Hát mãi khúc quân hành

Chích máu viết đơn tình nguyện vào tuyến lửa, đi qua cuộc chiến giành lại độc lập dân tộc, trở về gây dựng sự nghiệp kinh doanh, dù ở bất cứ vai trò nào, hoàn cảnh gì, trái tim người lính vẫn luôn mách bảo Anh hùng Lao động, doanh nhân Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, hãy sống với tinh thần quả cảm, luôn phụng sự xã hội, đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng Lao động, doanh nhân Lê Văn Kiểm.
Anh hùng Lao động, doanh nhân Lê Văn Kiểm.

“Bài thể dục” cho trái tim

Kết hôn vào ngày 30/4/1970, hơn 50 năm, doanh nhân cựu chiến binh Lê Văn Kiểm và vợ ông là bà Trần Cẩm Nhung luôn sát cánh vượt qua bao thử thách, thất bại để nếm được quả ngọt của sự thành công.

Hơn ai hết, ông Kiểm và vợ hiểu sâu sắc những khó khăn trong thời kỳ chiến tranh. Họ lớn lên nhờ nghĩa tình của đất nước, nhân dân, đặc biệt là nhân dân miền bắc khi ông bà học tập tại các trường học sinh miền nam trên đất bắc nên luôn khát khao được san sẻ với những mảnh đời khốn khó. “Bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng”, vợ chồng ông Kiểm cùng các con có chung suy nghĩ ấy. Họ lấy việc cho đi làm niềm vui sống, lấy phụng sự đất nước, xã hội làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình.

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, ông Lê Văn Kiểm đã cùng vợ xây dựng nhà tình nghĩa, cùng nhau lập và điều hành các quỹ từ thiện, quỹ khuyến học lên tới chục tỷ đồng. Ông bà cũng luôn góp mặt trong các dự án thiện nguyện do Đảng, Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ phát động.

Doanh nhân Lê Văn Kiểm và gia đình còn được biết đến là một trong bảy thành viên của Hội đồng sáng lập Trường đại học Fulbright Việt Nam, cam kết cùng hiến tặng trường 35 triệu USD hỗ trợ giai đoạn một dự án xây dựng khuôn viên chính của trường tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, ông Kiểm cũng coi việc làm từ thiện ở Lào và Campuchia như một sự đền ơn đáp nghĩa mang tính quốc tế. Ông từng tổ chức quyên tiền và cùng ông Dương Công Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam xây ngôi trường trị giá 700.000 USD tại Campuchia.

“Bài tập thể dục thứ nhất cho trái tim là động tác đưa đôi tay của mình giúp đỡ cộng đồng”, vợ chồng ông Kiểm cùng các con có chung suy nghĩ ấy. Họ lấy việc cho đi làm niềm vui sống, lấy phụng sự đất nước, xã hội làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình.

“Hãy gọi tôi là một cựu chiến binh”

Hiện ông là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành-Viêng Chăn... Thế nhưng, khi được hỏi về danh xưng đáng tự hào nhất, ông Lê Văn Kiểm đáp “hãy gọi tôi là một cựu chiến binh”.

Sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ khi mới một tuổi ông đã theo cha mẹ lên chiến khu ở Ba Lòng, Quảng Trị. Năm ông 4 tuổi, cha ông hy sinh. Ông lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và sự đùm bọc, chở che từ những người đồng đội của bậc sinh thành.

Đến năm 1954, cùng với nhiều học sinh miền nam khác, ông được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đưa ra học tập và đào tạo tại đất bắc. Năm 1964, ông trúng tuyển vào Trường đại học Thủy lợi. Năm 1971, tình hình chiến trận ngày càng trở nên cam go, ác liệt, ông Kiểm một lòng sục sôi muốn tham gia chiến đấu nên đã chích máu của mình viết đơn xin đi bộ đội rồi lại xung phong vào chiến trường miền nam đỏ lửa. Để rồi, vào ngày 30/4/1975 lịch sử, cũng là kỷ niệm 5 năm ngày cưới với người vợ Trần Cẩm Nhung, ông Lê Văn Kiểm đã cùng đồng đội, cùng non sông đất nước vỡ òa hạnh phúc trong ngày giải phóng, mừng bắc-nam một nhà.

“Tôi vinh dự khi được là một phần của lịch sử, được chứng kiến thời khắc quan trọng của đất nước”, ông Kiểm nhớ lại, không giấu được niềm xúc động dù đã 47 năm trôi qua.

Can trường trên “mặt trận” kinh tế

Hòa bình được lập lại nhưng kinh tế cả nước còn chật vật, khó khăn. Ông Lê Văn Kiểm lại cùng vợ mình bắt tay vào một mặt trận mới - “mặt trận” kinh tế. “Tôi luôn khắc ghi, phụng sự đất nước là một phần của cuộc đời mình”.

Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ trị giá một lượng vàng, mua mô-tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi ngày làm việc nhà nước, tối làm thức ăn gia súc”. Không bao lâu, sản phẩm thức ăn gia súc mang nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm xuất hiện khắp nơi.

Bước đầu thuận lợi, ông cùng vợ tiếp tục nghiên cứu, ép dầu từ hạt cao-su để sản xuất sơn. Hạt cao-su được thu mua ở khắp miền nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Sau đó, gia đình ông nghiên cứu sản xuất thêm bột mầu xây dựng.

Một trong những công trình mà Công ty Huy Hoàng đóng góp cho Thành phố Hồ Chí Minh là nút giao thông Hàng Xanh, được khánh thành ngày 30/4/1995. Đây là một trong những công trình đầu tiên do công ty tư nhân thi công theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế mà giải thích chỉ bằng một phần ba giá quốc tế. Số tiền lời từ công trình này, ông Kiểm dành tặng để xây dựng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Bến Dược, Củ Chi.

Qua thăng trầm của hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, chính tinh thần luôn tiên phong, sáng tạo, đổi mới cùng bản lĩnh của người lính đã giúp ông Lê Văn Kiểm có những quyết định và hướng đi sáng suốt để vượt qua khó khăn, đứng vững trên thị trường.

Đến nay, tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành lớn mạnh, tiên phong trên nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài nước như sân golf, bất động sản, nghỉ dưỡng, năng lượng sạch… với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Việc điều hành tại công ty đang được chuyển giao cho thế hệ thứ hai.

Tiết lộ về chiến lược phát triển dài hạn, doanh nhân Lê Văn Kiểm cho biết, tập đoàn đang xin chủ trương xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới tại Việt Nam để có thể đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư vào nước ta hậu Covid-19. Cùng với đó là định hướng phát triển áp dụng công nghệ và năng lượng tái tạo trong việc xây dựng-quản lý, vận hành các khu đô thị thành các “Đô thị thông minh-Smart City”; với mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, sử dụng các nguồn năng lượng một cách hiệu quả, tối ưu và bảo đảm sức khỏe cho người dân.

“Giá trị lớn nhất mà tập đoàn hướng đến đó là mang lại giá trị cho cộng đồng và để lại dấu ấn bởi những công trình mang tầm cỡ quốc tế. Còn sức khỏe đến đâu, tôi sẽ còn lao động, phấn đấu không ngừng nghỉ đến đó. Cá nhân tôi cam kết sẽ dành phần lớn lợi nhuận từ các dự án của tập đoàn để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm bộc bạch.

Ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam, Lào, Campuchia trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó ông là người đầu tiên được phong tặng hai lần danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.