Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Thời gian qua, công tác đại đoàn kết, vận động cộng đồng hướng về quê hương, đất nước, thu hút nguồn lực kiều bào đã được chú trọng, mang lại nhiều kết quả quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ "Tuần lễ Việt Nam", cổ phục Việt Nam đã được giới thiệu tại trung tâm Kennedy (Mỹ).
Trong khuôn khổ "Tuần lễ Việt Nam", cổ phục Việt Nam đã được giới thiệu tại trung tâm Kennedy (Mỹ).

Đóng góp của kiều bào

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng kiều bào đông đảo nhất trong cả nước, với khoảng hơn 75.000 người đang sinh sống, lao động và học tập ở nước ngoài. Theo ông Nguyễn Thế Thân, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh Nghệ An luôn tạo điều kiện, hỗ trợ đầu tư đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các khu kinh tế và khu công nghiệp trên địa bàn. Tại Nghệ An hiện có 15 dự án của các doanh nhân/doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 6.237 tỷ đồng.

Các dự án của kiều bào đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh. Cùng việc thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An cũng nỗ lực thu hút nguồn lực trí thức kiều bào. Nghệ An còn là một trong những địa phương có lượng kiều hối lớn nhất cả nước với số lượng kiều hối chuyển về tỉnh khoảng 500 triệu USD/năm, là nguồn ngoại tệ lớn và quan trọng, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ngày 29/11, Hội nghị chuyên đề về công tác người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (gọi tắt là Nghị quyết số 23-NQ/TW) đã diễn ra tại Hà Nội. Ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết, trong 20 năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người vào năm 2003, đến nay đã tăng lên khoảng hơn 5,3 triệu người, sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Ngoại giao, việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn bất cập. Công tác vận động, đại đoàn kết dân tộc đối với kiều bào dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh số lượng kiều bào thế hệ thứ hai ngày một gia tăng, ít gắn bó với quê hương Việt Nam. Việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cũng còn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cộng đồng, mới tập trung chủ yếu vào nguồn lực kinh tế, chưa chú trọng đến nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm”, đó là vai trò của kiều bào trong quảng bá thương hiệu quốc gia và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc ảnh 1

Các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề hội nghị. Ảnh: HÀ DUNG

Phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Theo ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu mới, từ góc độ công tác người Việt Nam ở nước ngoài, cần có nghị quyết mới về công tác đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở kế thừa, phát huy những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW; đồng thời cập nhật, bổ sung những quan điểm chỉ đạo của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác đại đoàn kết dân tộc và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đề nghị, trong thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần đẩy mạnh thực hiện hai nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm nhóm nhiệm vụ về hỗ trợ và nhóm nhiệm vụ về vận động. Trong đó, nhiệm vụ hỗ trợ cần thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết các nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của bà con. Nhiệm vụ vận động cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích kiều bào phát huy nguồn lực, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Theo ông Phạm Quang Hiệu, đây chính là sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích quốc gia - dân tộc, qua đó tạo điều kiện phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Nghiên cứu tổng hợp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, việc hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan chính sách đối với kiều bào là đòi hỏi cấp thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn. Còn ông Đặng Thanh Phương, Phó trưởng Ban Đối ngoại - Kiều bào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị, cần đa dạng các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động kiều bào, nhất là thế hệ trẻ, đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, gắn bó với quê hương.