1/Với tôi, việc tìm tòi một phương pháp hướng dẫn trẻ em gốc Việt học và hiểu được vẻ đẹp tiếng Việt là một câu chuyện hết sức tự nhiên, từ khi còn là cô sinh viên năm thứ nhất trở thành gia sư tiếng Việt và tiếng Nga cho nhiều em bé Việt. Cho đến khi chính tôi cũng làm mẹ trong sự thấp thỏm lo sợ con mình “mất gốc”, không thể tâm tình sâu sắc với nhau bằng tiếng Việt được.
Tôi nhớ, một phụ huynh học sinh tôi dạy kèm - một ông bố Việt - bày tỏ sự vui mừng khi cô bé con anh bắt đầu líu lo tiếng Việt với anh ở nhà, trong gia đình bà ngoại và mẹ là người Nga. Anh rất ngạc nhiên là tôi có thể khiến cô bé chịu nói tiếng Việt trong khi trước đó bé rất căng thẳng mỗi khi đến giờ học và thường miễn cưỡng sử dụng tiếng Việt để bố tạm hài lòng. Anh bảo, ban đầu thấy tôi toàn bày trò chơi, lại nói chen cả tiếng Nga vào - anh không nghĩ là tôi sẽ thành công. Anh còn đề xuất… tôi nghĩ đến một luận án tiến sĩ về đề tài này!
Ngày đó tôi còn là sinh viên nhưng việc lựa chọn đi nghe giảng chuyên đề về phương pháp dạy học đã giúp tôi có một định hướng vững vàng và ngày càng rõ nét về cách tiếp cận người học. Thay vì ngay lập tức đưa ra một khung chương trình với biết bao yêu cầu cần đạt về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, năng lực nghe, nói, đọc, viết… phải bắt đầu từ việc nghiên cứu đối tượng học, nhu cầu của học sinh, những khó khăn, nỗi sợ, lỗi sai - những gì làm nên barie về tâm lý ngăn trở việc tiếp nhận ngôn ngữ.
Tôi dần thử lựa chọn ngữ liệu, sử dụng các phương pháp tương tác khác nhau, đáp ứng nhu cầu của từng học sinh tôi dạy, đồng thời quan sát, đánh giá và ghi chép các vấn đề khó của mỗi em, từ đó tìm ra cách hóa giải cái khó đó. Cho đến khi tôi nhìn ra được hệ thống lỗi của các em gốc Việt ở nước ngoài - đấy là một bước trưởng thành của cô giáo dạy tiếng Việt. Tôi đưa ra được quy trình xử lý lỗi dựa trên sự lý giải về tâm lý trẻ, tâm lý văn hóa và ngôn ngữ bản địa, tìm cách cho các em thấy sự thú vị xuất hiện ngay ở nơi khó nhất.
Trại hè “Vui cùng tiếng Việt - Warszawa 2012” - trại đầu tiên TS Thụy Anh thiết kế. |
2/Phải nói thêm là, ba năm tôi không đi làm mà ở nhà chăm con trai, đọc sách, làm thơ, bày trò chơi với con… là khoảng thời gian “được” nhất của tôi! Và cũng là lúc tôi hiểu ra sâu sắc sự khác biệt giữa một đứa trẻ nước ngoài học tiếng Việt so với đứa trẻ gốc Việt học tiếng Việt ở nước ngoài. Các bé có một “môi trường sinh ngữ” riêng - chính là ông bà, bố mẹ, cộng đồng người Việt ở địa phương đó. Việc của người viết sách hoặc dạy tiếng Việt là tìm cách “kích hoạt” môi trường sinh ngữ ấy, làm sao cho họ tham gia để tạo không chỉ môi trường ngôn ngữ mà còn phông nền tạo ra cảm xúc tích cực cho người học.
Từ năm 2012 tôi mới bắt tay vào nghiêm túc thực nghiệm - năm nào cũng dành thời gian sang châu Âu - đi, làm và học. Những nghiên cứu, đề xuất phương pháp, thực nghiệm tôi hoàn toàn tiến hành độc lập với sự hậu thuẫn của Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, sự hỗ trợ và cho phép đồng hành từ phía cộng đồng - các anh chị trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Ba Lan), Hội người Việt Stuttgart (Đức), Hội người Việt Nam tại Pháp, nhóm Cánh diều, Về nguồn ở Paris…
Như đã viết trong Lời nói đầu của cuốn sách “Chào tiếng Việt!”, đây là sự tập hợp và hệ thống lại những nội dung tôi đã từng thực hiện ở các trại xuân, trại hè, trại thu, các lớp học tiếng Việt nhiều năm qua. Tôi phụ trách xây dựng phương pháp và nội dung, điều hành lớp; bà con cộng đồng, các trường, nhóm đứng ra tổ chức, đầu tư sức người sức của, huy động các chuyên gia nhiều lĩnh vực tham gia.
Giáo trình được xây dựng đầy đủ và trọn vẹn hơn nhờ sự tư vấn của các biên tập viên chắc tay về kiến thức tiếng Việt và nhóm họa sĩ tuyệt vời đầy sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam, sự bám sát hỗ trợ tổ chức bản thảo của Trung tâm công nghệ giáo dục. Hình ảnh minh họa chi tiết, bay bổng cũng giúp chuyển tải nội dung, phương pháp dạy và học. Tôi không thể quên được những đêm ê-kíp làm sách thức với nhau thành “kiềng ba chân” trong cõi mạng - tác giả viết gửi biên tập viên; biên tập viên sửa, chuyển cho họa sĩ; họa sĩ nhận ý tưởng, phác thảo rồi gửi lại tác giả… Một đêm biết bao “vòng quay sáng tạo” như thế được thực hiện. Chúng tôi không còn quan tâm đến việc gì khác ngoài một con mèo gốc Việt, lại còn ở cương vị thuyền trưởng dong buồm đi học đường bờ biển Việt Nam! Bí kíp của tôi là: một nhân vật không rõ độ tuổi sẽ giúp tiến hành hội thoại, tham gia xử lý nhiều tình huống ở các độ tuổi lớn hơn, linh hoạt và không đơn điệu.
3/Tôi rất hạnh phúc đã chia sẻ được định hướng nghiên cứu của mình với các thầy, cô giáo. Tôi cũng vui mừng khi thấy những nỗ lực kết nối của tôi giữa ngôn ngữ và văn hóa bản địa và Việt Nam. Trẻ em cảm nhận được sự tương đồng, khác biệt của các ngôn ngữ, các nền văn hóa. Trong mối giao lưu thú vị ấy, các em sẽ sẵn sàng quan tâm đến tiếng Việt, hào hứng xung phong thực hiện nhiệm vụ liên quan, tự hào khi vượt qua được các thử thách.
Khi đã muốn làm, đã có động lực, thì việc học tiếng Việt sẽ không còn là một “gánh nặng” vô hình đến từ sự mong muốn chính đáng của ông bà, bố mẹ: giữ gìn tiếng Việt cho con.