Tìm hướng cho nhà rường Huế

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn giá trị nhà rường truyền thống Huế là xu hướng phát triển du lịch bền vững. Đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp Thừa Thiên Huế vừa đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội thông qua các hoạt động du lịch mà vẫn bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn giá trị các văn hóa.

Làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) là nơi còn rất nhiều nhà rường có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.
Làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền) là nơi còn rất nhiều nhà rường có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.

Những thách thức đang có

Là một trong những người trực tiếp khảo sát nhà vườn - nhà rường Huế vào những năm 2000, TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng nhà vườn - nhà rường là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt chứa đựng, gắn liền đời sống văn hóa của cộng đồng (gia tộc, làng xã, quốc gia) với những phong tục tập quán, đời sống lễ nghi, gia giáo - gia pháp - gia phong, hương ước lệ làng, điển chế quốc gia cùng hệ thống biểu tượng gắn liền khát vọng phồn thực, quốc thái dân an… Cho nên, nhà rường chính là không gian lưu giữ, trao truyền di sản Huế, di sản dân tộc, làm nổi bật vai trò chủ nhân - chủ thể di sản văn hóa trong chính không gian ngôi nhà và cả di sản ngành nghề mộc xây dựng nên.

Tuy nhiên, qua hàng trăm năm tồn tại, di sản kiến trúc nhà rường cũng chịu nhiều tác động phân rã của cả thiên nhiên lẫn con người. Di sản này, do nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan, đang đẩy nhanh quá trình phân rã mà nguyên nhân bởi thừa tự, thừa kế và nguyên nhân kinh tế. 

“20 năm nay vấn đề nhà vườn - nhà rường vẫn chưa được nhìn nhận, xem xét một cách cụ thể, thiết thực hơn trong vai trò, vị thế là một phần đặc hữu của di sản văn hóa Huế”, ông Hằng nói. Theo đó, những khó khăn, thách thức trong hành lang pháp lý, cơ chế điều hành quản lý của Nhà nước cho đến vấn đề thừa kế, chức năng hương hỏa và vấn đề đa sở hữu, điều kiện kinh tế căn bản để duy tu bảo dưỡng cho đến sở thích của con người từ bên trong di sản cũng như bên ngoài, phương thức trùng tu chìa khóa trao tay... cần phải được xâu chuỗi thống nhất để cùng nhau tháo gỡ, xử lý một cách hiệu quả. 

Giải quyết được những vấn đề đó thì di sản nhà vườn - nhà rường xứ Huế mới phục hồi được sinh khí đặc trưng vốn có, sẽ càng được trân trọng, tôn vinh và phát triển trong bối cảnh đô thị di sản Huế đang sẵn có nhiều giá trị đặc trưng.

Lợi thế nhưng còn bất cập

TS Nguyễn Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, để giải quyết những khó khăn, thách thức trước mắt đối với hoạt động khai thác các sản phẩm du lịch gắn với tham quan, trải nghiệm các nhà rường truyền thống cần có sự chung tay phối hợp của nhiều phía. 

Đó là từ cơ quan quản lý và đơn vị chuyên môn, các công ty lữ hành và của cả cộng đồng địa phương nhằm đưa các điểm tham quan du lịch nhà rường vào các tuyến du lịch cụ thể. Cùng với đó là thúc đẩy loại hình dịch vụ du lịch này ngày càng phát triển theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Hoạt động dịch vụ này khi đã triển khai phát triển tốt sẽ góp phần cho du lịch Huế được phát triển bền vững theo các tiêu chí giá trị di sản được bảo tồn, cảnh quan môi trường và lịch sử được gìn giữ và tôn trọng, con người thân thiện và các hoạt động dịch vụ đậm giá trị văn hóa truyền thống.

Theo ông Giang, việc tham quan các nhà rường truyền thống kết hợp các điểm di tích kiến trúc, văn hóa, lịch sử truyền thống tại các địa phương là một trong những lợi thế riêng có của Huế, tuy nhiên, hiện việc khai thác này vẫn còn sơ sài. “Một số chủ nhà hoặc người đang quản lý, bảo vệ, hương khói không muốn bị làm phiền, không hợp tác cùng các đơn vị lữ hành trong việc khai thác các dịch vụ để phục vụ khách du lịch. Hoặc nếu có hợp tác, phối hợp thì việc triển khai vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa được sắp xếp bài bản, chuyên nghiệp”, ông Giang nói. 

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, để khắc phục được những vấn như đã nói trên, cần đưa ra giải pháp, chiến lược lâu dài cho chuyện bảo tồn và phát triển. Ông Lê Đắc Nguyên Xuân, Chủ tịch Công ty Huế Xuân & Lê Gia, đơn vị chuyên trùng tu các ngôi nhà rường Huế cho rằng, cần thành lập Bảo tàng nhà rường xứ Huế, bên cạnh đó giới thiệu nhà rường Huế rộng rãi trên các cổng thông tin. Cùng với đó, tính toán số hóa sản phẩm nhà rường Huế để cấp mã nhận diện, cấp quyền sở hữu trí tuệ và xa hơn, đưa chương trình giảng dạy về cách thức xây dựng nhà rường Huế vào trường học để tránh mai một về sau.

“Lý do dẫn đến tình trạng này là do chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị cung ứng khách cũng như việc phân chia nguồn lợi không sòng phẳng giữa các đơn vị lữ hành đối với chủ nhân của các nhà rường”, TS Nguyễn Hữu Thùy Giang nhận xét.