Phong trào kế hoạch nhỏ cần diễn ra tự nguyện

Gần cuối học kỳ 1, nhiều trường học phát động phong trào kế hoạch nhỏ. Trong số các phong trào gắn với học sinh, kế hoạch nhỏ là một phong trào bền bỉ và đáng khuyến khích.
0:00 / 0:00
0:00

Thế nhưng, thời gian gần đây, dường như phong trào này đang có xu hướng trở thành… gánh nặng đối với nhiều học sinh, thậm chí cả với phụ huynh học sinh.

Hôm qua, trong bữa trưa công sở, chị Hương xuống ăn muộn vì… còn phải gom ít giấy để chiều nhớ mang về cho con gái nộp kế hoạch nhỏ. Chị Trang nghe chị Hương nói vậy cũng giật mình nhớ tới “nhiệm vụ” mà cả hai con giao cho mẹ đêm qua, rằng gom giấy, gom báo cũ ở cơ quan về cho con nộp kế hoạch nhỏ, “càng nhiều càng tốt”. Tương tự, chị Dung… cũng góp chuyện, tuần trước đã thực hiện xong nhiệm vụ các con giao, nhẹ cả người. Chị Dung còn kể, lớp con gái chị năm ngoái có chỉ tiêu mỗi bạn “ít nhất 2kg giấy báo cũ” thì năm nay tăng lên “ít nhất 3kg”. Chị có hai con học cùng trường, vị chi cần “ít nhất” 6kg giấy vụn, báo cũ cho các con. Nhiều trường khác cũng vậy, thậm chí các cô thường khuyến khích các học sinh mang càng nhiều càng tốt, nếu mang trên 15kg sẽ được nhà trường tặng giấy khen. Một số phụ huynh không biết gom đâu ra giấy vụn báo cũ, phải mua lại của mấy bà đồng nát hoặc đôn đáo ra cửa hàng bán báo cũ để mua về phục vụ phong trào kế hoạch nhỏ của các con.

Câu chuyện kế hoạch nhỏ gắn với mỗi trường, mỗi lớp, mỗi học sinh nhằm khuyến khích các em tham gia tiết kiệm, góp nhặt những giấy vụn, báo cũ, vỏ lon, chai nhựa, trồng rau sạch, giao hàng đổi đồ dùng học tập, đóng góp vật phẩm… Đây là phong trào Đoàn, Đội được ra đời từ giữa thế kỷ trước với mục đích giáo dục đội viên, học sinh. Sẽ rất hay, nếu như nhà trường, cơ sở giáo dục thường xuyên nhắc nhỏ các em biết chia sẻ, thu gom giấy vở cũ, không sử dụng, hoặc những rác thải có khả năng tái chế chung quanh mình… Thế nhưng, với những gì diễn ra gần đây thì có vẻ hình thức, phụ huynh đang phải tham gia trực tiếp vào phong trào kế hoạch nhỏ của các con.

Bởi lẽ, cùng với phát động phong trào, các giáo viên chủ nhiệm thường “giao chỉ tiêu” cho từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cũng nhắn tin vào nhóm lớp để phụ huynh “hỗ trợ cho lớp hoàn thành nhiệm vụ”. Học sinh nào buổi sáng chưa nộp kế hoạch nhỏ thì cô giáo lập tức nhắn tin vào nhóm lớp, lưu ý phụ huynh chiều đón con thì “mang” kế hoạch nhỏ đến lớp.

Để kế hoạch nhỏ thật sự trở thành một phong trào ý nghĩa, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, thiết nghĩ các nhà trường cần sớm bỏ tính hình thức của phong trào này. Hãy để phong trào diễn ra một cách nhẹ nhàng, tự nguyện, ở đó học sinh học được những bài học trong việc tiết kiệm, thu dọn góc học tập, loại bỏ những cuốn vở cũ, những tờ giấy bỏ và những sách báo cũ trong gia đình mình. Không nên “giao khoán” cho từng lớp, để rồi giáo viên chủ nhiệm lại “giao khoán” tới từng học sinh, từng phụ huynh như hiện nay.