Gia tăng tình trạng trẻ béo phì

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) vừa phối hợp các bệnh viện tiến hành khảo sát gần 1.300 trẻ về thực trạng các bệnh tật học đường phổ biến trên địa bàn. Kết quả cho thấy 50% trẻ mắc các tật khúc xạ và sâu răng. Riêng nhóm 5-19 tuổi có tỷ lệ thừa cân, béo phì lần lượt là 22% và 20%, điều này làm gia tăng nguy cơ gây các bệnh không lây nhiễm.
0:00 / 0:00
0:00
Tăng cường các hoạt động thể chất sẽ làm giảm nguy cơ béo phì cho trẻ. Ảnh: SONG ANH
Tăng cường các hoạt động thể chất sẽ làm giảm nguy cơ béo phì cho trẻ. Ảnh: SONG ANH

Theo HCDC, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mở rộng hoạt động khảo sát mô hình bệnh tật học sinh các cấp, thuộc “Đề án phát triển y tế cộng đồng giai đoạn 2021-2030” nhằm có những số liệu chính xác để thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe học sinh phù hợp tình hình thực tế.

Nhóm nghiên cứu thực hiện với học sinh từ mầm non đến THPT tại 8 cơ sở giáo dục được chọn ngẫu nhiên trên địa bàn. Các học sinh tham gia nghiên cứu được khám và phát hiện các bệnh học đường phổ biến, gồm thừa cân, béo phì, tật khúc xạ, sâu răng, cong vẹo cột sống.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi lần lượt là 8,5% và 7%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân, thấp còi và gầy còm lần lượt là 1,9%, 3,8% và 0,9%. Đối với trẻ từ 5-19 tuổi, tỷ lệ thừa cân và béo phì lần lượt là 22% và 20%; trẻ suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm lần lượt là 3,3% và 2,9%. Đối với trẻ mắc tật khúc xạ là 54%, trong đó nam 55% và nữ 53%; học sinh bị sâu răng chiếm 55%; cong vẹo cột sống là 8%, trong đó mức độ nhẹ chiếm 7% và mức độ trung bình là 1%. Tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ tiếp tục tăng, nguy cơ dẫn đến các bệnh chuyển hóa và áp lực lên hệ thống y tế.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân béo phì là do tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường thực phẩm thay đổi. Khẩu phần ăn nhiều chất đạm, chất béo và đồ ngọt cùng với việc ít hoạt động thể lực đang làm gia tăng nhanh số trẻ bị thừa cân, béo phì.

Cách cơ bản điều trị béo phì là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tập luyện. Một số bậc cha mẹ khi thấy trẻ béo phì đã bỏ bữa, cắt sữa, tuy nhiên cách làm này không đúng mà cần cân đối lại bữa ăn. Cho trẻ ăn nhiều vào bữa sáng và ăn ít hơn vào bữa chiều. Ngoài ra, cần nhắc trẻ trong lúc ăn phải nhai kỹ, ăn chậm giúp trẻ cảm thấy nhanh no. Khi chế biến đồ ăn, chọn thịt nạc chứ không chọn thịt mỡ, không cho trẻ ăn nội tạng, da gà, hạn chế nấu các món chiên, xào mà nên hấp, luộc. Khi chọn sữa thì cần chọn những loại sữa không đường, tách béo để trẻ không nạp quá nhiều năng lượng. Hiện nay các bác sĩ không dùng thuốc để điều trị béo phì cho trẻ nên phụ huynh cần cho trẻ vận động tăng dần theo khả năng. Những ngày đầu có thể cho trẻ vận động từ 10 - 15 phút, dần tới mong muốn vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày.