Xây dựng trường học xanh và an toàn

Từ 23 ý tưởng/dự án của những đội, nhóm học sinh THCS, THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng đang được thực hiện và triển khai, các em đã thể hiện trách nhiệm và hành động trong việc xây dựng và tuyên truyền hệ thống giáo dục xanh, sạch và an toàn đến mọi người.
0:00 / 0:00
0:00
Đội Planet Savers chia sẻ về dự án Mạng lưới hành động xanh.
Đội Planet Savers chia sẻ về dự án Mạng lưới hành động xanh.

1/ Nhóm 4 bạn trẻ Trường THPT Võ Chí Công (quận Ngũ Hành Sơn) đã nảy ý tưởng sử dụng bã mía bỏ đi làm thành giấy. Qua tìm hiểu trên mạng, sách vở tham khảo và thử nghiệm nhiều lần với những công thức phối trộn, nhóm đã bước đầu thành công. Dần dần, các em tiếp tục thử với giấy làm từ cỏ dại, tranh phù điêu từ vải thừa, viên khử mùi từ bã cà-phê.

Giữa tháng 12, nhóm đã tổ chức 2 buổi workshop ở trường, cùng các bạn làm giấy và làm viên khử mùi. Qua đó, đã lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường cho nhiều học sinh khác. Sắp tới, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện tại các buổi sinh hoạt lớp.

Võ Văn Thiện Phước (lớp 11/5), trưởng nhóm tâm sự: “Chúng em rất vui vì có thể tổ chức được một hoạt động lan tỏa đến với các bạn trong trường. Em mong sắp tới có thể phát triển làm ra loại giấy kích cỡ A4, A3 để tiện cho việc sử dụng”.

Còn 4 bạn nhỏ lớp 8/2, Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (quận Thanh Khê) rất hào ứng với Dự án "Bút xanh - Hành động xanh". Các em đã thu gom giấy loại và bán lấy kinh phí mua ruột bút chì. Từ giấy viết bình thường, nhóm sử dụng cùng keo dán để làm thành vỏ bút viết. Nhóm đã nhận được sự hào hứng trải nghiệm làm bút từ các học sinh khác trong trường thông qua buổi workshop.

“Các bạn mang giấy tới đổi ruột bút chì và cùng nhau làm ra bút, em mong sắp tới có thể gửi tặng nhiều bút "xanh" đến với những em nhỏ ở vùng khó khăn”, Lê Ngọc Bảo Hân, đại diện nhóm chia sẻ.

Đội Planet Savers của Trường THPT Sơn Trà gây ấn tượng với dự án “Mạng lưới hành động xanh - Hành trình ứng phó với biến đổi khí hậu”. Đội đã tạo ra một hành trình liên tục và bền vững trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các bạn có những hoạt động như: Tạo khoảng xanh trong trường học bằng cách trang trí góc thư viện, lớp học bằng cây xanh, đồ tái chế; hệ thống thùng rác thông minh tích hợp AI & IoT giúp việc phân loại rác dễ dàng hơn; thực hiện việc “Đổi rác lấy quà” và các buổi thực hành tái chế tại chỗ đã nhận được nhiều lời khen ngợi.

2/ Hoạt động của các nhóm bạn trẻ nói trên thuộc Chương trình triển khai các giải pháp tiềm năng xây dựng trường học an toàn, sạch, xanh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu được Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF Việt Nam) tổ chức.

Từ tháng 11, 23 đội, nhóm học sinh đã được thành lập và trải qua các khóa tập huấn, cũng như được chuyên gia hỗ trợ về kỹ thuật để hoàn thiện các ý tưởng. Nội dung tập huấn xoay quanh chủ đề như biến đổi khí hậu, trường học an toàn, chất thải rắn, nước sạch và vệ sinh an toàn, năng lượng. Các đội cũng được hỗ trợ để phát triển và hoàn thiện dự án, triển khai thực tế tại trường học. Đây cũng là khoảng thời gian để các em nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, phát triển tư duy cũng như học cách lên phương án, thực hiện đề tài.

Thông qua các hoạt động, đã có nhiều dự án được hình thành như: Giấy tái chế - đất tươi xanh; Ngôi nhà 200 đồng; Ứng dụng AI xây dựng hệ thống thu gom pin; Thư viện di động; Giấy làm từ bã mía, cỏ dại; Viên khử mùi bằng bã cà-phê; Bữa cơm xanh… Chương trình nhằm xây dựng hệ thống giáo dục xanh, sạch và an toàn cho mọi học sinh, nâng cao nhận thức và sự tham gia của trẻ em vào các hành động vì khí hậu. Ban tổ chức hy vọng sau chương trình, các em sẽ lan tỏa và tiếp tục thực hiện ý tưởng thông qua nhiều hoạt động của trường học và địa phương nhằm huy động nguồn lực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chị Từ Lê Thảo, cán bộ giáo dục Quỹ UNICEF Việt Nam cho hay: Thời gian qua, UNICEF Việt Nam đã hỗ trợ Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động liên quan, nhưng cuộc thi lần này là đầu tiên. Các em rất sáng tạo và thật sự làm chủ dự án, thể hiện rõ sự tham gia chủ động của thanh, thiếu niên toàn thành phố. “Các dự án được triển khai chỉn chu từ khảo sát thực trạng, tìm hiểu nguyên nhân, thực hành và lan tỏa thói quen tốt ngay trong chính trường học. Ngoài ra, yếu tố bình đẳng giới, hòa nhập cũng được các em lưu ý tích hợp ngay từ bước xây dựng dự án”, chị Thảo nhận xét.