Góp sức “mở đường” cho kinh tế sáng tạo

Vừa có những hoạt động kinh doanh, vừa là nơi diễn ra các buổi hòa nhạc, triển lãm…, cũng đồng thời là nơi các doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực văn hóa hoạt động, đó là những gì đang diễn ra ở Complex 01 (ngõ 167 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) - tổ hợp các hoạt động công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Hòa nhạc Vì một Hà Nội đáng sống tại Complex 01.
Hòa nhạc Vì một Hà Nội đáng sống tại Complex 01.

Nhưng chủ đầu tư của không gian ấy - kiến trúc sư Nguyễn Bùi Vũ, vừa làm, vừa… thấp thỏm tương lai. Công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo ở Việt Nam còn quá mới mẻ. Nhưng Vũ dấn thân, vì trước sau gì cũng cần có những người mở đường…

1 Complex 01 vừa diễn ra buổi hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống”. Sân trung tâm của Complex 01 chính là sân khấu của buổi hòa nhạc với sự tham gia của hai dàn hợp xướng Đa dạng và Samsung Harmony. Hòa nhạc vốn là hoạt động âm nhạc hàn lâm, vốn không dễ tiếp cận với rất nhiều người. Nhưng anh Lê Quang Bình - điều phối viên của mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống (một trong các đơn vị tổ chức chương trình) cho biết: “Hà Nội đáng sống khi người dân Hà Nội có đời sống tinh thần giàu có, bên cạnh điều kiện vật chất được cải thiện. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng mua vé xem các buổi hòa nhạc được tổ chức tại Nhà hát Lớn, hoặc các chương trình ca nhạc của các ngôi sao... Vì vậy các chương trình văn hóa nghệ thuật cộng đồng rất cần thiết, nó giúp những người nghèo, người bán hàng rong hay người khuyết tật có cơ hội thưởng thức nghệ thuật”. Buổi hòa nhạc “Vì một Hà Nội đáng sống” tổ chức ở không gian mở, hoàn toàn miễn phí đã thu hút nhiều khán giả ở đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, ngành nghề, công việc khác nhau. Đây chỉ là một trong rất nhiều sự kiện văn hóa mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận khi đến với Complex 01.

Với nhiều người, hoạt động của Complex 01 vẫn là một cái gì đó lạ lẫm. Nhiều tờ báo vẫn giật tít đây là một “tổ hợp vui chơi”, hoặc một địa điểm check-in đẹp “không góc chết”. Điều đó đúng thật. Vì Complex 01 có “đủ thứ”, từ cửa hàng cà-phê, giải khát, các cửa hàng đồ ăn, thời trang cho đến đồ thủ công mỹ nghệ… Thậm chí, có cả một “xưởng sáng tạo” mang tên Creative Gara, là nơi các bạn nhỏ có thể thiết kế, xây dựng, thử nghiệm những sáng tạo về kiến trúc, khoa học, mỹ thuật… Cải tạo từ một nhà in cũ của ngành công đoàn, Complex 01 mang vẻ đẹp hoài cổ, cá tính và “gồ ghề”. Nhưng chủ đầu tư của Complex 01 Nguyễn Bùi Vũ không “ưng” cả hai cách gọi trên, mặc dù, những cái tít kiểu ấy có thể thu hút nhiều “view”, và tăng lượng khách.

Vì vậy các chương trình văn hóa nghệ thuật cộng đồng rất cần thiết, nó giúp những người nghèo, người bán hàng rong hay người khuyết tật có cơ hội thưởng thức nghệ thuật”.

“Mình muốn cộng đồng, nhất là các bạn trẻ hiểu đúng bản chất của Complex 01. Đó là một không gian văn hóa-sáng tạo. Một nơi người ta có thể kinh doanh, tìm kiếm cơ hội sáng tạo và tiếp cận nhiều loại hình văn hóa-sáng tạo một cách dễ dàng, và trong một bầu không khí rất văn minh”, Nguyễn Bùi Vũ chia sẻ.

2 Nguyễn Bùi Vũ vốn là một doanh nhân; đồng thời là một kiến trúc sư. Công việc của một kiến trúc sư giúp anh tiếp cận nhiều tư duy mới trong phát triển văn hóa. Cùng lúc ấy, khi nhìn lại những hoạt động trong nước, anh nhận thấy, giới trẻ thường không dễ tiếp cận các hoạt động văn hóa, nhất là những hoạt động văn hoá có tính truyền thống. Mấy chục năm qua, trên thế giới nở rộ những không gian sáng tạo-tổ hợp với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-sáng tạo; với hạ tầng hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa sáng tạo đi kèm. Nhiều không gian hình thành trên những di sản công nghiệp - những nhà máy, xí nghiệp đã ngừng hoạt động. Cái thú vị của việc tái tạo những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo là lưu giữ được ký ức của những không gian ấy. Giới trẻ đến đây sẽ nhận ra: À, ngày xưa các thế hệ trước của mình đã sống như thế. Vũ nuôi ý tưởng tạo ra một không gian sáng tạo từ di sản công nghiệp nhiều năm cho đến khi anh “gặp” Nhà máy In Công đoàn - nhà máy hình thành cách đây hơn nửa thế kỷ. Thời điểm ấy, nhà máy in đã dời đi được mấy năm, khoảng 4.000m2 khuôn viên của nhà máy bị bỏ không. Đó là cơ hội để anh cùng đồng nghiệp tái tạo một di sản công nghiệp thành một không gian văn hóa. Một không gian đặc biệt, bên cạnh các cửa hàng cho thuê, còn có các không gian phụ trợ, như phòng triển lãm, không gian tổ chức workshop, tọa đàm, không gian ngoài trời để tổ chức các sự kiện âm nhạc, hay triển lãm mỹ thuật…

Hầu hết những không gian sáng tạo của Hà Nội đều “chết” yểu, hoặc gặp khó khăn ở những mức độ khác nhau. Rất nhiều người thắc mắc vì sao Vũ lại đầu tư vào không gian sáng tạo? Vẫn biết đấy là một khoản đầu tư mạo hiểm. Nhưng khi đi vào hoạt động thì mới nhận ra, nó không chỉ mạo hiểm, mà còn… quá mạo hiểm.

Complex 01 ra đời đúng vào dịp đại dịch Covid-19 hoành hành. Vừa mở cửa, lại đóng cửa. Đóng ít ngày lại được mở, rồi… lại đóng. Khách hàng của Vũ toàn những doanh nghiệp “siêu nhỏ”, doanh nghiệp của những bạn trẻ mới khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Muốn họ “trụ” được qua khó khăn, thì phải hỗ trợ “nuôi trồng”, bằng cách giảm, hoặc hỗ trợ toàn bộ tiền thuê mặt bằng. Rất may, Vũ còn có nghề kinh doanh khác, nếu không rất khó để duy trì Complex 01 đi qua mùa dịch.

Rất nhiều người thắc mắc vì sao Vũ lại đầu tư vào không gian sáng tạo? Vẫn biết đấy là một khoản đầu tư mạo hiểm. Nhưng khi đi vào hoạt động thì mới nhận ra, nó không chỉ mạo hiểm, mà còn… quá mạo hiểm.

3 Hiện giờ, dịch bệnh đã qua, Complex 01 đã ổn định trở lại với các hoạt động văn hóa, kinh doanh sôi động. Các gian hàng từ ăn uống đến thời trang, đồ thủ công mỹ nghệ đông khách hơn. Các workshop về đồ thủ công, các buổi biểu diễn âm nhạc, các buổi chiếu phim, hay các talk-show về môi trường, về nhiếp ảnh, thời trang… liên tục diễn ra. Ngay từ khi “lên khuôn”, Nguyễn Bùi Vũ chọn cái tên Complex 01, vì hy vọng sẽ có Complex 02, Complex 03… Một chuỗi những không gian sáng tạo. Bây giờ anh nhận ra, mong muốn ấy không dễ, hay đúng hơn là quá khó để thực hiện.

“Nhiều người nói rằng, muốn phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo cần những cái “tổ” như Complex 01. Vì sao lại như vậy? Vì kinh tế sáng tạo và một số ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn quá non trẻ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, hay các bạn trẻ mới khởi nghiệp nên cần những tổ hợp như Complex 01. Tổ hợp vừa cung cấp cho các bạn trẻ mặt bằng với giá cả hợp lý, vừa cung cấp “hệ sinh thái” cho các hoạt động văn hóa, sáng tạo. Nhưng sự “cần” mới chỉ dừng trong cách nhìn của một số người làm chuyên môn. Phần đông vẫn chưa hiểu kinh tế sáng tạo là gì, những tổ hợp như Complex 01 có ý nghĩa thế nào. Complex 01 vẫn hoạt động như một doanh nghiệp bình thường. Chưa kể, chúng tôi chỉ được gia hạn hợp đồng hai năm một lần. Không chỉ chúng tôi, mà các doanh nghiệp “chung sống” với chúng tôi trong không gian này lúc nào cũng trong tâm thế thấp thỏm”, Nguyễn Bùi Vũ tâm sự.

Luôn ưu tiên các hoạt động kinh tế sáng tạo trên nền tảng văn hóa, thậm chí Vũ miễn phí mặt bằng nhiều buổi triển lãm, tọa đàm, biểu diễn âm nhạc… Nếu chỉ vì mục đích kiếm tiền, Vũ đã không đầu tư vào Complex 01. Đã có một số người mở đường đi trước. Dù khó khăn, trước sau gì vẫn cần người mở đường. Nên khó thì vẫn cứ phải đi. Biết đâu đấy, Complex 01 sẽ là gợi ý cho những nhà hoạch định chính sách, hoặc những “cá mập” trong chuyển đổi di sản công nghiệp thành không gian “làm kinh tế bằng văn hóa”, Nguyễn Bùi Vũ bảo thế.