Mường Thanh là cách gọi biến âm của Mường Then hay “vùng đất của trời” trong ngôn ngữ người Thái. Có câu truyền khẩu từ xa xưa: “Nhất Thanh (Mường Thanh - Điện Biên Phủ), nhì Lò (Mường Lò - Yên Bái), tam Than (Mường Than - Lai Châu), tứ Tấc (Mường Tấc - Sơn La)”, là để nói về bốn cánh đồng lớn quan trọng của cư dân các tỉnh Tây Bắc. Trong đó, cánh đồng Mường Thanh đứng đầu với diện tích hơn 140km2, chiều dài 20km, bao trùm gần như toàn bộ các di tích gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ như hầm chỉ huy tướng Đờ Cát (De Castries), sân bay Mường Thanh, cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, đồi Độc Lập, đồi A1, C1, C2, D1...
Nằm ở độ cao 400m so mực nước biển, bao quanh là đồi núi trập trùng, vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn trên cánh đồng Mường Thanh thường có mây trắng vờn ngay trên lúa xanh, tạo cảnh tượng thiên nhiên ngoạn mục. Mạch nguồn nuôi dưỡng cho cánh đồng bao la ấy là hệ thống kênh, mương của đại thủy nông Nậm Rốm, công trình từ công sức của hàng nghìn thanh niên xung phong từ nhiều tỉnh miền xuôi lên Điện Biên xây dựng kinh tế mới từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nước sông đầy ắp phù sa, cộng với khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù đã góp phần tạo nên hương vị thơm ngon của gạo Điện Biên, nổi bật như gạo tám thơm, gạo Séng Cù, gạo nếp nương.
Chỉ vài tuần nữa thôi, sang đầu tháng 9, lúa sẽ chín vàng ươm và người dân nơi đây bước vào vụ thu hoạch. Nhịp sống vốn êm ả, bình lặng của các thôn bản sẽ trở nên náo nức, nhộn nhịp suốt ngày mùa. Những năm gần đây, việc cơ giới hóa nông nghiệp ngày càng phổ biến, người nông dân tiết kiệm được thời gian và công sức, phát triển thêm những ngành nghề khác như làm du lịch. Ở một số bản văn hóa-du lịch cộng đồng như bản Ten, Noong Bua, Co Mỵ, Phiêng Lơi, bà con làm homestay đẹp như mơ ngay cạnh cánh đồng lúa thơm. Các món ăn từ gạo đặc sản như cơm lam, xôi tím, làm cốm, bánh nếp, bánh dày, món nào cũng thơm ngon, hớp hồn thực khách phương xa.