“Vì những chiều thư thả sau bộn bề lo toan”
Có một chi tiết ít người biết, khi quyết tâm ký thỏa thuận hợp tác với Arsenal-câu lạc bộ (CLB) nổi tiếng thuộc Giải ngoại hạng Anh để thành lập Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG, ông Đoàn Nguyên Đức-Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, cũng chính là Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đã phải ra một quyết định không dễ dàng: Chặt bỏ toàn bộ 5ha cây cao-su đang ở tuổi thu hoạch, để lấy mặt bằng xây dựng học viện. Vào thời điểm ấy, mỗi ha cao-su đạt giá trị bình quân là khoảng 300 triệu đồng/năm. Độ “chịu chơi” của ông chủ doanh nghiệp lớn bậc nhất Tây Nguyên (về hai ngành nghề chính là nông-lâm sản và bất động sản) tiếp tục trở thành “đặc điểm nhận dạng thương hiệu” cho đội bóng “phố núi”, từ khi thành lập đến mãi tận bây giờ.
Khởi thủy, tiếp nhận và đầu tư đội bóng tỉnh nhà, rồi đem đến cho nó cái tên mới Hoàng Anh Gia Lai (năm 2022) là một bước quan trọng trong chiến lược đại chúng hóa thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai trong và ngoài nước. Cũng chính vì vậy, giới mộ điệu khi ấy, dù sửng sốt đến choáng váng với bản hợp đồng “bom tấn” đưa danh thủ số 1 Đông Nam Á thời điểm đó là tiền đạo người Thái Lan Kiatisuk Senamuang về sân Pleiku (ngay sau khi đội bóng thăng hạng lên V-League), vẫn có chút hoài nghi về một chặng đường gắn bó lâu dài.
Hai mươi năm qua, tính tất cả mọi chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chiêu mộ nhân sự, các ngân sách chuyên môn..., chưa kể đến đóng góp cũng rất lớn cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, tổng số tiền “bầu Đức” bỏ ra đã phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, phần hạch toán riêng của đội bóng có nhiều thời điểm... chỉ mang đến những khoản lỗ, đây cũng là vấn đề đã khiến không ít doanh nhân “chơi bóng đá” cùng thời rời “cuộc vui” sớm.
Kể cả những khoảng thời gian công việc kinh doanh khó khăn nhất, với ông Đoàn Nguyên Đức, đội bóng “con đẻ” của ông vẫn là không thể động tới. Đổi lại, ông được gì? “Tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng”, phút trải lòng mộc mạc. Và hơn thế, đây còn là một tâm nguyện: “Tôi tự hào về tất cả những gì tôi làm, vì tình yêu và trách nhiệm với bóng đá Việt Nam”.
Đúng vậy. Từ cái nôi mà ông xây đắp, nối nhau ra lò những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường..., những người mà ông lo rèn cặp, “ươm mầm nhân cách để tụi nó tự trui rèn thành người tử tế”, những tác nhân quan trọng trong việc lấy lại niềm tin và tình yêu từ người hâm mộ, sau một thời gian dài các giá trị đó phôi phai, và từ đó góp phần làm bật lên sự khải hoàn cho cả nền bóng đá, qua thành công vang dội của các đội tuyển.
Hai mươi năm qua, tính tất cả mọi chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chiêu mộ nhân sự, các ngân sách chuyên môn..., chưa kể đến đóng góp cũng rất lớn cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam, tổng số tiền “bầu Đức” bỏ ra đã phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
“Làm bóng đá mà nghĩ đến lợi ích kinh tế, tôi bỏ ngay!”
Không ít lần, ông Đỗ Quang Hiển khẳng định như vậy. Bởi thế, đến tận lúc này Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group không chỉ là “ông bầu” của CLB bóng đá Hà Nội - một trong những “quyền lực” hùng mạnh nhất bóng đá Việt Nam hiện tại, mà còn “với tay” đầu tư sang bóng bàn cũng như đội bóng đá nữ Thái Nguyên (kể từ năm 2019).
“Với tôi, bóng đá là trái tim, là tình yêu. Tôi thường nói với các cầu thủ rằng: Nếu có máy đo, nồng độ bóng đá trong máu của tôi chắc chắn sẽ cao hơn của các bạn”, và đó là lý giải thuyết phục cho việc dù là “người đến sau” nhưng lại đang là một trong những “ông bầu” thành công nhất.
Với triết lý: “Đã đầu tư vào bóng đá thì phải xác định là cống hiến, không đặt vấn đề đòi hỏi gì, và phải rất kiên trì, có những lúc phải chịu đựng”, cùng quan điểm: “Doanh nghiệp cũng như bóng đá, phải luôn đưa ra mục tiêu để chinh phục, hướng đến những đỉnh cao là khát vọng của cá nhân, doanh nghiệp và của cả một dân tộc”, sau hơn 10 năm thành lập, xây dựng và phát triển, CLB bóng đá Hà Nội của “bầu Hiển” hiện là câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giàu thành tích nhất, với năm lần Vô địch quốc gia (năm 2010, 2013, 2016, 2018, 2019); hai lần giành Siêu Cúp bóng đá quốc gia và một lần đoạt Cúp quốc gia (năm 2019).
Quan trọng hơn, CLB bóng đá Hà Nội trở thành nguồn cung cấp cầu thủ chính cho các đội tuyển quốc gia, nhất là trong chặng thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam 5 năm trở lại đây. Dưới thời HLV Park Hang-seo, CLB bóng đá Hà Nội luôn đóng góp lượng tuyển thủ dồi dào, trong đó có những ngôi sao nổi bật như Quang Hải, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Văn Hậu... rồi đến những cầu thủ trẻ như Văn Tùng, Việt Anh, Văn Chuẩn...
Với tôi, bóng đá là trái tim, là tình yêu. Tôi thường nói với các cầu thủ rằng: Nếu có máy đo, nồng độ bóng đá trong máu của tôi chắc chắn sẽ cao hơn của các bạn.
(Doanh nhân Đỗ Quang Hiển)
Ngoài dấu ấn thành tích, thành quả lớn nhất của bầu Hiển chính là những khán đài sôi sục tại sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội). Những trận đấu của CLB bóng đá Hà Nội trên sân nhà thu hút trung bình hơn 10.000 khán giả, trong đó, không ít trận khán giả phủ kín sân vận động có sức chứa hơn 15.000 người này. Thông điệp “Pride of Hà Nội” (Niềm tự hào Hà Nội) ngày càng được nhiều người biết đến hơn.Và cuộc hành trình này vẫn chưa dừng lại.
“Không chỉ đơn thuần là một môn thể thao”
“Thông qua bóng đá, ranh giới giữa người với người, giữa các dân tộc với nhau sẽ được xóa nhòa. Đó chính là ý nghĩa xã hội to lớn của bóng đá”-ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm (một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước về thiết bị xây dựng), cũng là vị chủ tịch tạo nên tên tuổi của đội bóng lừng danh một thời Đồng Tâm Long An, từng chia sẻ.
“Tôi từng suy nghĩ mãi về trận thua của Đội tuyển Việt Nam trước đối thủ Singapore tại chung kết Tiger Cup 98 (nay là AFF Cup). Sự bức xúc kèm theo ý chí phải vươn lên sôi sục đã thôi thúc bản thân tôi cần phải làm bằng được điều gì đó”, và ông đã chọn trở thành một trong những ngọn cờ tiên phong của công cuộc xã hội hóa bóng đá.
Ông không tiếc tiền bạc, công sức để xây dựng đội bóng phong trào với thành phần chủ yếu là công nhân ngày nào trở thành một “thế lực” đích thực của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Dưới tay ông, CLB Đồng Tâm Long An (khi ấy còn mang tên Gạch Đồng Tâm-Long An) từng vô địch V-League hai mùa liên tiếp (năm 2005, 2006) và giành Siêu Cúp quốc gia 2006.
Song, đáng nhớ hơn và cũng sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không được nhắc đến, ông Võ Quốc Thắng cùng sự hy sinh thầm lặng của mình cũng chính là tác nhân quan trọng giúp bóng đá Việt Nam khép lại một chu kỳ dài tay trắng, với danh hiệu vô địch AFF Cup 2008. Người “cầm quân” ở Đội tuyển Việt Nam năm ấy là HLV người Bồ Đào Nha Henrique Calisto, chính là người “bầu Thắng” đưa về dẫn dắt Gạch Đồng Tâm-Long An, cũng chính là người ông đã tiến cử cho vị trí HLV trưởng Đội tuyển quốc gia với ước mơ cháy bỏng, rằng vị HLV tài hoa đó sẽ mang về vinh quang cho bóng đá nước nhà.
Một thành tựu trọn vẹn. Một câu chuyện sẽ không bao giờ bị lãng quên...