Sri Lanka gìn giữ hương vị quế

Sri Lanka là một trong những quốc gia xuất khẩu quế nhiều nhất thế giới. Ở thị trấn Thihagoda cách Thủ đô Colombo của Sri Lanka khoảng 160km về phía nam, quế đã được trồng và sản xuất qua nhiều thế hệ.

Một công nhân bóc vỏ quế ở Sri Lanka. Ảnh: AL JAZEERA
Một công nhân bóc vỏ quế ở Sri Lanka. Ảnh: AL JAZEERA

Người dân nơi đây thành thạo bóc vỏ và trồng cây quế như hơi thở của mình.

Thihagoda là một thị trấn nhỏ nổi tiếng với nghề trồng quế. Thông thường mùa thu hoạch quế diễn ra trong mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 12, nhưng cũng có những trang trại trồng và thu hoạch quế quanh năm để phục vụ xuất khẩu.

Theo Al Jazeera, anh Ravindu Runage là chủ của một trong những trang trại sản xuất quế lớn nhất ở Sri Lanka, chuyên xuất khẩu quế và các loại gia vị khác như nhục đậu khấu và tiêu đen đến 56 quốc gia.

Anh cho biết: “Chúng tôi đã lớn lên với quế. Khi còn nhỏ, cha tôi thường cất giữ quế chật kín trong nhà. Ông là người đặt nền móng cho đồn điền quế và tới nay gia đình tôi đã giành một số giải thưởng danh giá trong ngành”.

Khi bắt đầu kinh doanh, cha của Runage đã tìm tới Mexico, một trong những nước tiêu thụ quế lớn nhất thế giới. Runage kể lại: “Ông đã học tiếng Anh và đến thăm Mexico vào năm 1998 để tìm người mua quế. Nhưng hóa ra ở đó họ nói tiếng Tây Ban Nha. Vì vậy, ông lại gửi danh thiếp của mình cho các công ty trong danh bạ điện thoại. Ban đầu việc tiêu thụ quế không hề dễ dàng. Phải 5 tháng sau, chúng tôi mới bán được container quế đầu tiên tới Mexico”.

Đến nay, công ty của Runage là doanh nghiệp trồng và xuất khẩu quế hữu cơ hàng đầu Sri Lanka. Công ty của anh còn cung cấp cây giống cho khoảng 8.000 hộ nông dân quy mô nhỏ trong vùng.

Tại trang trại, sau khi ươm hạt giống trong các túi trồng thì phải một năm sau cây non mới đủ cứng cáp và mất tới bốn năm mới có thể bắt đầu thu hoạch. Lakshith, một công nhân trồng quế cho biết, người nông dân chặt những cành cây quế đã đủ độ và để lại các bụi quế non có thể mọc tiếp. Công nhân cũng sẽ loại bỏ những cành non và quá mềm vì không đủ tiêu chuẩn. Hằng ngày, họ vừa trồng, thu hoạch và bóc vỏ quế, rồi gửi những mẻ quế đến nhà máy cách đó không xa để cắt, đóng gói và chất lên container vận chuyển đi xuất khẩu. Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất lại là bóc vỏ quế và phải làm gần như thủ công.

Sau khi cành quế già đã được ngâm trong nước và đủ ẩm, những người thợ bóc vỏ lành nghề sẽ loại bỏ lớp ngoài cùng. Để tạo ra những lớp quế mỏng, họ phải mất hàng giờ đồng hồ để lột lớp vỏ bên trong của cành quế ra thành từng tấm.

Ông Suduhakuru Piyathilake, 55 tuổi, là một thợ lột vỏ quế lâu năm cho biết, ông thường đến đồn điền từ 5 giờ sáng hằng ngày để thu thập cành quế rồi đem đi ngâm nước và tiếp tục quay trở lại trang trại làm các công việc khác cho đến khi quế ngậm đủ nước để lột vỏ. Ông nói: “Khi trời ẩm thì vỏ quế dễ bóc hơn. Do đó chúng tôi thường cắt từ sáng sớm để có nhiều thời gian ngâm cành”. Ông mài dao trước khi cạo lớp vỏ bên ngoài của cành cây và sau đó bắt tay vào việc. “Đây là công việc cha tôi đã làm. Bây giờ các con trai của tôi cũng làm nghề bóc vỏ quế. Vì công việc này đòi hỏi kỹ năng và tốc độ mà không phải ai cũng làm được”, ông tâm sự.

Ngày nay, các rừng quế cũng giữ một vị trí quan trọng trong phát triển du lịch địa phương. Bà Sarath de Silva, 70 tuổi, sống gần hồ Koggala cách khu rừng quế của gia đình Runage khoảng một giờ lái xe hoặc 20 phút đi thuyền. Bà đã đón nhiều đoàn khách đến nghỉ dưỡng và tham quan cảnh đẹp từ rừng quế, cũng như mua sắm các sản phẩm từ quế ở đây.

Không chỉ tại thị trấn Thihagoda, quế gắn bó với cuộc sống của hàng nghìn người dân ở phía nam Sri Lanka. Chỉ tính riêng trong công ty của Runage, đã có khoảng 9.000 nông dân trồng và bóc vỏ quế. Ngành trồng và sản xuất quế không chỉ đem lại thu nhập cho công nhân đồn điền mà còn gián tiếp mang lại sinh kế cho những cộng đồng trong khu vực. Không chỉ gìn giữ thứ hương liệu đã có từ lâu đời, người dân ở đây còn phát triển và làm giàu từ quế.