Tăng cường hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Sau những vụ bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây nhức nhối dư luận gần đây, nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (HS) càng trở nên một yêu cầu cần thiết trong môi trường trường học.

Một giờ học kỹ năng sống. Ảnh: HẢI ANH
Một giờ học kỹ năng sống. Ảnh: HẢI ANH

Nhiều văn bản… chưa đủ

Thống kê từ phía cơ quan công an cho thấy, trong quý I-2019, lực lượng công an đã ghi nhận 310 vụ bạo lực học đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trách nhiệm cũng được chỉ ra ở nhiều phía. Nhìn lại những sự việc xảy ra, có thể thấy ngoài vấn đề xem xét trách nhiệm của các bên liên quan, đã đến lúc cả nhà trường, gia đình và xã hội phải chung tay trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực và nghiêm túc.

Từ Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), về việc ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, nhiều địa phương đã cấp tập thực hiện tùy theo tình hình của địa phương mình. Kéo theo đó là việc ra đời hàng loạt trung tâm giáo dục kỹ năng. Các trường được chọn lựa trung tâm giáo dục kỹ năng và bố trí việc học cho HS trên tinh thần tự nguyện hưởng ứng của phụ huynh HS. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng cho HS, như rèn luyện đạo đức, lối sống; văn hóa giao tiếp, ứng xử; các kỹ năng mềm; kích thích giác quan tư duy; khám phá, cải thiện nhân cách bản thân…

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống cho HS hiện nay còn nhiều điều cần bàn. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương, vùng miền. Còn nhiều trường lồng ghép hoạt động này vào các môn học, hoặc đưa vào hoạt động chung theo hình thức ngoại khóa cho HS, vì thế thiếu chiều sâu, thiếu chuyên nghiệp. Phần lớn các nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết mà thiếu thực tế, ứng dụng. Việc học tập trung với số lượng quá đông HS khiến những buổi học kỹ năng giống như những buổi báo cáo chuyên đề. Nhiều chương trình học còn bất hợp lý, chưa phù hợp lứa tuổi HS.

Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận xét: “Tôi có hai đứa con, đứa học lớp 1 và đứa lớp 3. Khi xem chương trình học kỹ năng của hai cháu, tôi chẳng thấy khác nhau là mấy. Rất nhiều các bài học và bài nào cũng rất cần thiết nhưng tôi lo là kết quả đọng lại trong các cháu chẳng được là bao”.

Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT): Thời gian qua, Bộ đã ban hành hơn 10 văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và nhiều quy định về việc triển khai giáo dục kỹ năng sống. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nhà trường thì chưa đủ, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần sự hỗ trợ thường xuyên của gia đình và cộng đồng, bắt đầu từ những tình huống xảy ra hằng ngày.

Cần giảm lý thuyết, tăng vận dụng

Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại, kỹ năng ứng phó với nguy cơ rủi ro cho HS các cấp học trên địa bàn. Theo ghi nhận chung, nội dung các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng với HS đã dành nhiều thời gian để HS thực hành, nhận diện các tình huống có vấn đề và đưa ra cách xử trí. Đặc biệt, việc tổ chức cho HS xây dựng, biểu diễn tiểu phẩm; trả lời câu hỏi trắc nghiệm hoặc sử dụng tranh, ảnh, clip để HS xác định các tình huống nguy hiểm là cách làm khiến các em khá hào hứng.

Bà Chử Thị Thúy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Anh cho biết: Với đặc điểm vùng nông thôn, gần 50% số HS tiểu học tự di chuyển hằng ngày từ nhà đến trường, phòng đã chỉ đạo 29 trường tiểu học trên địa bàn tăng cường lồng ghép nội dung kỹ năng sống vào các tiết học và hoạt động ngoại khóa. Riêng Trường tiểu học Kim Chung, do thuộc địa bàn có khu công nghiệp, dân số tăng nhanh, nhà trường và phụ huynh HS đã tăng cường nhắc nhở các em về những nguy cơ rủi ro có thể nảy sinh để HS nhận diện, biết cách ứng phó.

Là một trong những đơn vị có số lượng HS lớn nhất huyện Đông Anh, vài tuần nay, Trường tiểu học Uy Nỗ đã dành hai tiết học cuối của buổi chiều thứ năm hằng tuần để giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức chuyên đề giáo dục kỹ năng sống. Bà Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng nhà trường nhận định: Với hơn 1.800 HS, việc tổ chức học chuyên đề tại từng lớp đã giúp HS dễ chia sẻ những khúc mắc hoặc nguy cơ có thể dẫn đến những mâu thuẫn, va chạm... Qua đó, tìm ra phương án xử lý trong các tình huống cụ thể.

Còn tại Trường THCS Tân Mai, quận Hoàng Mai, HS khá háo hức khi phần lớn thời gian các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc hoạt động ngoại khóa đều dành cho nội dung giáo dục kỹ năng. Khi được hỏi sẽ xử trí thế nào nếu cảm thấy không an toàn khi đang ở trong thang máy với một người lạ, em Nguyễn Thị Hà Vi, lớp 6A8, bày tỏ: “Em sẽ bình tĩnh và bấm nút tầng gần nhất. Đây là điều em đã được bố mẹ dặn, song em rất mong nhà trường dành nhiều thời gian hơn nữa để hướng dẫn về cách ứng phó với các tình huống mất an toàn khác có thể xảy ra”.

Ths Nguyễn Thị Bích Lại, Trung tâm Phát triển kỹ năng sống cho trẻ em và phụ nữ, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, người nhiều lần trực tiếp trò chuyện với HS nhận định: “Sự thẳng thắn, không né tránh các vấn đề, tình huống thực tế vốn được cho là nhạy cảm là cách phá vỡ nhanh nhất những rào cản về sự e ngại của học sinh. Khi nhận thức được những nguy cơ mất an toàn, các em sẽ biết cách xử trí hoặc tìm sự hỗ trợ chứ không im lặng như nhiều nạn nhân thời gian qua. Bởi vậy, người lớn đừng né tránh, chần chừ thêm nữa...”.