Rủi ro cao

Một nhóm Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vừa trình Quốc hội Mỹ xem xét dự luật kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) ký với Nga, đồng thời tăng cường các lực lượng hạt nhân của Mỹ. Dự luật với tên gọi “Nói không với New START” đã được chuyển tới Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 18/5.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: SONG CHEN
Biếm họa: SONG CHEN

Theo Thượng nghị sĩ Jim Risch, một trong 10 đồng tác giả của dự luật, việc Tổng thống Biden gia hạn thực hiện New START với Nga đã “trói buộc” nước Mỹ. Chẳng những không bảo đảm an ninh tốt hơn cho Mỹ và các đồng minh, quyết định này còn mang lại lợi ích cho các đối thủ của “xứ cờ hoa”, khi giúp họ tự do gia tăng các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược với tốc độ chóng mặt.

Nhóm Thượng nghị sĩ Mỹ nêu trên tin rằng, dự luật họ vừa đệ trình có thể sửa chữa được sai lầm của Nhà trắng, bằng cách quy định bắt buộc thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới phải bao gồm tất cả các loại vũ khí hạt nhân, cũng như mở rộng đối tượng áp dụng tới các “cường quốc hạt nhân” khác.

Hiệp ước New START được Nga và Mỹ ký năm 2010, với thời hạn 10 năm. Tháng 2/2021, hiệp ước được kéo dài thực hiện thêm 5 năm, đến năm 2026, theo thỏa thuận chung của hai bên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 3 vừa qua đã ký đạo luật về Moscow tạm dừng tham gia New START, sau khi được Quốc hội Nga thông qua. Tuy nhiên, Nga chỉ đình chỉ chứ không rút hoàn toàn và sẽ thảo luận việc tiếp tục thực hiện hiệp ước sau khi làm rõ một số vấn đề. Trong đó, cần tính đến kho vũ khí của cả các cường quốc hạt nhân là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nga đổ lỗi cho Mỹ “phá hủy khuôn khổ pháp lý” trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và cảnh báo rằng Nga không là bên đi tiên phong, song sẽ lập tức hành động tương tự nếu Mỹ nối lại hoạt động thử hạt nhân. Moscow sẽ không thảo luận về New START chừng nào Washington còn trang bị vũ khí cho Ukraine.

Khi bất đồng Nga-Mỹ còn chưa tìm thấy lối thoát để hóa giải, động thái đưa dự luật rút khỏi New START ra Quốc hội Mỹ xem xét có nguy cơ châm ngòi cho căng thẳng bùng lên, đẩy rủi ro với sự ổn định chiến lược toàn cầu lên mức cao hơn.