Nóng các cuộc đua tranh

Được cho là năm nóng nhất trong lịch sử, năm 2023 cũng chứng kiến các cuộc đua tranh gay gắt, từ chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), cuộc đua trên vũ trụ, đến cạnh tranh chiến lược, tranh giành không gian ảnh hưởng và cả cuộc đua nâng lãi suất. Trong khi đó, hành động vì khí hậu lại không tăng tốc, dù trong bối cảnh thảm họa thiên nhiên gây thương vong, thiệt hại nặng nề.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: THIAGO LUCAS
Biếm họa: THIAGO LUCAS

Nhiều báo cáo khoa học xác định rằng, năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử và nhiệt độ toàn cầu chưa bao giờ ở mức cao như vậy trong khoảng 125.000 năm qua. Năm 2024 được dự báo còn nóng hơn, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng từ 1,34oC đến 1,58oC so mức thời kỳ tiền công nghiệp. Với nền nhiệt Trái đất liên tiếp phá kỷ lục, các hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn, mức độ nghiêm trọng hơn, dẫn tới những thảm họa kinh hoàng, từ cháy rừng lịch sử ở Mỹ và châu Âu, đến bão lũ tồi tệ ở châu Á, hạn hán khắc nghiệt ở châu Phi, hay động đất có sức tàn phá khủng khiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Morocco, Afghanistan...

Mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2oC theo Thỏa thuận Paris năm 2015 trở nên mong manh hơn và Tổng Thư ký LHQ không ít lần gióng lên chuông báo động rằng cuộc khủng hoảng khí hậu đang đến rất gần điểm không thể quay đầu. Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28), lần đầu một thỏa thuận quốc tế đạt được đồng thuận về việc giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, mở ra cơ hội tăng tốc hành động khí hậu trong năm 2024.

Đồng thuận trong vấn đề nhiên liệu hóa thạch đã phản ánh xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ về năng lượng và phát triển bền vững, năm 2023, bản đồ năng lượng thế giới được tô đậm hơn bằng tiến trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Các dự án phát triển năng lượng tái tạo được thúc đẩy mạnh hơn ở Liên minh châu Âu (EU), sau thời gian chao đảo vì khủng hoảng nhiên liệu liên quan xung đột ở Ukraine. Nổi bật tại các diễn đàn quốc tế là những cam kết, dự án hợp tác về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch..., hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Xu hướng tích cực này được kỳ vọng có bước đột phá trong năm 2024.

So cuộc chạy đua chống chọi biến đổi khí hậu, cuộc đua đầu tư vào công nghệ tiên tiến không kém phần khắc nghiệt. Sau màn ra mắt và phát triển thần tốc của ChatGPT, năm 2023 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ với các sản phẩm AI tạo sinh, như GPT-4 của OpenAI, LlaMA2 của Meta, Bard của Google, hay BingAI của Microsoft... Các quốc gia, doanh nghiệp liên tiếp thông báo gia nhập “đường đua AI”. Sự bùng nổ AI đặt ra yêu cầu cấp thiết về quản lý, sử dụng AI an toàn. Hội nghị cấp cao toàn cầu đầu tiên về an toàn AI tại Anh đã thông qua “Tuyên bố Bletchley” về phối hợp toàn cầu trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm.

Nóng các cuộc đua tranh ảnh 1

Biếm họa: PARESH NATH

Chạy đua về công nghệ lan cả đến vũ trụ, khi hàng loạt chính phủ và doanh nghiệp đặt cược vào cuộc đua không gian, với 77 quốc gia có cơ quan chuyên trách về vũ trụ, 16 nước sở hữu năng lực phóng tàu vào không gian và Mặt trăng là mục tiêu được nhiều nước quan tâm đặc biệt. Năm 2023, nỗ lực chinh phục Mặt trăng của Nga thất bại, song Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 thành công và là nước đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ không người lái gần cực nam của Mặt trăng.

Trong nỗ lực hạ nhiệt lạm phát, khủng hoảng giá sinh hoạt, lương thực và năng lượng, nhiều quốc gia bị cuốn vào cuộc đua tăng lãi suất. Từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho đến các ngân hàng trung ương Anh, Canada..., đều duy trì đà tăng mạnh lãi suất trong thời gian dài, phần nào khiến kinh tế trì trệ. Xu hướng này được cho là đảo chiều trong năm 2024, giúp giải phóng kinh tế khỏi chính sách thắt chặt tiền tệ.

Năm 2023, thế giới đặt kỳ vọng lớn vào việc Trung Quốc tái khởi động nền kinh tế sau ba năm đóng cửa chống dịch. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại giảm tốc, xuất khẩu cũng giảm, kéo theo tiến độ phục hồi kinh tế toàn cầu ì ạch. Chuỗi ngân hàng sụp đổ tại Mỹ và Thụy Sĩ từng dấy lên lo ngại về một “thập niên mất mát” mới và GDP toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 30 năm. May mắn không rơi vào suy thoái tồi tệ, song kinh tế Mỹ và EU, cũng như các nền kinh tế mới nổi đều rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp. Bức tranh kinh tế các nước đang phát triển, ở châu Phi, khu vực Mỹ latin, vẫn nổi bật tình trạng nợ công tăng cao và đói nghèo.

Kinh tế trì trệ, song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn không ngừng gay gắt, đặc biệt trong xu hướng chuyển dịch trọng tâm toàn cầu tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc vẫn nổi bật, trong hầu hết các lĩnh vực, nhưng không dẫn tới xung đột trực tiếp, ngoại trừ căng thẳng bùng lên sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời “xứ cờ hoa”. Các “cường quốc tầm trung” cũng gia tăng can dự và mở rộng vòng ảnh hưởng, thông qua hợp tác an ninh, kinh tế và phát triển.

Nga và phương Tây vẫn chìm trong cuộc so kè liên quan cuộc xung đột chưa có hồi kết ở Ukraine, với các màn trừng phạt - trả đũa lẫn nhau. Nga và Mỹ chưa thể khởi động đối thoại nhằm nối lại các hiệp ước an ninh quốc tế. Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại căng thẳng hơn sau khi khối quân sự này chính thức kết nạp Phần Lan làm thành viên thứ 31 và sẵn sàng chào đón Thụy Điển. Trong khi đó, dù tăng viện trợ cả về kinh tế và quân sự, song EU vẫn không hoàn toàn đồng thuận trong đàm phán kết nạp Ukraine.

Xung đột tại Ukraine còn bế tắc, chiến tranh lại bùng lên ở Trung Đông, đẩy dải Gaza trở lại bầu không khí đậm khói lửa bom đạn. Hơn 20.000 nghìn người Palestine và 1.200 người Israel thiệt mạng, dải đất ven biển chìm trong thảm họa nhân đạo và tiến trình hòa bình Trung Đông đi vào ngõ cụt. Ngoài Trung Đông, xung đột cũng trở lại khu vực Nagorno - Karabakh, căng thẳng bùng lên sau các cuộc đảo chính quân sự ở Niger và Gabon, bất ổn nghiêm trọng hơn ở Sudan, Mali...

Trong bối cảnh thách thức ngày càng nhiều và phức tạp, mục tiêu hợp tác càng được đặt ra cấp bách. Điểm sáng hợp tác quốc tế trong năm 2023 là tiếng nói của các nước phương nam, vai trò của các nước đang phát triển được nâng cao mạnh mẽ, thể hiện qua việc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trao quy chế thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU); Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, mở rộng thành viên tới sáu nền kinh tế năng động ở cả châu Á, châu Phi và Mỹ latin.