Thị trường đầy tiềm năng
Theo Bloomberg, ngày 5/10, tập đoàn Google công bố dịch vụ lưu trữ dữ liệu đám mây tại khu vực châu Phi, với khoản chi dự kiến khoảng 1 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Giám đốc nền tảng lưu trữ đám mây của Google (Google Cloud) khu vực, Niral Patel cho biết, hạ tầng đám mây dự kiến sẽ đặt tại Nam Phi, tuy nhiên người dùng sẽ có các lựa chọn nơi lưu trữ dữ liệu của họ. Bởi, hiện nhiều quốc gia châu Phi có quy định về chủ quyền dữ liệu, trong đó đặt ra một số yêu cầu như buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ của họ.
Dịch vụ đám mây khu vực mới của Google sẽ giúp người dùng, các nhà phát triển, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục trên khắp châu Phi chuyển tải nhiều thông tin và sử dụng nhiều công cụ trực tuyến hơn. Người dùng sẽ được cung cấp tùy chọn để lưu trữ dữ liệu cá nhân ở quốc gia họ chọn. Điều này cũng cho phép các công ty tuân thủ luật pháp sở tại về việc cấm lưu trữ dữ liệu bên ngoài đất nước.
Theo đánh giá của Google, nền kinh tế kỹ thuật số của châu Phi có tiềm năng phát triển lên 180 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 5,2% GDP của lục địa. Gần đây, Google cũng cho ra mắt ứng dụng hỗ trợ nhập dữ liệu bằng giọng nói cho chín ngôn ngữ châu Phi khác trong Gboard - bàn phím của Google. Tại Nam Phi, Google đang hợp tác với nhà bán lẻ trực tuyến Takealot - một trong những công ty đã xây dựng nền tảng thương mại điện tử của mình trên Google Cloud.
Tuy nhiên, Google cũng đang đối mặt sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu đám mây khác như Microsoft hay Amazon Web Services (AWS) tại thị trường châu Phi. AWS đã và đang mở rộng sự hiện diện với các văn phòng mới tại Johannesburg và Cape Town (Nam Phi).
Theo báo cáo triển vọng thị trường trung tâm dữ liệu châu Phi của Research&Markets, thị trường này đã chứng kiến các khoản đầu tư trị giá 2,6 tỷ USD năm 2021 và được dự báo sẽ đón nhận tổng vốn đầu tư lên tới 5,4 tỷ USD vào năm 2027. Thị trường trung tâm dữ liệu ở châu Phi đang thu hút các khoản đầu tư đáng kể trong những năm gần đây, dẫn đầu là Nam Phi, Kenya, Ai Cập, Nigeria và Ethiopia. Theo thống kê năm 2021, tại châu Phi, có hơn chín trung tâm dữ liệu có diện tích sàn khoảng 10.000 m2 mỗi trung tâm trở lên. Chính phủ một số quốc gia đang tích cực phát triển các khu kinh tế đặc biệt và các khu công nghiệp, cung cấp miễn thuế nhằm phát triển các trung tâm dữ liệu.
Tháng 9/2021, Eskom - một công ty có trụ sở tại Nam Phi, đã công bố đầu tư khoảng bảy tỷ USD cho các kế hoạch năng lượng tái tạo trong chín năm tới, điều này cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trung tâm dữ liệu vốn cần tới nhiều năng lượng để vận hành. Tháng 12/2021, Equinix công bố kế hoạch mua lại Trung tâm dữ liệu MainOne với số tiền khoảng 320 triệu USD để mở rộng hoạt động tại châu Phi. Sự gia tăng đầu tư vào cáp quang biển và kết nối cáp quang có khả năng thu hút thêm nhiều khoản đầu tư vào các trung tâm dữ liệu trong khu vực. Nam Phi có số lượng triển khai cáp quang biển cao nhất, tiếp theo là Nigeria và Kenya.
Trước đó, năm 2019, công ty cổ phần tư nhân Berkshire Partners có trụ sở tại Boston (Mỹ) đã mua lại cổ phần của Teraco - công ty sở hữu trung tâm dữ liệu lớn nhất châu Phi và cung cấp phần lớn điện toán đám mây ở Nam Phi, với mục tiêu tăng gấp đôi công suất từ 30MW lên 60MW trong vài năm tới. Trung tâm dữ liệu châu Phi của Liquid Telecom đã dành 1 tỷ USD để mở rộng khắp Nigeria, Ghana và xa hơn nữa sang Ai Cập và Morocco.
Cạnh tranh ngày càng tăng giữa các quốc gia như Trung Quốc và các quốc gia có quan hệ kinh tế lâu đời với châu Phi như Mỹ, Anh và Pháp được dự đoán sẽ mở ra cho lĩnh vực này nhiều khoản đầu tư sinh lợi hơn.
Một cơ sở lưu trữ dữ liệu của Google đang được xây dựng tại Mỹ. Ảnh: DALLAS NEWS |
Động lực tăng trưởng
Theo Trung tâm dữ liệu Knight Frank, châu Phi hiện có 140.000m2 không gian trung tâm dữ liệu, bằng với Thụy Sĩ. Tuy nhiên, với tiến trình số hóa nhanh chóng và việc triển khai cơ sở hạ tầng 4G và 5G trên khắp lục địa, Knight Frank dự báo không gian của các trung tâm dữ liệu tại châu lục này sẽ tăng 50% trong vòng 5 năm tới, bởi một loạt các động lực tăng trưởng quan trọng.
Các trung tâm dữ liệu truyền thống thường được các tập đoàn thiết lập tập trung tại một số khu vực địa lý nhất định như ở Virginia (Mỹ), các thành phố của châu Âu như London, Paris, Amsterdam, Frankfurt và Dublin; Tokyo, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore thuộc châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, khi công nghệ và nội dung ngày càng trở nên phức tạp, số lượng dữ liệu cần thiết đã tăng đến mức mà các mô hình lưu trữ truyền thống không thể đáp ứng hết. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ lưu trữ đám mây đang tìm cách tiến gần các trung tâm dân cư hơn, cho phép họ cung cấp các dịch vụ phức tạp hơn. Guy Willner - Giám đốc điều hành Trung tâm dữ liệu IXcellerate lưu ý, việc áp dụng chủ quyền dữ liệu ở các nước như Nigeria và Morocco có nghĩa là các trung tâm dữ liệu mới sẽ phải được xây dựng tại chính những quốc gia này.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, châu Phi trong những năm gần đây đã tạo cơ hội cho việc triển khai nhanh chóng và tăng tốc công nghệ tập trung vào nhóm dân số trẻ và năng động. Theo Xalam Analytics, châu Phi chỉ chiếm chưa đến 1% tổng dung lượng trung tâm dữ liệu toàn cầu hiện có, trong khi lại là nơi sinh sống của khoảng 17% dân số thế giới. Tuy nhiên, với việc dân số đô thị của lục địa này sẽ tăng 60% vào năm 2050, với nguồn tài năng công nghệ ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu mới nổi, nhu cầu về trung tâm dữ liệu sẽ tăng lên.
Khu vực phía nam châu Phi tiếp tục được phục vụ tốt nhất, chiếm 54% không gian trung tâm dữ liệu trên toàn châu Phi. Nhưng với ít nhất một nửa dân số của châu Phi dự kiến sẽ có khả năng truy cập internet vào năm 2030, cùng luật khuyến khích bản địa hóa dữ liệu, tiềm năng cho các trung tâm dữ liệu ở châu Phi sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân.
Những tiến bộ gần đây trong kết nối cáp quang mang lại cho châu Phi cơ hội đi trước các châu lục khác trong việc thiết lập một hệ thống cơ sở hạ tầng mạng đẳng cấp thế giới. Về mặt địa lý, các thành phố như Mombasa ở Kenya có vị trí cực kỳ thuận tiện trên các liên kết cáp quang biển, cung cấp một cửa ngõ vào châu Á và do đó, có một lượng lớn lưu lượng truy cập internet hoạt động qua chúng.
Hiện, phần lớn nội dung dữ liệu của châu Phi được chuyển qua Marseille (Pháp) thay vì đặt ở châu lục. Tuy nhiên, việc khởi động dự án Equiano của Google - một tuyến cáp dưới nước kết nối Tây Phi với châu Âu và 2Africa của Facebook, một tuyến cáp dưới biển dài 37.000km sẽ đi vòng quanh lục địa kết nối với châu Âu và Trung Đông, sẽ khai phá tiềm năng to lớn của châu lục này.
Các trung tâm dữ liệu tiêu thụ một lượng lớn năng lượng. Vấn đề nguồn cung năng lượng tại châu Phi trước đây được xem là trở ngại chính đối với việc đầu tư của các nhà khai thác trung tâm dữ liệu quốc tế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng đang diễn ra trên thị trường năng lượng tái tạo của châu Phi tạo ra những cơ hội mới. Từ năm 2010 đến 2017, chi phí sản xuất năng lượng mặt trời trung bình đã giảm 73% và giảm 22% đối với năng lượng gió trên đất liền, theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA). Năng lượng tái tạo thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm khả năng tiếp cận ngay cả ở những vùng xa xôi nhất trên khắp châu Phi, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho các dự án phát triển của các gã khổng lồ công nghệ điện toán đám mây như Microsoft và Google.