Nói có sách, mách có chứng

Trong một bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CBS News mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định “đại dịch Covid-19 đã qua”. Tuy nhiên, các tổ chức y tế hàng đầu thế giới và ngay tại Mỹ đã bác bỏ tuyên bố này.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MUSA GUMUS
Biếm họa: MUSA GUMUS

Theo AP, người phụ trách y tế của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) Steffen Thirstrup ngày 20/9 khẳng định, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc và một chương trình tiêm chủng đã được lên kế hoạch tại châu Âu trong mùa đông tới là chìa khóa để phòng, chống dịch. Các quan chức EMA đã tái khẳng định lời kêu gọi của Giám đốc điều hành cơ quan này, ông Emer Cooke hồi tuần trước rằng, châu Âu cần tiêm mũi tăng cường bằng bất cứ loại vaccine nào hiện có và khuyến nghị tiêm trong những tháng tới.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng có quan điểm khác biệt với Tổng thống Biden, khi cho rằng Covid-19 vẫn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhưng có thể đi đến hồi kết trong tương lai gần nếu các quốc gia sử dụng hiệu quả công cụ chống dịch. Nhiều nhà khoa học nhận định, việc tuyên bố đại dịch kết thúc ở thời điểm này là quá sớm, đặc biệt khi Mỹ ghi nhận trung bình 60.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Ngay tại Mỹ, giới chức y tế nước này cũng tỏ ra hết sức thận trong khi nhìn nhận, đánh giá về tình hình dịch bệnh. TS Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường đại học California, bang San Francisco (Mỹ) nhấn mạnh: “Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Hãy nhìn vào số người chết mỗi năm”. Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cho thấy, nước này báo cáo hơn 223.000 ca tử vong kể từ tháng 1 đến nay. Theo ông Chin-Hong, con số này cao hơn nhiều lần so cúm mùa (trung bình 35.000 ca tử vong mỗi năm), đồng thời nhận định nếu con số tử vong do Covid-19 duy trì ở mức cao, nó sẽ vượt xa các bệnh khác như tiểu đường, hô hấp.

Như vậy, tình hình dịch bệnh tại Mỹ và trên thế giới vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Thành thử, việc Tổng thống Joe Biden vội vã kết luận đại dịch đã chấm dứt là chưa “nói có sách, mách có chứng”. Chỉ khi số ca nhiễm và tử vong ở nước này giảm rõ rệt theo đúng quy chuẩn công bố hết dịch của CDC Mỹ hoặc các tổ chức y tế uy tín như WHO hay EMA, thì lúc đó ông Biden mới có thể bảo đảm tuyên bố của mình là chính xác.