Nữ phi hành gia đầu tiên của Saudi Arabia

Chính quyền Saudi Arabia vừa công bố kế hoạch đưa nhà nghiên cứu Rayyanah Barnawi (trong ảnh) lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào quý II/2023. Nếu diễn ra đúng kế hoạch, Barnawi sẽ đi vào lịch sử với tư cách là nữ phi hành gia đầu tiên của Saudi Arabia bay vào không gian.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: TWITTER
Ảnh: TWITTER

Hãng thông tấn SPA dẫn thông báo mới đây của chính quyền Saudi Arabia cho biết, nữ phi hành gia Rayyana Barnawi cùng người đồng nghiệp Saudi Arabia của cô là Ali Al-Qarni sẽ thực hiện nhiệm vụ kéo dài 10 ngày trong không gian, dự kiến diễn ra sau tháng 5 tới. Ngoài hai công dân Saudi Arabia, chuyến đi sẽ có sự tham gia của hai phi hành gia người Mỹ là chỉ huy Peggy Whitson thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và phi công John Shoffner đến từ bang Tennessee. Các phi hành gia dự kiến bay tới ISS trên tàu vũ trụ Dragon của công ty SpaceX.

“Chuyến bay vào vũ trụ của con người là biểu tượng cho khả năng cạnh tranh toàn cầu của các quốc gia trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật, nghiên cứu và đổi mới. Sứ mệnh này cũng mang tính lịch sử, vì sẽ đưa Saudi Arabia trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới đưa hai phi hành gia có cùng quốc tịch lên ISS cùng một lúc”, SPA dẫn lời một quan chức cấp cao của quốc gia Arab trên cho biết.

Theo The Independent, việc đưa hai phi hành gia lên ISS của Saudi Arabia nhằm mục đích tăng cường năng lực quốc gia trong “Kế hoạch những chuyến bay vũ trụ có người điều khiển” và đóng góp cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực như y tế, phát triển bền vững và công nghệ hàng không vũ trụ. Ngoài hai phi hành gia nói trên, quốc gia này đang đào tạo thêm hai phi hành gia khác, trong đó có một phụ nữ, nhằm đáp ứng các yêu cầu của mọi sứ mệnh chinh phục không gian.

Trước đó, năm 1985, Hoàng tử Sultan bin Salman bin Abdulaziz, cựu phi công của lực lượng không quân Saudi Arabia, đã tham gia một sứ mệnh không gian do Mỹ tổ chức, trở thành người Arab và người Hồi giáo đầu tiên bay vào vũ trụ. Năm ngoái, Saudi Arabia cũng khởi động một chương trình khác để đưa các phi hành gia vào không gian.

Nếu mọi việc diễn ra đúng dự kiến, nữ phi hành gia 33 tuổi sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho mọi phụ nữ trong khu vực. Tuy nhiên, ngay cả trước khi cô tham gia sứ mệnh nói trên, Rayyanah Barnawi đã là người mà nhiều cô gái trẻ ở Saudi Arabia ngưỡng mộ. Là một nhà nghiên cứu y sinh học, Barnawi đã có gần một thập kỷ kinh nghiệm trong nghiên cứu tế bào gốc ung thư. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Di truyền học, Sinh sản và Phát triển của Trường đại học Otago (New Zealand) và thạc sĩ Khoa học Y sinh của Trường đại học Alfaisal (Saudi Arabia), cô đã làm việc với tư cách là kỹ thuật viên phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện Chuyên khoa King Faisal.

Giới truyền thông cho rằng, khi Barnawi tiến vào vũ trụ, ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu khoa học của Saudi Arabia, cô cũng sẽ thúc đẩy cho phụ nữ ở vương quốc này cơ hội mơ ước lớn hơn. Chính cam kết của Saudi Arabia trong việc phát triển chương trình không gian của mình theo Tầm nhìn 2030 đã cho phép vương quốc này đạt được cột mốc quan trọng cho việc tăng cường nỗ lực vì bình đẳng giới. Trước đó, kể từ khi Thái tử Mohammed bin Salman nắm quyền vào năm 2017, bình đẳng giới ở quốc gia này đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Trong những năm gần đây, Saudi Arabia đã tăng hơn gấp hai lần tỷ lệ phụ nữ trong lực lượng lao động, từ 17% lên 37%. Phụ nữ đã được phép lái xe và đi du lịch nước ngoài mà không cần nam giới giám hộ.

Không chỉ vậy, việc tăng cường vào công nghệ và thám hiểm vũ trụ cũng cho thấy những nỗ lực của chính quyền Saudi Arabia trong việc rũ bỏ “hình ảnh bảo thủ”. Quốc gia này đang thúc đẩy cải cách, khởi động chương trình đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.