Ngược thượng nguồn

Sông Con bắt nguồn từ núi Tổ

Sông Tích, hay Tích Giang lấy nguồn nước từ dãy Tản Viên (núi Tổ), qua bao năm tháng vẫn bền bỉ dòng chảy. Địa chí Hà Tây (cũ) còn ghi chép con sông có tên là Tích Lịch Giang, có nghĩa là dòng sông sấm sét. Sông chứng kiến những biến đổi của một vùng làng xã từ thuở khai khẩn, lập xóm làng, có nơi cả khúc sông đã bị lấp đi, nhưng nhiều nơi sông vẫn “sống” cùng người. 

Bến nước bên cây đa xóm Chiền.
Bến nước bên cây đa xóm Chiền.

Nơi nung đất ra tiền

Dọc phía bờ sông Tích đoạn chảy qua xã Kim Quan (Thạch Thất, Hà Nội), chạy qua một rẻo đường quê lối xóm vẫn thấy sót lại nhiều nhà bằng đá ong mà căn cứ theo số năm xây nhà đắp ở cổng, thì tuổi của chúng cũng đã tính bằng ba chữ số. Lại đi men theo mạch bờ tường đá ong ấy, thấy mấy lò nung gạch báo hiệu đã tới nơi. Ông Cấn Văn Tiến, người ở xóm Mơ (Kim Quan, Thạch Thất) tỉ mẩn chỉ cho tôi cách phân biệt các loại như ngói mũi hài vảy rồng, ngói quả đấm, ngói úp nóc, gạch hoa chanh hay gạch bát cổ của Kim Quan. Đặc điểm nhận dạng tuy khác nhau, nhưng giống ở chỗ từng tấm ngói tươi mầu rộ lên trong nắng, hồng hào, rắn rỏi. Ông Tiến là chủ một cơ  sở chuyên sản xuất các loại gạch, ngói cổ truyền ở Kim Quan.

Nổi tiếng là nơi sản xuất loại vật liệu cổ truyền này nên cứ khi có công trình tôn tạo chùa, làng cổ… các nhà thầu lại tìm về Kim Quan đặt hàng. Ông Tiến cho biết, nghề nung gạch của nhà ông đã có từ thời các cụ truyền lại, đến bây giờ con trai ông cũng đang nỗ lực giữ nghề. “Các bác đã lớn tuổi gần như nghỉ hết rồi, không theo nổi nữa. Làm nghề này vất vả lắm, chỉ làm bằng tay thôi không có cách nào khác!”, ông nói trong lúc tay vẫn thoăn thoắt dùng chiếc dao dây cắt đất đập vào khuôn. “Đất nung ra viên gạch phải là đất sét 100%. Mà phải làm thủ công hoàn toàn thì gạch mới có độ bám dính. Riêng gạch nung của làng lợp mái nhà, mái chùa không cần phải gắn xi, có như thế lúc bị vỡ chỉ cần nhấc ra thay viên mới chứ không phải phá hoành. Gạch ngói làng chúng tôi còn có đặc điểm là không bao giờ bị đổ mồ hôi”, ông tự hào nói. “Đất sét phải đi mua ở các vùng lân cận, người ta đào ao hay múc ngoài ruộng. Nhưng giờ đất đai đắt đỏ lắm, có nơi để tiết kiệm chi phí người ta pha trộn cả đất đỏ vào. Mấy trăm nghìn một xe đất, về còn phải đãi ốc, đãi sỏi… rồi nhào đất đủ độ dẻo, dính mới đưa ra lên khuôn được”, rồi ông kể thêm: “Nhà tôi cứ làm hoàn toàn đất sét thì mới yên tâm gạch lên mầu vừa đẹp, nung ra không giòn, dễ vỡ, đỡ hao công tốn của”.

So với loại gạch nhà máy dù sản xuất nhanh, hàng loạt nhưng trơn trượt, thi công phải gắn bằng xi-măng thì nay nhiều nhà thầu đã nhận ra ưu điểm và tìm đến đặt hàng gạch, ngói Kim Quan. Song “tấc đất, tấc vàng” cộng với việc giá nhân công, kho bãi… leo thang nên bây giờ chẳng mấy người làng còn duy trì làm gạch. Đến người Bát Tràng cũng “không sản xuất gạch Bát Tràng nữa mà ra chỗ em để đặt làm rồi mang về Bát Tràng bán”, Cấn Văn Tuấn, con trai ông Tiến bật mí cho tôi. “Bố mẹ ở quê thường chỉ bán lại cho các nhà thầu với đại lý nên chi phí không được bao nhiêu mà làm thì vất vả”, Tuấn cho biết. 

Một mẻ gạch phơi được nắng cũng nguyên một ngày, còn nếu mưa thì phải bốn - năm ngày mới đưa vào lò được. Nung trong lò đủ 10 ngày rồi lại chờ gạch nguội năm hôm nữa, là tròn nửa tháng mới được một mẻ. Lò trung bình thì được hai vạn viên, lò nhỏ chỉ khoảng một vạn. “Thuê công nhân bây giờ cũng bấp bênh, khó tìm người làm. Làm gạch nặng nhọc hơn nhiều nhưng cũng chỉ bằng ngày công làm mộc, mà thợ mộc trong xưởng mát mẻ nên đàn ông không mấy người làm mà đa phần là phụ nữ, mà có khi cả các bà lớn tuổi mới nhận”, Tuấn nói thêm. 

Những lò nung ở Kim Quan sản xuất dòng gạch ngói chuyên lợp mái nhà cổ, đình, chùa có mầu đỏ hồng tự nhiên và đều nung bằng lò củi để tránh thải khói hại ra môi trường, do vậy những lò gạch truyền thống vẫn còn tồn tại được cho tới ngày nay. Đôi bàn tay khéo léo của những người thợ nơi đây đã “thổi hồn” cho đất đai vô tri thành thứ ngói tươi hồng kiêu hãnh. Từ ngôi làng ven sông, các loại ngói, gạch của làng đã đi đến bao nhiêu đình làng, chùa chiền tôn nghiêm trên cả nước. Ngói được dùng để lợp mái Văn Miếu, các ngôi nhà cổ ở làng quan họ Bắc Ninh và trùng tu chùa Yên Tử, chùa Hương, đền Hùng… 

Nhìn lại quá khứ

Qua xóm Mơ theo đường đê Tả Tích là đến xóm Chiền. Trên bờ đê, hàng lớp gạch mũi hài, gạch hoa chanh, ngói úp nóc… đang phơi phới dưới nắng mới. Dù đã dần đô thị hóa, song hình dung của một làng cổ với cây đa, bến nước, sân đình, chợ quê… vẫn còn rõ nét. Tại đây có cây đa, mà các cụ trong làng cho rằng đã mấy trăm tuổi, nằm ở ngay đối diện Chùa Chiền tĩnh tại. Rảo bước thêm chút nữa tới bến Gián hay Kiềm Lan Gián-tên xưa của một bến nước sông Tích, nơi quân Đông Hán đặt cho một đồn trại của chúng trên bến sông. Theo sử sách ghi chép lại rằng, quân Đông Hán đã giết hại nhiều dân chúng, nghĩa sĩ Việt ở địa phương. Đời sau, bến sông và xóm dân ven sông này đều mang tên là Gián. Ngày nay, bến nước này đã không còn rõ nét, theo hướng chỉ của các cụ trong làng vẫn thấy rặng tre với những bậc thang dài đã phủ dày lớp lá tre dẫn xuống bờ sông Tích. Bến sông xưa từng rộn rã tiếng các bà, các chị giặt quần áo, rửa rau, gánh nước, dưới một quãng là lũ trẻ tắm sông… nay đìu hiu, quạnh quẽ, không biết bao lâu rồi chưa có người bước xuống.

Ông Cấn Bá Cảnh, một người dân Kim Quan nhớ lại, nhà ở sát bến sông, nên từ lúc mở mắt chào đời là ông đã thấy nước. Mỗi khi họp lớp, câu chuyện của ông với những người bạn đồng lứa vẫn luôn nhắc về tuổi thơ tắm sông, tắm mưa hay nhảy lộn nhào từ cành đa xuống nước. Lớn lên, trai gái hò hẹn gần bến sông, qua mấy bận trăng tròn, trăng khuyết, sông chứng kiến tình yêu đôi lứa bao thế hệ. Theo trí nhớ của ông Quát, nước sông Tích trước đây rất trong, sạch và nhiều vô cùng cá, tôm, trai, hến... Ngoài những người đánh bắt cá sông chuyên nghiệp, thì đi câu cá sông Tích là thú vui không thể thiếu với lũ trẻ trong làng. Ông dẫn giải về thú vui thời thơ ấu của mình: “Ngày xưa khi mùa mưa qua vào khoảng tháng tám âm lịch, lũ đầu nguồn giảm, nước sông Tích lắng trong là lại đầy cá sông theo về”. 

Địa chí Hà Tây (cũ) có ghi chép lại: “Dòng sông Con hay Tích Lịch Giang (dòng sông sấm sét) chảy ôm lấy vùng đất Cổ Lôi trang. Đoạn sông chảy qua làng Kim Quan bắt đầu từ Đồng Dâu thuộc xã Kim Quan đến làng Cần Kiệm. Sau đó tiếp xuống mãi thành Quèn ở Liệp Mai, Liệp Tuyết (Quốc Oai). Truyền lại Thành Quèn nguyên là Phủ Đô Úy thời Đông Hán lập ra để trấn áp lực lượng dân tộc của các tù trưởng Việt Tộc trong vùng, từ thời Hai Bà đến thế kỷ X. Sau này, sứ quân Đỗ Cảnh Thạc dùng Thành Quèn để đóng quân, chiếm giữ vùng này và khúc sông Tích ở đây được gọi là sông Đỗ Động”.

Cũng hiếm có sông nào chảy qua một vùng bán sơn địa có nhiều lưỡi đá ong ven bờ như nước sông Tích, có lẽ là “bí thuật” để nước sông thường trong và sạch hơn nhiều con sông khác ở Hà Nội. Sông Tích còn gọi là sông Con (khi so sánh với sông Hồng - sông Cái), là phụ lưu cấp một của sông Đáy, bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì, đầu nguồn là các hồ Suối Hai, Đồng Mô. Dãy Ba Vì, hay núi Tản Viên được coi là ngọn núi Tổ của nước ta. Sông Tích chảy theo hướng tây bắc - đông nam, bên hữu ngạn sông Đáy, qua các huyện và thị xã của Hà Tây (cũ) là Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, nên còn là con sông nội tỉnh gắn bó với xứ Đoài. Sông dài 91 km chảy qua nhiều vùng đồi đất và nham cứng. Trên lưu vực sông Tích, có các hồ Đồng Mô - Ngải Sơn, hồ Suối Hai, hồ Xuân Khanh góp nước cho con sông này. 

Theo anh Tống Ngọc Công, chuyên viên Đài Khí tượng - thủy văn tỉnh Hà Nam, lưu vực sông Tích có dạng hình lông chim, toàn bộ sông Tích có 25 nhánh cấp một, các nhánh phần lớn nhập lưu bên bờ phải (16 nhánh). Các nhánh cấp một bên bờ phải đáng lưu ý có Suối Hai bắt nguồn từ núi Ba Vì nhập lưu tại An Thịnh, sông Hang bắt nguồn từ núi Ba Vì nhập lưu tại đồi Ó, sông Giản bắt nguồn từ núi Viên Năm nhập lưu tại Trung Lạc, sông Bùi bắt nguồn từ núi Mỗ nhập lưu tại Bùi Xá. Một đặc điểm quan trọng là tuy lòng sông Tích bé nhưng thềm sông khá rộng, bề rộng trung bình của thềm sông khoảng 2.000 đến 3.000 m và rộng hơn ở vùng Thạch Thất, Quốc Oai, nên thuận lợi cho việc dẫn lũ. Mùa lũ của sông Tích bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10. Tháng 7 trên sông Tích gắn liền với dông và bão, tháng 9 là tháng có nhiều bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội.

Ngày nay sông Tích đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong phối cảnh quan; cấp, thoát nước tưới tiêu nông nghiệp cũng như thoát nước đô thị ở các vùng sông chảy qua. Đối với người dân một vùng Thạch Thất, Quốc Oai, dòng sông gắn với gốc đa đầu làng, chứng kiến người ở, người đi, người đã khuất nằm lại trên ruộng đồng chiêm trũng, đất đai ấy lại đắp nên nhà cửa, vườn tược. Song khu vực ven đô này cũng đang đứng trước cơn bão đô thị hóa ồ ạt. Nhìn vào bài học của những con sông nội thành đã bị ô nhiễm nặng, để thấy tầm quan trọng của việc vừa quy hoạch vừa bảo tồn sự sống của dòng sông, cũng chính là giữ gìn sạch, đẹp cho cảnh quan đời sống của con người. 

Mọi con sông, dòng suối, ao hồ, khe thác đều dẫn dắt, nối kết với nhau thành mạng lưới vận hành tự nhiên hoặc do con người chỉnh trị bao đời nay mà có. Mỗi địa phương lại có cách ứng xử với con sông khác nhau, nhưng đều cho thấy sự thích ứng, một thái độ ứng xử “mềm mại”. Đồng hành hay quay lưng lại với dòng sông, âu cũng là do lựa chọn của những con người đang sống dựa vào đó.