Thêm hạ tầng cho xe đạp đô thị

Được biên soạn và xuất bản bằng tiếng Việt, dựa trên bài học kinh nghiệm từ các dự án an toàn đường bộ và thí điểm phát triển hạ tầng xe đạp gần đây tại các thành phố của Việt Nam cũng như các nghiên cứu điển hình trên thế giới, bản “Hướng dẫn Thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” vừa được Bộ Xây dựng giới thiệu để các nhà quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị và các nhà quản lý sử dụng như một tài liệu tham khảo khi xây dựng và triển khai dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ lệ sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh đã khiến đường dành cho xe đạp ngày càng bị thu hẹp.
Tỷ lệ sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh đã khiến đường dành cho xe đạp ngày càng bị thu hẹp.

Việc cần làm ngay

Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến áp lực quản lý và cung cấp các dịch vụ công đô thị, bao gồm những vấn đề liên quan đến giao thông đô thị và môi trường. Hệ thống đường đô thị hiện tại thiết kế dành cho giao thông cơ giới tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những nhóm tham gia giao thông dễ bị tổn thương, trong đó có người đi xe đạp. Trong khi đó, các đường phố nhỏ lại không có đủ không gian và cơ sở vật chất cho người đi xe đạp và người đi bộ. Chính vì vậy, thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị dựa trên bài học kinh nghiệm từ các dự án an toàn đường bộ và thí điểm phát triển hạ tầng xe đạp tại các thành phố của Việt Nam là việc cần làm ngay.

Phát triển cơ sở hạ tầng xe đạp được xem là yếu tố cơ bản trong việc phát triển thành phố trở nên đáng sống, an toàn và bền vững hơn. Với bản “Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị” lần đầu tiên, các nhà biên soạn đã khuyến nghị các giải pháp thiết kế hạ tầng giúp người đi xe đạp an toàn và thuận tiện nhằm thúc đẩy xe đạp trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày, phù hợp mọi lứa tuổi và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau với kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng các thành phố “xanh”, an toàn và đáng sống hơn.

Sự ra mắt hướng dẫn này là minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề dân số đô thị đang tăng nhanh, dự báo sẽ đạt 50% tổng dân số Việt Nam vào năm 2025. Hướng dẫn bao gồm các đề xuất trên phạm vi rộng, tập trung vào năm lĩnh vực hành động chính gồm: Thiết kế cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp; Thiết kế nút giao thông dành cho xe đạp; Thiết kế nhằm giảm thiểu xung đột; Tín hiệu giao thông, vạch kẻ đường, biển báo giao thông và Công trình phụ trợ.

Chiến lược hiệu quả với chi phí thấp

Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết: Hướng dẫn cung cấp các giải pháp trên cả phương diện lý thuyết và kỹ thuật cho các vấn đề hạ tầng xe đạp, phù hợp tiêu chuẩn 13592:2022 Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế tại Việt Nam mới được ban hành. “Xe đạp là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hằng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết quốc gia của Việt Nam về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từ năm 1990 trở về trước, đô thị Việt Nam là đô thị phi cơ giới, phương tiện giao thông được sử dụng chính là xe đạp. Tuy nhiên, từ năm 2000 các đô thị lớn lại chủ yếu là xe máy. Ưu điểm của loại hình phương tiện giao thông này là dễ tiếp cận, song bất cập là nguy cơ gây tai nạn giao thông lớn. “Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh đã khiến xe đạp ít được sử dụng hơn tại khu vực đô thị. Cùng với đó những bất cập về hạ tầng, thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ người đi xe đạp khiến cho loại phương tiện thân thiện với môi trường mà nhiều nước đang khuyến khích sử dụng này dường như không có cơ hội để phát triển”.

Đại diện Tổ chức HealthBridge Việt Nam nhận xét xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp phối hợp các dự án giao thông công cộng khác sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông và tối đa hóa lợi ích từ các khoản đầu tư. “20% lượng phát thải toàn cầu thuộc về ngành giao thông vận tải, trong khi đó xe đạp là phương tiện dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe, thân thiện môi trường và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Với vai trò là một phương tiện giao thông bền vững, xe đạp không những giảm ô nhiễm và giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường mà còn giúp cải thiện sức khỏe, sự công bằng trong tham gia giao thông và hạnh phúc cho người dân”.

Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và năm thành phố trực thuộc trung ương (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ) xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên triển khai dịch vụ xe đạp công cộng. Dịch vụ này sau đó lan rộng đến nhiều tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Dương, Bình Định, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế... Việc thuê xe đạp công cộng rất đơn giản, người dân chỉ cần có điện thoại di động kết nối mạng là có thể tìm vị trí thuê, mở khóa và thuê xe. Sau khi kết thúc chuyến, có thể đưa xe về trạm gần nhất để trả.