Thuộc về vương quốc của trái tim

Ra mắt ngay những ngày xuân này, tập Tạp văn “Đẹp, buồn và sâu thẳm…” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của nhà văn Bích Ngân như một món quà xuân đầy lắng đọng và chiêm nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Thuộc về vương quốc của trái tim

Như lời chia sẻ của chính nữ nhà văn “Tạp văn, trước hết là câu chữ. Sau cùng vẫn là câu chữ. Câu chữ. Chữ câu. Chúng diễu hành. Không làm đẹp mắt. Càng không làm đẹp lòng. Sự diễu hành của tâm thế, của khí chất, của ưu tư, của khát vọng”, gần 50 bài viết là những góc nhìn đời thường nhưng tự khắc rung chạm đến bạn đọc một nỗi niềm thương tưởng miên man.

Lần giở 200 trang sách, độc giả chầm chậm trôi theo một giọng kể thủ thỉ, nhẩn nha, khoan nhặt mà ở đó chính người đọc như bắt gặp những câu chuyện rất dung dị, những lát cắt nhỏ, những tiểu tiết thô mộc nhưng đầy quyến dụ. Bằng những trải nghiệm của chính cuộc đời mình, mỗi một sự việc diễn ra, nữ nhà văn thu về tầm mắt và soi chiếu bằng lăng kính đa chiều kích của người viết. Chị kể chuyện Sài thành đi qua đại dịch bằng một tâm thế an tĩnh giữa trùng vây rào dây phong tỏa, giữa vọng vang còi hú, giữa những xót xa đớn đau, con người ta vẫn nhìn về những ban mai chim hót véo von, chồi non cũng biếc xanh hơn và tâm khảm chúng ta ngay thời khắc ấy cũng riết róng sống một cuộc đời góp phần có ích bằng một sự “canh chừng”. Đó chính là tìm nhau trên mạng xã hội, gọi điện thoại cho nhau hằng ngày, đọc chia sẻ của nhau để biết bạn bè người quen vẫn còn bình yên. Canh chừng nhau từng buổi, từng ngày tưởng chỉ là điều nhỏ nhặt, nhưng kỳ thực đó chính là yêu thương. Đôi khi trong cuộc đời này, con người ta ai cũng canh chừng và cần được canh chừng như thế. Sự canh chừng nhau đầy nhân nghĩa.

Nhà văn Bích Ngân gần như vẫn giữ một nhịp làm việc rất năng động và khỏe khoắn. Đôi khi vẫn bắt gặp chị thức rất sớm và ghi những dòng cảm nhận về một điều gì đó, một việc bắt gặp hoặc một con đường, góc phố chị đi qua, những câu chữ ấy có lúc chỉ vừa tầm 4-5 giờ sáng. Rồi cứ vậy lại ngược xuôi nam-bắc liên tục cho công tác. Sống, đi và viết, ấy vậy mà trái tim rung cảm của nữ nhà văn vẫn như thuở xanh tươi rộn ràng nhiều mạch nguồn. Trong tập tạp văn này, chị kể những sớm Hà Nội bên hồ Gươm nhớ thơ Trần Đăng Khoa, những góc phố mùa thu, những tách cà-phê nhớ thơ của nhà văn Nguyễn Đình Thi, hay từ tầng 26 của Đà Nẵng với biển xanh nắng vàng và lòng người thanh thản… Nhiều lắm những câu chuyện dặm dài của người đàn bà vẫn khát chữ thiện, vẫn mong điều lành, vẫn vọng tâm an. Quãng đời trải dài mênh mông, đường rộng, trời cao, nhưng bước chân đi gần xa đâu quan trọng bằng mỗi chuyến đi lưu lại gì trong ta?

Mỗi một câu chuyện trong cuộc đời này vốn dĩ đều mang một sứ mệnh. Sứ mệnh ấy dẫn dắt cảm xúc của người viết, dệt nên câu chữ và lưu giữ vào lòng người đọc. Có thể ngay tức khắc, hoặc một lúc nào đó, câu chữ ấy như tiếng chuông ngân vang âm ba trong chính suy nghĩ của chúng ta nếu bắt gặp lại câu chuyện đó giữa nhan nhản ảnh hình lướt qua mắt mình. Tiếng chuông vốn dĩ thường buồn, nhưng bằng một cách tĩnh tại mà cảm nhận thì tiếng chuông rất đẹp và sâu thẳm. Như chính nhà văn Bích Ngân viết: “Đẹp, buồn và sâu thẳm luôn thuộc về vương quốc của trái tim”.