“Soán ngôi” đông dân nhất thế giới
Theo MarketWatch, công ty con của Dow Jones & Company (Mỹ), số liệu của LHQ tính đến ngày 14/4/2023 cho thấy, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với dân số 1.425.782.975 người, trong khi quy mô dân số của Trung Quốc là 1.425.748.032 người. Trung Quốc đã nắm giữ vị trí đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950, thời điểm LHQ bắt đầu công bố các dữ liệu về dân số.
Trung tâm Nghiên cứu Pew cho hay, rất khó để tính toán chính xác quy mô dân số, tuy nhiên với ước tính hơn 1,4 tỷ người, dân số của Ấn Độ hiện lớn hơn toàn bộ dân số của châu Âu (744 triệu người) hay châu Mỹ (1,04 tỷ người). Cùng có khoảng 1,4 tỷ người, song dân số của Ấn Độ được dự đoán tiếp tục tăng, trong khi dân số của Trung Quốc có chiều hướng giảm.
LHQ dự đoán, trong kịch bản tăng trưởng trung bình, dân số Ấn Độ sẽ vượt mốc 1,5 tỷ người vào cuối thập niên này và tiếp tục tăng chậm cho đến năm 2064, đạt 1,7 tỷ người. Trong kịch bản tổng tỷ suất sinh ở Ấn Độ tăng hơn 0,5 ca sinh/phụ nữ so kịch bản tăng trưởng trung bình, dân số của nước này sẽ vượt mốc 2 tỷ người vào năm 2068. Ngược lại, trong kịch bản tổng tỷ suất sinh thấp hơn 0,5 ca sinh/phụ nữ so kịch bản tăng trưởng trung bình, dân số Ấn Độ có thể bắt đầu giảm từ năm 2047, xuống còn 1 tỷ người vào năm 2100.
Dân số trẻ chiếm tỷ lệ rất cao ở Ấn Độ. Những người dưới 25 tuổi chiếm hơn 40% dân số Ấn Độ, hay cứ năm người dưới 25 tuổi trên thế giới thì có một người sống ở Ấn Độ. Hoặc có thể nhìn vào sự phân bổ độ tuổi ở Ấn Độ theo một cách khác, độ tuổi trung bình của quốc gia Nam Á này là 28 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình ở Mỹ là 38 tuổi, ở Trung Quốc là 39 tuổi.
Không như Ấn Độ, hai quốc gia đông dân khác là Trung Quốc và Mỹ có dân số già đi nhanh chóng. Theo thống kê của LHQ, người từ 65 tuổi trở lên ở Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 7% dân số, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 14%, ở Mỹ là 18%. Tỷ lệ người Ấn Độ từ 65 tuổi trở lên có khả năng duy trì dưới 20% cho đến năm 2100.
Tỷ lệ sinh bắt đầu xu hướng giảm
Tỷ lệ sinh ở Ấn Độ cao hơn ở Trung Quốc và Mỹ, nhưng đã giảm trong những thập niên gần đây. Ngày nay, trung bình một phụ nữ Ấn Độ sinh 2,0 con trong đời, cao hơn con số 1,2 ở Trung Quốc hay 1,6 ở Mỹ; song thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình một phụ nữ sinh 3,4 con năm 1992 hay 5,9 con năm 1950 cũng chính tại nước này.
Mọi nhóm tôn giáo tại Ấn Độ đều chứng kiến tỷ lệ sinh giảm, bao gồm cả nhóm đa số theo đạo Hindu hay các nhóm thiểu số theo đạo Hồi, đạo Phật, đạo Sikh, đạo Jain. AP dẫn dữ liệu từ cuộc khảo sát sức khỏe gia đình quốc gia của Ấn Độ, tổng tỷ suất sinh của người Hồi giáo ở Ấn Độ đã giảm đáng kể, từ 4,4 trẻ trên một phụ nữ vào năm 1992 xuống còn 2,4 trẻ vào năm 2019. Người Hồi giáo vẫn có tỷ lệ sinh cao nhất trong các nhóm tôn giáo ở Ấn Độ, song khoảng cách về tỷ lệ sinh giữa các nhóm tôn giáo nhìn chung đã thu hẹp hơn nhiều so trước đây.
Tỷ lệ sinh rất khác nhau ở các cộng đồng và các bang ở Ấn Độ. Trung bình phụ nữ ở nông thôn có 2,1 con trong đời, trong khi phụ nữ ở thành thị có 1,6 con. Cả hai con số này đều thấp hơn so 20 năm trước, khi phụ nữ nông thôn và thành thị có trung bình lần lượt là 3,7 và 2,7 con.
Tổng tỷ suất sinh cũng rất khác nhau giữa các bang ở Ấn Độ, từ cao nhất là 2,98 con/phụ nữ ở Bihar và 2,91 ở Meghalaya, đến thấp nhất là 1,05 ở Sikkim và 1,3 ở Goa. Tương tự, tốc độ tăng trưởng dân số khác nhau giữa các bang. Dân số của Meghalaya và Arunachal Pradesh đều tăng từ 25% trở lên trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2011. Dân số bang Goa và Kerala tăng ít hơn 10%, ở Nagaland thậm chí giảm 0,6% trong cùng khoảng thời gian đó. Những khác biệt này có thể liên quan các cơ hội kinh tế và chất lượng cuộc sống không đồng đều ở các cộng đồng.
Trung bình, phụ nữ Ấn Độ ở thành thị sinh con đầu lòng muộn hơn 1,5 năm so phụ nữ ở nông thôn. Trong số phụ nữ Ấn Độ tuổi từ 25 đến 49 sống ở khu vực thành thị, tuổi sinh con đầu lòng trung bình là 22,3. Trong số những phụ nữ có độ tuổi tương tự ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này là 20,8.
Phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn và giàu có hơn thường sinh con muộn hơn. Độ tuổi trung bình khi sinh con đầu lòng là 24,9 ở phụ nữ Ấn Độ đã đi học từ 12 năm trở lên, so 19,9 ở phụ nữ không đi học. Tương tự, độ tuổi trung bình khi sinh con đầu lòng là 23,2 đối với phụ nữ Ấn Độ ở nhóm giàu nhất, so 20,3 ở phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất.
Từ sự mất cân bằng lớn với tỷ lệ khoảng 111 bé trai trên 100 bé gái trong cuộc điều tra dân số năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh ở Ấn Độ dường như đã tiến tới cân bằng hơn. Tỷ lệ này thu hẹp xuống còn khoảng 109 bé trai trên 100 bé gái trong cuộc điều tra dân số năm 2015-2016 và 108 bé trai trên 100 bé gái trong giai đoạn 2019-2021.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở Ấn Độ đã giảm 70% trong ba thập niên qua, nhưng vẫn ở mức cao so tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Có 89 ca tử vong trên 1.000 ca sinh vào năm 1990, con số này đã giảm xuống còn 27 ca tử vong trên 1.000 ca sinh vào năm 2020.
Định hình lại chiến lược phát triển
Trả lời phỏng vấn tạp chí Time, bà Poonam Muttreja - Giám đốc điều hành của Tổ chức Dân số Ấn Độ (PFI) cho rằng, việc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình tăng trưởng của Ấn Độ. Tuy phải đối mặt những thách thức trong việc quản lý dân số ngày càng tăng, nhưng đây cũng là cơ hội để định hình lại các chiến lược phát triển nhằm mang tới cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc cho người dân. Theo bà Muttreja, lực lượng dân số trẻ của đất nước có tiềm năng to lớn để thúc đẩy nền kinh tế, điều mà các nhà kinh tế học thường gọi là “lợi tức nhân khẩu học”. Theo dữ liệu của OECD, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ năm 2021 đạt con số khổng lồ 900 triệu người.
TS S.Y. Quraishi, cựu quan chức Ủy ban Bầu cử quốc gia Ấn Độ cho rằng, các khái niệm như “bùng nổ dân số” và “chảy máu chất xám”, ám chỉ lực lượng lao động trẻ, lành nghề của Ấn Độ di cư để tìm kiếm thu nhập tốt hơn, đã thay đổi theo thời gian. Theo TS Quraishi, ngày nay, chính lực lượng lao động này đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng, tạo nên sự bùng nổ của nền kinh tế Ấn Độ. Họ là những Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của thế giới, là động lực của một cuộc cách mạng kinh tế mang lại 90 tỷ USD kiều hối từ nước ngoài năm 2022.
Nhóm này không chỉ trẻ mà còn rất năng động. Họ lớn lên trong nền kinh tế thị trường với khả năng tiếp cận internet và khao khát cạnh tranh trên toàn cầu. Hai phần ba dân số Ấn Độ có quyền truy cập internet trên điện thoại thông minh nhờ các gói dữ liệu giá rẻ trong thập niên qua. Nhà kinh tế Ấn Độ Shruti Rajagopalan nhấn mạnh, thế hệ thanh niên Ấn Độ này sẽ là nguồn lao động và nhóm người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế tri thức và mạng lưới hàng hóa.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, dù nhận thấy lợi thế rõ ràng của việc là quốc gia đông dân, song Ấn Độ chưa ưu tiên nâng cao kỹ năng cho những người trẻ tuổi. Theo Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE), tỷ lệ thất nghiệp của Ấn Độ dao động quanh mức 7 đến 8% trong năm 2022, dẫn đến lực lượng lao động bị thu hẹp.
Trong một báo cáo, Viện Toàn cầu McKinsey cho hay, để tận dụng được lực lượng lao động trẻ, Ấn Độ cần tạo ra ít nhất 90 triệu việc làm phi nông nghiệp mới vào năm 2030. PFI cũng lưu ý rằng, Chính phủ Ấn Độ cần tập trung đầu tư để những người trẻ tuổi làm việc hiệu quả hơn và có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế quốc gia. Nhằm tận dụng lợi tức nhân khẩu học, đất nước sẽ phải đặt giới trẻ vào trung tâm của các chính sách.