Thăm “ga Hà Nội” ở Brussels

Vừa bước vào Hà Nội station ở quận Etterbeek (Brussels, Bỉ), con gái nhỏ của tôi kéo giật tay mẹ lại “Có đèn giao thông kìa”. Quán tính mách con bé dừng lại, chờ đèn đường phát tín hiệu cho đi tiếp.
0:00 / 0:00
0:00
Đào Hồng Hải trong nhà hàng Hà Nội station ở Brussels. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Đào Hồng Hải trong nhà hàng Hà Nội station ở Brussels. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Còn tôi đã ngửi thấy ngạt ngào mùi phở, tín hiệu cho phép vào ga, lên tàu gặp đồng hương nói chuyện về quê đây rồi…

Thực khách chung quanh đều người bản xứ. Hai bà cụ tranh thủ hàn huyên khi chờ món. Anh chàng bê phở và bún chả cũng không phải đồng hương. Bàn bên, một người cha vừa đón con gái ở trường về, tranh thủ tạt vào quán làm bát phở cho ấm bụng. Hầu như không thấy cảnh bia rượu cà kê, check-in chụp ảnh, mở máy tính tranh thủ làm việc bên ly

cà-phê chầm chậm nhỏ giọt. “Concept” chuẩn không khí một nhà ga, phù hợp tâm ý chủ quán Đào Hồng Hải khi mở Hà Nội station giữa lòng thủ đô nước Bỉ.

“Phí vào ga”

Xác định kinh doanh nhưng gắn với quảng bá một không gian nguồn cội, một giá trị văn hóa đậm sở thích cá nhân ở xứ người, phải đòi hỏi cả lòng dũng cảm. Đào Hồng Hải, mới nghe tên đã thấy rõ người sinh ra bên “Một con sông dịu dàng như lục bát/một con sông phập phồng muôn bắp thịt/một con sông đỏ rực/nhuộm hồng nâu da người/Ôi Sông Hồng, mẹ của ta ơi...” (thơ Lưu Quang Vũ). Hải kể với tôi: “Mình đăng tin tuyển việc, thiện ý tạo công ăn việc làm cho đồng hương, mà bị nói: Trang hoàng quán xá thế ai mà vào chứ? - Hỏi lại: Mỗi người một sở thích, chẳng lẽ phải làm khác mình hay sao? - Nhận ngay lời đáp xẵng: Về nhà vắt tay lên trán nghĩ kỹ đi!

Nghĩ kỹ rồi mới làm đấy chứ. Đầu tư làm quán ở xứ người, không nghĩ sao được. Gần chục năm trước, dán ảnh Bác Hồ tràn bức tường lớn ngay lối vào nhà hàng, mang tranh cổ động “Giữ lấy quê hương, giữ lấy tuổi trẻ”, “Bảo vệ thiếu nhi”, “Việt Nam trong trái tim tôi”, “Sẵn sàng làm nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc”, “1975 mùa xuân sum họp”, “Théatre Chèo Việt Nam”... treo đầy tường, không có đam mê chắc chẳng dám làm.

Người ngoài nói là chuyện của họ. Khó nhất vẫn là thuyết phục bản thân bỏ tất cả vốn liếng tích cóp sau mấy năm du học và quần quật làm thêm trong các căn bếp nhà hàng Việt khắp Bỉ. Hải vẫn nhớ “Lúc đó tôi chỉ có khoảng 30 nghìn euro trong tay. Hằng ngày ngồi xe bus qua đường Keltenlaan, thấy một quán Việt ở đây có vị trí đẹp quá, thầm mơ mình cũng mở được cái nhà hàng như vậy. Bỗng một hôm thấy chính chủ quán ấy treo biển nhượng nhà hàng, mừng phát khóc. Đến hỏi thì biết riêng phí vào cửa người ta định giá khoảng 200 nghìn euro rồi”.

Nằm ngay đường phố sầm uất bậc nhất Brussels, công gây dựng hàng quán từ những ngày đầu khó khăn, đến khi có thương hiệu và lượng khách ổn định rồi, họ quát “phí vào cửa” hay nói vui là “phí vào ga” cho chủ mới tiếp quản như vậy cũng là cái lý kinh doanh hợp lý ở xứ này.

Vấn đề là kiếm đâu ra ngay khoản “phí vào ga” lớn như vậy. Và ai dám đầu tư cho một người có kinh nghiệm làm bếp nhưng không đồng nghĩa có kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng? “Tôi phải sang Séc học nấu phở trước để cho chồng mình, một trình dược viên người Bỉ nhiều kinh nghiệm thấy được quyết tâm thật sự của vợ. Thuyết trình mô hình kinh doanh với chồng xong, tiếp theo là ngồi nghe chất vấn đủ kiểu của chủ bất động sản khu vực đó. Hai vợ chồng tự tay chọn từng đồ trang trí cho nhà hàng xong, anh ấy mới quyết định dồn vốn cùng mình mở Hà Nội station”, Hồng Hải kể.

Sắp có thêm món… sách

Rõ ràng, chủ đề và cách trang trí một Hà Nội station giữa lòng Brussels của Hải cũng đồng nhất với chồng, cổ đông lớn của nhà hàng. Anh củng cố niềm tin cho vợ: “Cách trang trí này cho thấy rõ nhất cảm xúc em dành cho Hà Nội. Anh cũng thích Hà Nội theo cách ấy. Mình phải dũng cảm bày tỏ tình yêu của mình mới thuyết phục được người khác”.

Chủ trương không bán bia rượu, trà thuốc để tránh ngồi lâu, lấy ăn ngon làm chủ đạo, không khí như nhà ga chia tay lượt khách này để đón ngay lượt khách khác. Khách cũng đồng ý chủ trương “đánh nhanh thắng nhanh” ấy. Hà Nội station thành công về cơ bản vẫn phải là phở ngon, nước ngọt, bánh phở mềm và ngấm. Kinh doanh ở Bỉ có cái khó và dễ riêng, quan trọng phải hiểu luật để vận hành “Người ta có quy định là trong không gian ấy, cách bao nhiêu khu phố sẽ không được mở quá một nhà hàng Việt trùng món, không duyệt nội dung - công thức kinh doanh ẩm thực giống nhau. Như vậy, mình mới yên tâm là thương hiệu, món ăn chính của mình không bị làm nhái và cạnh tranh không lành mạnh”, Hồng Hải cho biết.

Sinh viên Việt muốn kiếm thêm chi phí trang trải khi du học Bỉ cứ tìm đến chị Hải/cô Hải là được dạy nghề, có việc. Định vị một “nhà ga”, treo cả đèn giao thông lên quán, Hải đã khảng khái cho mình cái quyền chọn khách nào biết tuân thủ tín hiệu để mời vào.

Thành công đến rõ ràng không chỉ ở doanh thu. Hải cùng chồng còn đang đặt “ga” mới ở quận Sint-Lambrechts-Woluwe và một số nơi khác tại Brussels, đồng thời mở ra nhiều giá trị tinh thần khác, đặc biệt là ý nghĩa lan tỏa văn hóa Việt ở xứ người. Cụ thể, tới đây Hồng Hải sẽ hợp tác với Kênh Việt happiness station (kênh chuyên sản xuất các podcast, video và tin tức phục vụ người Việt xa xứ, có trụ sở ở Bỉ) để tiếp tục triển khai dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài”.

Trong hệ thống nhà hàng Việt ở Brussels, bước vào Hà Nội station, thấy có thêm tủ sách Việt, đặc biệt là sách song ngữ, sách tiếng nước ngoài có nội dung về đất nước-con người-lịch sử-văn hóa-văn học-du lịch-nghệ thuật-ẩm thực... của Việt Nam. Như thế sẽ giúp cho nhà hàng bổ sung vào thực đơn những món ăn bổ dưỡng về tâm hồn, phù hợp mối quan tâm của người Việt xa xứ và người bản xứ.