Tín hiệu vui từ “Đào, phở và piano”

Hàng dài khán giả, nhất là các bạn trẻ vào xem hoặc ngóng chờ mua vé “Đào, phở và piano”, một bộ phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Càng ngạc nhiên hơn khi mới đây đã có thêm một số đơn vị tư nhân tham gia chiếu bộ phim. Không quá khi cho rằng đây là những dấu hiệu lạc quan cho sự phát triển đa dạng của điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Khán giả xếp hàng dài chờ vào xem phim ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia.
Khán giả xếp hàng dài chờ vào xem phim ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia.

Bất ngờ nhưng hoàn toàn xứng đáng

Bắt đầu công chiếu từ mồng 1 Tết Giáp Thìn (10/2) tại duy nhất một điểm là Trung tâm Chiếu phim quốc gia, nhưng so những bộ phim khác cùng thời điểm thì “Đào, phở và piano” có khởi đầu yên ả hơn. Cũng dễ hiểu khi kinh phí khoảng 20 tỷ đồng chủ yếu dành cho làm phim mà không có nhiều cho khâu quảng bá, marketing. Thế nhưng “Đào, phở và piano” đã gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng mạng sau một clip đánh giá phim đăng tải trên nền tảng TikTok. Kế đó, hàng loạt trang mạng xã hội tiếp tục ngợi ca phim một cách trong sáng, không hề “chiêu trò”. Kết quả là chỉ sau hơn 10 ngày công chiếu, bộ phim bất ngờ trở thành hiện tượng khi liên tiếp “cháy vé”.

Tính tới thời điểm ngày 19/2, hơn 3.300 vé đã được bán ra trong ngày với chỉ 18 suất chiếu. Trong hai ngày 20 và 21/2, số lượng người truy cập trang chủ và ứng dụng của Trung tâm Chiếu phim quốc gia để mua vé online tăng đột biến đã khiến trang web nhiều lần gặp sự cố. Trước cơn sốt vé của bộ phim “Đào, phở và piano”, Cục Điện ảnh đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phát hành phim do Nhà nước đặt hàng trên toàn quốc. Và mới đây nhất, đã có hai đơn vị tư nhân là Cinestar và Beta Cinemas bày tỏ mong muốn chiếu phi lợi nhuận, hỗ trợ toàn bộ chi phí và lợi nhuận thu được sẽ nộp 100% về ngân sách để đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

Trước hết, sẽ là thiếu sót nếu không công nhận đúng và kịp thời đóng góp bước đầu của mạng xã hội và truyền thông miệng trong việc đem lại cho bộ phim những kết quả đáng khích lệ kể trên. Càng thú vị hơn khi chính khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ cũng là những người rỉ tai nhau, giúp quảng bá, lan tỏa chân thực, vô tư và nhanh nhất những giá trị của bộ phim. Trước đó, có không ít phim lịch sử ra mắt nhưng chất lượng chuyên môn chưa bảo đảm, nên nhanh chóng bị chìm vào quên lãng, hoặc vấp phải những ý kiến trái chiều, thậm chí tệ hơn là sự phản đối gay gắt từ khán giả. Bởi vậy, phải nhìn nhận khách quan rằng “Đào, phở và piano”, giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (11/2023) vốn là một bộ phim lịch sử có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo khán giả. Sự kết hợp giữa chất “xúc tác” bất ngờ từ mạng xã hội với sự đầu tư tâm huyết cho phim lịch sử đã cho ra “trái ngọt” xứng đáng.

Câu chuyện phát triển sau “hiện tượng”

“Có rất nhiều đoạn xúc động trong phim, đặc biệt là cảnh hy sinh cuối của vợ chồng chiến sĩ tự vệ. Hình ảnh chiến sĩ tự vệ cầm bom ba càng quyết tử thì em thấy nhiều rồi, nhưng chị gái Hà thành mặc áo dài vẫn xông pha dũng cảm thì mới là lần đầu. Quả thực, bộ phim làm cho bài học lịch sử trên lớp trở nên sống động, hấp dẫn với em hơn nhiều”, bạn Mai Thùy Trang (17 tuổi), học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Giảng Võ, Ba Đình) chia sẻ.

Sự ủng hộ của khán giả nhiều lứa tuổi không hề ngẫu nhiên khi mà “Đào, phở và piano” vừa tạo được sự khác biệt hấp dẫn mà vẫn chạm tới cảm xúc và khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người. Bộ phim có một kịch bản tốt với cốt truyện phi tuyến tính, xen lẫn quá khứ và hiện tại thể hiện nét sáng tạo, tâm huyết của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Lựa chọn đề tài không mới là những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, nhưng bộ phim lại có góc nhìn khác biệt. Không chỉ mượn khói lửa chiến tranh để khơi dậy lòng yêu nước, mà còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân tộc và chất riêng của người Hà Nội. Dàn diễn viên từ tên tuổi như NSND Trần Lực hay NSND Trung Hiếu tới hai vai chính trẻ trung có thực lực như vai chính Doãn Quốc Đam, thậm chí diễn viên nữ chính không chuyên như Cao Thị Thùy Linh hay ca sĩ Tuấn Hưng đều đã để lại ấn tượng tốt đẹp.

Dẫu rằng đây đó vẫn còn một số hạn chế, nhưng phải khẳng định tâm huyết làm phim lịch sử có bài bản, chuyên nghiệp của đoàn làm phim là rất đáng ghi nhận. Chia sẻ với phóng viên Thời Nay, NSND Trần Lực, người đóng vai ông họa sĩ trong phim cho biết: “Tôi và có lẽ nhiều người trong đoàn làm phim cũng bất ngờ về hiệu ứng của bộ phim. Nhưng tôi nghĩ rằng sức hấp dẫn của phim đầu tiên đến từ việc kể chuyện lịch sử theo cách văn minh và sáng tạo hơn, phù hợp khán giả đương đại. Không có những cảnh quay hay câu thoại hô hào, gượng ép mang tính tuyên truyền mà mọi thứ nhẹ nhàng như hơi thở cuộc sống đời thường, nhấn mạnh tính nhân văn giữa người Hà Nội với nhau, mà vẫn bi tráng và chạm tới niềm tự hào dân tộc. Trước đây, tôi đã đóng nhiều phim lịch sử, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi tham gia một phim có phim trường hoành tráng, tạo dựng tỉ mỉ và tái hiện được không khí một góc Hà Nội năm 1947. Trong bối cảnh như thế, chính các diễn viên chúng tôi cũng dâng trào cảm xúc và nhập tâm vào nhân vật”.

Hiện tại, câu chuyện thành công của “Đào, phở và piano” cũng đã dấy lên nhiều ý kiến bàn luận chung quanh hướng phát triển của điện ảnh Việt Nam. Không ít khán giả đã có sự so sánh giữa “Đào, phở và piano” với phim “Mai” đang đạt doanh thu trăm tỷ của đạo diễn Trấn Thành. Thực tế, hai dòng phim nghệ thuật và dòng phim giải trí vẫn thường tồn tại song hành và nếu đặt lên bàn cân so sánh dù theo hệ quy chiếu nào cũng sẽ luôn khập khiễng. Điện ảnh phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng, bởi vậy sự phát triển của hai dòng phim đều là đang đóng góp chung cho điện ảnh nước nhà. Có chăng câu chuyện cần bàn ở đây là mong sớm có cơ chế thông thoáng hơn, tạo điều kiện hợp tác làm phim giữa Nhà nước với tư nhân, ít nhất là trong việc phát hành để đem những bộ phim lịch sử hay tới tay khán giả, thay vì làm xong lại chìm vào quên lãng.