Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số

Lĩnh vực xuất bản nội dung trên internet tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng cũng đối mặt tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nội dung số. Các cuộc tranh chấp trong nội dung số ngày càng phức tạp và cần nhiều hơn nữa những giải pháp công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ công bố Báo cáo Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 của WIPO. Ảnh: FLICKR
Lễ công bố Báo cáo Sở hữu trí tuệ thế giới 2022 của WIPO. Ảnh: FLICKR

“Virus” vi phạm bản quyền

Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), sở hữu trí tuệ đề cập đến những sáng tạo của trí óc, chẳng hạn như phát minh, tác phẩm văn học nghệ thuật, kiểu dáng và các biểu tượng, tên và hình ảnh được sử dụng trong thương mại. Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo vệ và công nhận thông qua bằng sáng chế, chứng nhận bản quyền và nhãn hiệu, cho phép người sở hữu thu được lợi ích tài chính từ những gì họ phát minh hoặc tạo ra. Định nghĩa của sở hữu trí tuệ được sử dụng trên không gian số với đầy đủ tính chất. Tuy nhiên, các nội dung trực tuyến thường dễ bị vi phạm hoặc sử dụng sai mục đích và sự vi phạm đó phổ biến rộng rãi đến mức người ta gọi đó như một loại “virus”.

Năm 2014, Tòa án tối cao Mỹ từng xét xử vụ việc dịch vụ phát trực tuyến (streaming) Aereo bị kiện vi phạm luật bản quyền khi tự ý phát lại nội dung truyền hình trên nền tảng trực tuyến. Phán quyết của tòa cho thấy dù Aereo có đăng ký trả tiền cho nội dung từ các đài truyền hình và nhà sản xuất nội dung truyền thống như CBS Corp, NBC, Walt Disney và Twenty-First Century Fox, song không được phép sử dụng và phát lại các nội dung này cho người xem khác, dù là truyền phát miễn phí.

Đây được xem là một trong những vụ kiện đi đầu và mang tính “răn đe” ở thời điểm đó, khi hàng loạt kênh streaming mới ra đời không đầu tư sáng tạo nội dung mà chỉ dẫn lại các chương trình truyền hình, phim ảnh. Từ vụ việc này đã hình thành những quy định khắt khe hơn về quản lý các dịch vụ trình chiếu về sau này ở Mỹ. Theo Reuters, năm ngoái, dịch vụ streaming Locast chuyên bắt sóng lại tín hiệu từ các đài truyền hình địa phương và truyền phát qua internet để cho phép người Mỹ truy cập truyền hình miễn phí, đã phải dừng dịch vụ vĩnh viễn và nộp phạt 32 triệu USD sau khi thua kiện vi phạm bản quyền của bốn mạng truyền hình lớn.

Song hiện nay, việc quản lý phát lại nội dung, đặc biệt là với những dịch vụ lưu trữ đám mây đang lưu hàng nghìn chương trình truyền hình, âm nhạc và nội dung khác trên internet thông qua các máy chủ của các “gã khổng lồ công nghệ” như Google, Microsoft... vẫn còn nhiều trở ngại. Ngoài ra, các nền tảng xã hội Facebook hay YouTube đều từng vướng cáo buộc tiếp tay cho những tài khoản phát tán phim lậu hoặc sử dụng hình ảnh, ca khúc, nội dung có bản quyền mà không xin phép. Ở Việt Nam và một số nước, tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số khá phổ biến, đặc biệt là hiện tượng cắt ghép video từ các phim nổi tiếng để phát lại nhằm “câu view” (tăng lượt xem) trên mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube.

Vi phạm sở hữu trí tuệ có thể diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và trên mọi nội dung, từ tải nhạc bất hợp pháp, xem phim trên web phim lậu cho đến sử dụng hình ảnh chưa được sự đồng ý... Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các loại hình hoạt động trên không gian số, việc bảo vệ tác phẩm gốc khỏi bị sao chép hoặc sử dụng sai mục đích, vi phạm bản quyền trên mạng Internet ngày càng trở nên phức tạp.

Tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số ảnh 1

Quản lý bản quyền là công việc đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan. Ảnh: GETTY

Kinh nghiệm chống vi phạm bản quyền số

Vừa qua, một loạt đài truyền hình và nhà sản xuất nội dung số của Hàn Quốc đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) phối hợp các nền tảng như YouTube, Facebook để xây dựng hệ thống hỗ trợ liên quan việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm bản quyền qua các cổng thông tin tìm kiếm, qua đó góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền trên các nền tảng này. Giới chức Hàn Quốc đã cải cách các thủ tục, quy định, pháp luật để theo kịp và hỗ trợ công tác bảo vệ bản quyền, trong đó có bản quyền truyền hình và các nội dung số. Hàn Quốc cũng thành lập đội ngũ “cảnh sát bản quyền” chuyên điều tra, giải quyết các vụ việc về bản quyền.

Theo Báo cáo Sở hữu trí tuệ thế giới của WIPO, tính đến năm 2020, các nhà đổi mới có trụ sở tại Nhật Bản nắm giữ 25% bằng sáng chế liên quan công nghệ thông tin trên thế giới, tiếp theo là Hàn Quốc với 18% và Trung Quốc là 14%. Các quốc gia này cũng có ngành công nghiệp bản quyền trực tuyến rất lớn, đã không ngừng tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ cứng rắn dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ dữ liệu lớn (Big data) để bảo vệ các tác giả và nhà sáng tạo nội dung, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền.

Ngày nay, các giải pháp công nghệ, ứng dụng chống lại các hình thức vi phạm về bản quyền đối với từng loại nội dung khác nhau, từ hình ảnh, văn bản cho đến đoạn phim ngày càng phổ biến. Trong đó, một hướng đi mới là ứng dụng công nghệ blockchain để ngăn chặn ngay từ đầu các vi phạm về bản quyền, nổi bật là công nghệ NFT (Non-Fungible Token, tạm dịch “Mã thông báo không thể thay thế”), giúp nhà sáng tạo có thể theo dấu mọi truy cập, lượt xem, lượt tải về hay lượt chia sẻ đối với tác phẩm của mình.

Những “dấu vết online” đó được lưu lại như một bản hồ sơ lý lịch chứng tỏ sự thịnh hành của tác phẩm, đồng thời cũng sẽ đi cùng với quyền sở hữu sản phẩm đó. Chẳng hạn, khi mua một bức tranh NFT, người sở hữu toàn quyền sử dụng, khai thác, bán lại chúng. NFT dựa trên công nghệ blockchain có tác dụng lưu giữ các dữ liệu liên quan như thời gian, địa điểm và nhận dạng của người sáng tạo nội dung. Dữ liệu trên nền tảng blockchain được bảo vệ bằng mật mã nên sẽ giúp tác giả bảo vệ sản phẩm của mình không bị vi phạm hoặc ăn cắp bản quyền.

Ngoài ra, một số quốc gia đang đẩy nhanh quá trình xem xét, sửa đổi tăng tính ràng buộc pháp lý và mức hình phạt đối với vi phạm sở hữu trí tuệ trên internet. Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, các nhà lập pháp Mỹ đang xem xét Dự luật Bảo vệ và cạnh tranh báo chí, trong đó có thể cho phép một số tờ báo và đài truyền hình địa phương tham gia vào một nhóm thương lượng chung với “các nhà phân phối nội dung trực tuyến”, cụ thể là Google, Meta (Facebook), Apple, Amazon và Microsoft, để tăng tiền bồi thường cho nội dung báo chí. Theo AP, dự luật có thể cho phép đại diện của các đơn vị báo chí, xuất bản ấn định mức thu phí hợp lý hơn với các “gã khổng lồ công nghệ” đang sử dụng hoặc đăng tải, dẫn lại sản phẩm và nội dung; đồng thời cũng sẽ xem xét lại các quy định liên quan việc kiểm duyệt nội dung và bảo vệ bản quyền trực tuyến.