“Phố Làng của Nhượng”

Một triển lãm khá đặc biệt đang diễn ra tại tầng 3, số 17 Hàng Cân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mang tên “Phố và Đời”. Đặc biệt bởi đây là cuộc trưng bày những tranh về phố mà rất ít người được xem trước đây của cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng (1944-2019), với số tranh bày đúng bằng số năm tuổi của ông. Điều khác biệt nữa, đây cũng là sự khai trương trở lại của phòng tranh Cuci Art Studio, một địa chỉ mỹ thuật đương đại khá thú vị của Thủ đô, ra đời từ 2014…
“Phố ngày thường” (1992).
“Phố ngày thường” (1992).

Từ triển lãm “Sống ở đáy sông” năm 2019…!

Bày lần này 75 bức họa - bằng số năm tuổi của cố họa sĩ (như một nét tưởng niệm 5 năm ngày ông ra đi), nhưng chị Võ Quỳnh Hoa (người sáng lập phòng tranh Cuci Art Studio cùng chồng là họa sĩ Nguyễn Hồng Phương) còn dẫn chúng tôi xem qua kho lưu trữ. Số tranh của ông Nhượng còn để lại là hàng trăm bức tranh giấy cùng phần lớn tranh sơn dầu. Còn một số lượng sơn dầu và các tranh sơn mài của ông vẫn đang được con trai ông là họa sĩ Lục Quốc Sỹ lưu giữ.

Chị Hoa nói, mục đích của cuộc bày tranh cá nhân lần này của ông Nhượng như một sự… tiếp hẹn bằng tâm linh sau cuộc triển lãm “Sống ở đáy sông” của hai cha con Lục Quốc Nhượng (48 tranh sơn dầu) và Lục Quốc Sỹ (17 tranh sơn mài) tháng 10/2019, cũng do Cuci Art tổ chức tại 25 Hàng Bún (Ba Đình, Hà Nội). Tên triển lãm hồi đó trùng với tên một bộ phim truyền hình khá nổi tiếng năm 2000, được tác giả và bên tổ chức cùng lựa chọn. Bởi thực tế là nội dung tác phẩm của hai cha con, bày chung một lần duy nhất khi ấy cũng nhằm diễn tả những trải nghiệm khắc nghiệt mà cuộc đời của họ từng trải qua - nhưng bằng con đường sáng tác mỹ thuật, họ đã giải tỏa được.

Hơn một tháng bày tranh - chị Hoa kể - ông Nhượng khỏe và hôm nào cũng tới. Ông khá vui vì cùng bày chung được với con lần đó và còn mời Cuci Art đến xưởng riêng để ngắm thêm số lượng tác phẩm ông sáng tác trong nhiều năm trước và bàn qua với chúng tôi những dự định tiếp theo. Thế nhưng ngay sau đó ông phát hiện bị bệnh tim, nằm ốm gần một tháng, rồi mất tháng 12 trong năm đó luôn…

Cũng theo lời chị Hoa kể, họa sĩ Lục Quốc Nhượng thường ít nói, hay cười và hay đọc sách. Có người bảo do ông có tật bẩm sinh nói lắp nên ít nói. Điều đó không hẳn thế - chị Hoa nhận xét - do tính ông giống như tên, là người “khiêm nhượng” và luôn mong muốn hài hòa nên vậy. Vào thập kỷ 1990, trước năm 2000, là hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông từng triển lãm cá nhân hai lần tại số 16 Ngô Quyền (1993) và số 29 Hàng Bài (1998). Nhiều người biết hồi đó từng đã có khách nước ngoài bỏ tiền nghìn USD để mua tranh của ông.

“Phố Làng của Nhượng” ảnh 1

Cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng.

Đến nỗi lòng người vẽ “Phố Làng” hiện qua tranh…

Để cảm nhận đời sống tinh thần của cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng trước “đời sống phố Hà thành”, không gì bằng được sự chứng thực xem loạt tranh được chọn lựa đúng bằng số tuổi của ông. Chị Hoa giải thích là đặt tên “Phố và Đời” là đơn giản vậy, nhưng “dân gian trong giới mỹ thuật” gọi vui tranh phố của ông là “Phố Làng kiểu Nhượng”. Bởi sinh năm 1944 tại Hà Nội, ông sống xuyên suốt qua hai cuộc chiến tranh và cả thời kỳ đổi mới ở Thủ đô là chính.

Cuộc đời, gia đình và sự nghiệp riêng của ông cũng lắm thăng trầm theo từng biến cố lịch sử. Ông tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp và bắt đầu vẽ từ năm 1981, khi đã 37 tuổi. Nhưng như nhận định của Cuci Art, ông “giải phóng mình khỏi mọi kỹ thuật, lối vẽ trường quy, chỉ để duy nhất cảm xúc tràn lên mặt toan và điều đó diễn ra hoàn toàn tự nhiên”. Tới hai năm 1986 và 1990, tranh ông đã được tham gia triển lãm nhóm tại Tiệp Khắc và Đức.

Tranh của ông thoải mái giữa các chất liệu là sơn mài, sơn dầu và mầu nước, đồ họa khắc thạch cao... Mỗi bức tranh (trong triển lãm lần này) tuy bố cục là góc nào đó của phố Hà thành vào thập kỷ 1980 và 1990 - Thủ đô thời vất vả hậu chiến - phố khá giống làng ở các phương tiện chuyên chở là trâu, bò, ngựa đủ cả. Nhưng nó cũng là “nhật ký tự sự” dưới sự quan chiếu tường thuật một cách giản dị cộng với nỗi niềm riêng tư ẩn trong tranh theo phong cách “Biểu hiện bán Trừu tượng” là chính. Xem từng bức tranh dù toàn khổ không lớn, người xem khá xúc động với những điều sâu lắng không thể nói thành lời…

Vì cố họa sĩ Lục Quốc Nhượng vẽ rất nhiều và còn chưa trưng bày, nên số tranh bày lần này chỉ hầu hết có chữ ký và ghi tháng, năm sáng tác, chưa được tác giả đặt tên. Tên tranh trong triển lãm lần này là do Cuci Art tạm đặt.