền lương, tui gởi về quê để nuôi bảy đứa em, còn tui thì sống nhờ... trứng bể. Hồi ấy, tỷ lệ hao hụt được công ty cho phép là 5%. Và với 5% trứng móp, trứng bể ấy, cộng với mối quan hệ mấy chục năm mua bán trứng, dư ra là tui mua vàng cất trong bồ lúa. Khi công ty giải thể, tui mới lên Sài Gòn mở vựa trứng riêng”, bà Ba Huân kể.

Lành nghề, uy tín, thành thật với nông dân chăn nuôi, chẳng mấy chốc bà Ba Huân không chỉ đủ lực chăm lo các em học hành đàng hoàng mà còn có của ăn của để, rồi đầu tư mua thêm nhiều nhà đất. Nhưng rồi “sóng gió” ập đến từ hai đợt dịch cúm gia cầm khủng khiếp những năm 2000. Bao nhiêu gà vịt bị tiêu hủy, bao nhiêu trứng trong kho chưa xuất bán, bà Ba Huân nuốt nước mắt đem đi làm trứng muối hết. Những căn nhà lần lượt phải bán đi để thanh toán tiền “lỡ mua” cho nông dân, 10 tỷ đồng bay nhanh như một cơn gió.

Trong khi nghề chăn nuôi gia cầm tan tác, người người bỏ nghề, bà nhận ra rằng chỉ có trứng sạch mới đem lại sự an toàn cho người nuôi, người bán, người mua. Nghĩ vậy bà lập tức nắm bắt cơ hội từ việc Thành phố Hồ Chí Minh cho vay ưu đãi 11 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, bà quyết định đầu tư mới. Theo cách, sang Hà Lan mua… dây chuyền xử lý, đóng hộp trứng sạch. Ở thời điểm “dám chơi lớn”, bà cũng chưa mường tượng được, đến ngày thương hiệu trứng Ba Huân nhanh chóng “chiếm sóng” 30% thị phần Thành phố Hồ Chí Minh.

“Bà nghĩ sao khi thời điểm ấy lại đi “ngược chiều”?

“Nhờ vậy mà sau đại dịch cúm, món “trứng sạch” đựng trong vỉ nhựa của tui bắt đầu chiếm lĩnh thị trường. Có máy móc, giảm được nhân công mà năng suất tăng gấp mấy chục lần, tui mừng rớt nước mắt khi hàng chục, hàng trăm xe tải đi thu mua trứng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ đem về nhà máy. Nông dân sống lại, tui sống lại, các doanh nghiệp lớn như Kinh Đô, Bibica, Đức Phát, Vinabico... đều lấy trứng của tui vì số lượng ổn định, uy tín và sạch. Mỗi ngày tui dư sức tung ra 1-2 triệu trứng sạch cho thị trường. Nếu giá xuống thấp, thấy bà con chăn nuôi lỗ, tui gom mua hết để kéo giá lên cho người chăn nuôi đỡ khổ. Nếu giá cao, hàng bị hút, tui cũng có thể bán ra 500-600 nghìn quả trứng để bình ổn thị trường”, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hồn hậu của nữ tướng ngành chăn nuôi.

Hiểu thị trường và nắm bắt tâm lý người tiêu dùng hiện đại, tháng 2/2017, bà Ba Huân khánh thành Nhà máy Xử lý trứng tại phía bắc, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ. Với công nghệ sản xuất hiện đại, trứng sau khi xử lý được áo dầu bên ngoài vỏ trứng nhằm giúp ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập cũng như làm tăng thêm thời gian bảo quản. Rồi gần đây, bà còn nhập thêm dây chuyền thứ hai với công suất 120.000 trứng/giờ. Dây chuyền này tự động hóa 100% từ khâu nạp trứng, rửa, sấy, phủ dầu bảo vệ, khử trùng bằng tia UV, soi trứng đến hệ thống vào hộp, dán nhãn và đóng gói thành phẩm. Sản phẩm trứng được xử lý lây nhiễm bằng tia UV, qua nghiên cứu và thử nghiệm khoa học cho thấy đã tiêu diệt 99,9% các vi khuẩn có hại trên trứng nhưng không ảnh hưởng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nghĩ về quê hương, nghĩ cho cộng đồng

Không chỉ là tấm gương doanh nhân điển hình trong nông nghiệp, hình ảnh bà Ba Huân có sức lan tỏa và động viên to lớn với mỗi nông dân Việt đang ấp ủ khát vọng làm giàu. Tháng 2/2017, Tạp chí Forbes đã bình chọn bà Ba Huân là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Trước đó, năm 2016, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) đã lựa chọn bà Ba Huân là đại diện duy nhất của Việt Nam và là một trong bốn đại diện thuộc 45 quốc gia nhận giải thưởng “Nông dân điển hình” khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là giải thưởng quốc tế uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp dành cho những nông dân có mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, đóng góp lớn cho cộng đồng.

Nông dân sống lại, tui sống lại, các doanh nghiệp lớn như Kinh Đô, Bibica, Đức Phát, Vinabico... đều lấy trứng của tui vì số lượng ổn định, uy tín và sạch. Mỗi ngày tui dư sức tung ra 1-2 triệu trứng sạch cho thị trường. Nếu giá xuống thấp, thấy bà con chăn nuôi lỗ, tui gom mua hết để kéo giá lên cho người chăn nuôi đỡ khổ. Nếu giá cao, hàng bị hút, tui cũng có thể bán ra 500-600 nghìn quả trứng để bình ổn thị trường.

(Bà Phạm Thị Huân)

Có thể nói rằng, hàng chục nghìn nông dân chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ hay các trang trại quy mô ở Việt Nam, các đại lý, người lao động trong lĩnh vực sản xuất trứng gia cầm đều có liên quan và gắn liền lợi ích với Ba Huân. Và cũng không bao giờ quên thuở còn là nông dân nghèo khó, bà Ba Huân luôn cho đi không tính toán với các chương trình xã hội từ thiện, các hoạt động giúp đỡ người nghèo, nông dân nghèo.

Các chương trình: “Tết làm điều hay”, “Xuân yêu thương”, “Chung một tấm lòng”, “Gắn kết yêu thương”, “Hỗ trợ người hồi gia”, “Nối vòng tay lớn”, “Học bổng Vừ A Dính”, “Góp đá xây dựng Trường Sa”... đều có tên của bà Ba Huân tham gia với tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2009 đến 2019 là hơn 35 tỷ đồng. Tuy rằng bà không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng hầu hết cán bộ, công nhân viên và người lao động ở Ba Huân đều được tạo điều kiện học nâng cao, tham gia các lớp học trong và ngoài nước.

Thêm nữa, ngoài học tri thức, những người làm việc ở đây còn được học thêm về tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động, thương yêu con người thông qua các buổi bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng. Chính vì vậy mà năm nào, ở Chi bộ Công ty cổ phần Ba Huân cũng có thêm ít nhất bốn đảng viên trưởng thành từ công nhân lao động. Họ thừa hưởng sự kiên trì vượt sóng bằng đôi tay trần từ người chủ công ty: Anh hùng Lao động Phạm Thị Huân.