Okinawa gìn giữ truyền thống làm đậu phụ

Trong khi những nơi khác tại Nhật Bản chỉ bán đậu phụ đóng gói lạnh trong các siêu thị, Okinawa là nơi duy nhất vẫn bán và tiêu thụ đậu phụ nóng. Các nhà sản xuất đậu phụ tại Okinawa đang nỗ lực bảo tồn nét truyền thống ẩm thực độc đáo này của đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Shima-tofu nóng được phục vụ tại chỗ. Ảnh: JAPAN TIMES
Shima-tofu nóng được phục vụ tại chỗ. Ảnh: JAPAN TIMES

Theo Japan Times, Shima-dofu, hay còn được gọi là đậu phụ Okinawa, trong tiếng Nhật có nghĩa là “đậu phụ đảo”, được làm và chế biến chủ yếu ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Đậu phụ ở đây nổi tiếng nhờ truyền thống được bán nóng, nó khác biệt do có kết cấu đặc hơn so với các loại đậu phụ khác, đặc biệt phù hợp cho các món xào, chiên rán.

Để làm ra shima-dofu, người dân đảo dùng vải sợi để vắt nước ra từ sữa đậu trước, sau đó luộc chín miếng đậu phụ. Việc vắt kiệt nước từ sữa đậu nành thô trước khi đun sôi giúp tạo ra shima-dofu có hàm lượng protein cao hơn 1,3 lần so với thông thường. Shima-dofu cũng chứa ít calo và mang giá trị dinh dưỡng cao hơn.

Tại Okinawa, các khối shima-dofu được bán ra lớn và nặng hơn nhiều so với các khối đậu phụ ở nơi khác. Một miếng đậu phụ ở Okinawa nặng khoảng 800 gram, lớn hơn khối lượng 400 gram thông thường. Nguyên nhân là do mức tiêu thụ và nhu cầu với đậu phụ trung bình trên mỗi hộ gia đình ở Okinawa cao hơn nhiều. Theo truyền thống của người dân nơi đây, rất nhiều món ăn hằng ngày có thành phần đậu phụ nóng.

Đậu phụ Okinawa có vị đắng nhẹ và hơi mặn. Với mỗi nhà sản xuất, shima-dofu lại mang hương vị khác đi một chút. Kaoru Tamayose, 68 tuổi, đã thử shima-dofu từ năm nhà sản xuất khác nhau, chia sẻ: “Thật thú vị khi mỗi sản phẩm đều có nét đặc trưng riêng. Shima-dofu là món ăn tuyệt đối không thể thiếu với người dân Okinawa”.

Dù vậy hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại trong việc duy trì truyền thống này của đảo. Theo các quy tắc kiểm soát vệ sinh thực phẩm (HACCP), mới được Nhật Bản đưa vào bắt buộc thực hiện kể từ tháng 6/2021, các sản phẩm shima-dofu được phục vụ ấm, cần được bảo quản ở nhiệt độ 55°C trở lên. Nếu nhiệt độ không đạt tới mức đó, đậu phụ phải được tiêu thụ trong vòng ba giờ đồng hồ.

Theo hiệp hội công nghiệp sản xuất đậu phụ của đảo, một số công ty đã ngừng sản xuất và vận chuyển shima-dofu ấm vì không thể đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Một số khác dù đã giảm khối lượng sản xuất, nhưng vẫn không tránh được tình trạng bị các siêu thị từ chối nhận hàng, do shima-dofu nóng phải được bán trong thời gian ngắn hơn nhiều. Các nhà sản xuất cũng đang phải đối mặt với áp lực khi đậu nành nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Canada có giá tăng hơn 1.000 yên/30kg so với năm ngoái.

Mặc dù ngành công nghiệp truyền thống này đang gặp nhiều khó khăn, song nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn các giải pháp khả thi để bảo vệ nó. Một quan chức phụ trách cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng giảm tỷ lệ các sản phẩm bị trả lại, bằng cách thực hiện các biện pháp như quảng bá và trưng bày đậu phụ ở nơi dễ thấy”. Hiệp hội công nghiệp sản xuất đậu phụ cũng tổ chức nhiều sự kiện khuyến mãi nhằm giúp tăng lượng tiêu thụ shima-dofu.

Chikashi Ishimine, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vệ sinh thực phẩm Okinawa, cho biết: “Việc người dân đảo nhận ra giá trị văn hóa của shima-dofu là chìa khóa để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp truyền thống này”. Về vấn đề tăng giá đậu nành gần đây, một số chuyên gia gợi ý cần phải tạo ra một hệ thống chuyên nghiệp, trong đó nhóm các nhà sản xuất đậu phụ sẽ tiến hành mua chung, để thu mua nguyên liệu với số lượng lớn và giá thấp.

Vào ngày 2/10 năm nay, Ngày đậu phụ Nhật Bản, lễ hội Tofu Festa đã được tổ chức tại Nishihara Sawafuji Marche, một cơ sở du lịch và chợ nông sản ở thị trấn Nishihara thuộc tỉnh Okinawa, để bán đậu phụ và các loại thực phẩm chế biến từ đậu tương khác được làm ở các vùng khác nhau của đảo. Emiko Taira, người đứng đầu Ban thư ký của hiệp hội công nghiệp, cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ phát triển hơn nữa truyền thống văn hóa shima-dofu thông qua các sự kiện và cơ hội khác”. Các nhà sản xuất shima-dofu cũng bày tỏ mong muốn có thể thuận lợi vượt qua đợt khủng hoảng để truyền lại nét ẩm thực độc đáo của Okinawa cho các thế hệ tương lai.