Sức mạnh nội sinh của hành trình đổi mới

Kinh tế tư nhân Việt Nam đã trải qua một hành trình dài, từ khi chỉ là yếu tố phụ trợ trong nền kinh tế quốc dân đến khi trở thành một động lực tăng trưởng then chốt của đất nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, vai trò của kinh tế tư nhân đã được khẳng định mạnh mẽ, không chỉ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là lực lượng tiên phong trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Chân dung vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh tư liệu
Chân dung vợ chồng nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh tư liệu

Từ vai trò thứ yếu…

Từ xa xưa, Việt Nam đã có một nền kinh tế gắn liền với sản xuất thủ công, buôn bán và trao đổi hàng hóa. Các làng nghề như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Đại Bái, mộc Kim Bồng… là minh chứng cho sự sáng tạo và khả năng thích ứng của người Việt trong nền kinh tế thị trường sơ khai. Những gia đình làm nghề cha truyền con nối không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn là biểu tượng của các yếu tố kinh tế tư nhân bền bỉ.

Trong thời kỳ phong kiến, dù bị hạn chế bởi các chính sách quản lý kinh tế tập trung, như chính sách “trọng nông ức thương” (khuyến khích sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và bảo vệ lợi ích của tầng lớp nông dân, coi nhẹ hoặc thậm chí khinh miệt đối với thương nghiệp và những người buôn bán), tầng lớp thương nhân Việt vẫn tìm cách mở rộng giao thương, buôn bán với các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên,... cho đến các quốc gia phương Tây như: Hà Lan, Anh, Pháp...

Đến thời kỳ Pháp thuộc, sự xuất hiện của các doanh nhân - các nhà tư sản dân tộc như: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Đỗ Đình Thiện, Trịnh Văn Bô… đã cho thấy tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc tạo dựng một nền kinh tế độc lập và vững mạnh.

Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong Thư gửi các giới công thương Việt Nam đăng trên báo Cứu quốc ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “… giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”. Quan điểm này thể hiện nhận thức của Người về vị trí, vai trò quan trọng của giới Công - Thương, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ giới Công - Thương đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Nghị quyết Bộ Chính trị, tháng 9/1954 ghi rõ: “Công thương nghiệp tư nhân nhất luật được bảo hộ.”, “làm cho các xí nghiệp công và tư hiện có được tiếp tục kinh doanh”. Kết quả là trong thương nghiệp, khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng áp đảo.

Trong Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (18/12/1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”.

Cuối năm 1970, trước tình hình khủng hoảng kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân rất khó khăn, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IV (tháng 9/1979) chủ trương “làm cho sản xuất bung ra” và sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế… Tiếp đến là Ban Bí thư ra Chỉ thị Khoán 100 về Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, Chính phủ ra Quyết định 25/CP, 26/CP về nhiều nguồn cân đối và ba phần kế hoạch…

Cũng sau Đại hội IV của Đảng, từ tháng 4/1977, đồng chí Nguyễn Văn Linh (khi ấy là Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương), đã khẳng định rõ quan điểm: “Đảng chủ trương chỉ quốc hữu hóa những cơ sở trước đây phục vụ cho chiến tranh, và chỉ cải tạo những tư sản mại bản đã làm giàu bất minh do quyền lợi họ gắn liền với guồng máy chiến tranh xâm lược của Mỹ. Còn những thành phần khác: tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ thì Đảng luôn khuyến khích hỗ trợ cho họ phát triển sản xuất xây dựng đất nước” (Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo).

Tuy vậy, tính đến năm 1986, kinh tế tư nhân vẫn được coi là tồn tại tạm thời và giữ vai trò thứ yếu, hỗ trợ cho kinh tế quốc doanh.

Sức mạnh nội sinh của hành trình đổi mới ảnh 1

Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: HẢI NAM

Đến động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu

Sau năm 1986, với chính sách Đổi mới, kinh tế tư nhân bắt đầu phát triển mạnh mẽ trở lại, trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế Việt Nam. Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3/1989) xác định “chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Bước vào thế kỷ XXI, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh chủ trương biến Việt Nam thành một nền kinh tế nhiều thành phần thật sự, đối xử công bằng với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngày 10/5/2017, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của chúng ta về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng. Từ chỗ kỳ thị, coi nhẹ đã thừa nhận kinh tế tư nhân “là một trong những động lực” và đến nay “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta...”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: “Trước hết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 16/5/2019, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất trăn trở: “…Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa”.

Mới đây, bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm, được đánh giá là đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước. Bài viết phác họa bức tranh toàn cảnh về sự phát triển kinh tế Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới, nhấn mạnh những thành tựu quan trọng và những thách thức cần vượt qua.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định khu vực kinh tế tư nhân đã chứng tỏ vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc gia. Từ vị trí thứ yếu trong giai đoạn đầu đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã vượt lên và đang đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Những doanh nghiệp tư nhân không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn vươn ra quốc tế, khẳng định thương hiệu Việt Nam.

Hướng tới kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư cho rằng kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Đây sẽ là lực lượng tiên phong, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, cũng như đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dù đóng góp quan trọng, kinh tế tư nhân vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản, từ những hạn chế nội tại đến sự khó khăn trong tiếp cận nguồn lực. Nhiều doanh nghiệp vẫn thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chưa có động lực lớn để phát triển thành những tập đoàn có sức cạnh tranh cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao và các cơ hội hợp tác với khu vực FDI. Môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn những rào cản về thủ tục hành chính, chi phí không chính thức và các rào cản thể chế.

Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân, như: Hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ và nhân lực; Khuyến khích đổi mới sáng tạo...