Khởi đầu mới...
Ở tuổi ngoài 90, bà Phan Thị Bảy (xã Nam Chính, huyện Đức Linh) sống lặng lẽ trong căn nhà tạm bợ đã xuống cấp nghiêm trọng. Chồng bà từng tham gia cách mạng, bị địch bắt giam và qua đời từ năm 2015. Từ ngày vắng bóng người đàn ông trụ cột, cuộc sống của bà Bảy chỉ còn dựa vào khoản trợ cấp hằng tháng cùng căn nhà cũ kỹ, xuống cấp. Gần đây, trận gió lốc đã cuốn bay phần mái tôn, còn những bức tường thì nứt nẻ, bong tróc từng mảng.
Thấu hiểu hoàn cảnh neo đơn, thiếu thốn của bà Bảy, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp cùng Công ty TNHH Xổ số kiến thiết Bình Thuận tổ chức khảo sát, thống nhất hỗ trợ xây dựng một căn “nhà tình thương” cho bà. Bước vào ngôi nhà mới khang trang, vững chãi, bà Bảy nghẹn ngào nói: “Tôi nghĩ sẽ không bao giờ được ở trong một căn nhà mới, đẹp và khang trang như thế này. Tôi biết ơn chính quyền, công an và các nhà hảo tâm nhiều lắm!”.
Ngay giữa trung tâm huyện Hàm Thuận Nam, hoàn cảnh của gia đình ông Hồ Quốc Nam khiến bất cứ ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa. Trong căn nhà ọp ẹp, tạm bợ là hai vợ chồng già đã ngoài tuổi lao động, sức khỏe ngày càng suy giảm. Nỗi bất hạnh chưa dừng lại ở đó, người con của họ bỏ đi biệt tích, để lại hai đứa cháu nhỏ, trong đó có một cháu bị bại não, cần được chăm sóc đặc biệt. Suốt nhiều năm qua, ông bà sống lay lắt trong ngôi nhà chực chờ đổ sập theo từng trận mưa to gió lớn. Mới đây, cuộc sống đã bớt khó khăn khi Công an tỉnh Bình Thuận vận động được các nhà hảo tâm chung tay quyên góp, xây tặng gia đình ông Nam một căn nhà mới vững chãi, ấm áp nghĩa tình.
Tính đến đầu tháng 4, huyện Tánh Linh đã xây dựng, sửa chữa được 118/237 căn hộ mới, sửa chữa nhà ở. Huyện Tuy Phong khởi công 32/234 nhà. Huyện Hàm Thuận Bắc đã thực hiện được 122/148 nhà đạt hơn 82% kế hoạch. Trong 3 tháng đầu năm, huyện Hàm Thuận Nam còn 110 căn nhà tạm, nhà dột nát.
Đại tá Trần Văn Mười, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận cho biết: Nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và đúng đối tượng thụ hưởng, công an các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khảo sát, lập danh sách các hộ cần hỗ trợ. Không chỉ vận động nguồn lực, nhiều cán bộ chiến sĩ còn trực tiếp góp sức trong quá trình xây dựng, sửa chữa nhà ở, thể hiện rõ tinh thần “Vì nhân dân phục vụ” bằng hành động thiết thực.
Niềm hy vọng cho những mảnh đời cơ cực
Theo Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, lũy kế từ tháng 8/2024 đến ngày 11/4/2025, toàn tỉnh đã xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 718/1.173 hộ thuộc các đối tượng gia đình có công với cách mạng, hộ thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Phấn đấu hoàn thành việc xây dựng nhà cho hộ có công với cách mạng trước dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tỉnh đã thực hiện xây mới, sửa chữa 178/188 căn.
Tỉnh cũng đã phát động đợt cao điểm “50 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh” từ ngày 30/3 - 19/5 nhằm tuyên truyền vận động theo tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít” để tạo sức lan tỏa. Trước tiên, các đơn vị tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, sửa chữa nhà cho hộ có công với cách mạng, hoàn thành trước ngày 30/4. Đồng thời, các sở, ngành phân bổ hợp lý nguồn lực để khởi công xây dựng nhà mới cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ khó khăn còn lại hoàn thành trước ngày 30/6.
Bí thư tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho biết, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đúng tiến độ đề ra; sớm hoàn thành việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các hộ. Song song đó, các địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp với các hộ đẩy nhanh tiến độ khởi công, xây dựng. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Thuận tiếp tục thường xuyên theo dõi, cập nhật tiến độ; hướng dẫn các địa phương triển khai tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, công việc thẩm quyền giải quyết của sở. Bên cạnh đó, sở tham mưu cho Ban Chỉ đạo triển khai đợt cao điểm 100 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn để phấn đấu hoàn thành đề án trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/6. Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh tiếp tục rà soát, nắm kỹ trường hợp các hộ đồng bào dân tộc khó khăn về đất ở.
Từng viên gạch, từng mái tôn được dựng lên không chỉ để che mưa nắng, mà còn để dựng xây niềm tin, niềm hy vọng cho những mảnh đời cơ cực. Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ mang lại mái ấm, mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó và trách nhiệm cộng đồng-những giá trị cốt lõi xây dựng một xã hội nhân văn, nghĩa tình.