Họa sĩ Bùi Trọng Dư:

Nỗ lực để mỹ thuật không mất uy tín trên thị trường

Thành lập từ ngày 3/5/2019, nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” trên Facebook đã là diễn đàn góp phần giúp các họa sĩ bảo vệ tác phẩm của mình. Họa sĩ Bùi Trọng Dư, người lập nhóm đã có những chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Facebook Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa.
Facebook Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa.
Nỗ lực để mỹ thuật không mất uy tín trên thị trường ảnh 1

Phóng viên (PV): Xin anh chia sẻ lý do lập nhóm?

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Sau khi phát hiện nhiều công ty sử dụng tranh của mình và một số họa sĩ để đưa lên áo dài, tôi đã quyết định lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” trên Facebook. Với nỗ lực đấu tranh của các họa sĩ “nạn nhân” cùng sự đồng hành của luật sư và nhà báo, các công ty vi phạm đã phải công khai nhận lỗi cũng như có cam kết không tái phạm bằng văn bản. Cá biệt có công ty cho rằng việc họa sĩ đưa tranh luận lên mạng công khai là họ có quyền sử dụng. Có khi bên vi phạm còn hỏi ngược lại là: “Tôi muốn gì?”. Tôi nói: “Tôi chỉ cần sự công bằng, cái gì của tôi phải là của tôi”...

Chúng tôi luôn xác định nhóm là nơi các họa sĩ cùng chia sẻ và đấu tranh với những vi phạm bản quyền tác phẩm của mình cũng như của các đồng nghiệp. Hầu hết các vụ việc đưa lên đều được nhà báo và luật sư ủng hộ, tư vấn, giúp đỡ, còn sự việc đi đến đâu phụ thuộc vào chính họa sĩ đó. Thường thì khi đưa lên, bên vi phạm sẽ xin lỗi, hủy tác phẩm vi phạm, đại đa số mọi người cho qua và coi đây như một sự cảnh báo để không tái phạm, chứ chưa có vụ nào đi đến tận cùng, phải phân xử bằng pháp luật. Chúng tôi không đặt ra tham vọng nào “đao to búa lớn” mà chỉ mong muốn sẽ tuyên truyền, giáo dục để mọi người hiểu biết hơn về bản quyền, luôn có ý thức về bản quyền.

PV: Thực tế cho thấy nhiều họa sĩ im lặng khi bị vi phạm bản quyền là do thời gian giải quyết tranh chấp bản quyền diễn ra quá lâu?

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Đúng vậy. Với tâm lý của một họa sĩ ai cũng sẽ rất tức giận và khó chịu khi tác phẩm của mình bị đánh cắp nhưng để theo đuổi, đòi công bằng thì mất quá nhiều thời gian, trong khi thời gian đó họ có thể vẽ được bao nhiêu bức tranh, làm thêm được bao nhiêu việc. Cũng có người đi đến cùng sự việc như họa sĩ Lê Phong Linh kiện tác quyền “Thần đồng Đất Việt” đã thắng kiện sau… 12 năm dài đằng đẵng. Ngay cả các họa sĩ Bùi Hữu Hùng, Đinh Quân, Thành Chương, Đào Hải Phong... đều bị xâm phạm bản quyền rất nhiều, đến bây giờ họ đều chán, không muốn lên tiếng. Hiện nay vấn đề chế tài xử phạt của ta còn khá lỏng lẻo, chưa nghiêm minh khiến một số cá nhân, đơn vị cố tình vi phạm bản quyền vì nghĩ “cứ làm bừa đi, nếu bị kiện, phạt chút là xong!”.

PV: Để nhóm phát triển với gần 2.000 thành viên, anh đã chăm chút các bài viết lên trên nhóm thế nào?

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Hiện nay trong nhóm có rất nhiều thành phần là các nhà báo, luật sư, họa sĩ và những người sưu tầm hội họa. Vì vậy, ngày ngày có biết bao thông tin như triển lãm, từ thiện, bán hàng online… nhưng nguyên tắc của tôi là chỉ duyệt những bài liên quan đến vi phạm bản quyền để nội dung trên nhóm đi vào trọng tâm, không bị “loãng” và giữ được uy tín của nhóm. Mục đích của nhóm là không câu view, các vụ vi phạm bản quyền phải đầy đủ bằng chứng thì tôi mới duyệt đăng để tránh gây tranh cãi không đáng có.

PV: Với sự lan tỏa của nhóm, anh thấy hiện nay những người chung quanh mình đã có ý thức hơn về vấn đề bản quyền?

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Gần đây có nhiều công ty đã đặt vấn đề mua bản quyền tác phẩm của tôi và một số họa sĩ khác khi họ muốn sử dụng vào các sản phẩm để kinh doanh, thậm chí có những cá nhân cũng xin phép khi muốn in tác phẩm để treo ở nhà. Rõ ràng khi ý thức đã “gài” vào đầu chúng ta rồi thì hiện tượng vi phạm bản quyền sẽ đỡ đi.

Vừa qua, trên nhóm đã duyệt đăng bài của một phụ huynh chia sẻ lại vụ việc của cô con gái mới 12 tuổi: “Con vẽ trên máy tính, thường vẽ mất mấy tiếng mới được một bức hình những bức vẽ chiếc váy đổi mầu rất lâu. Hôm nay con rất bức xúc vì bức tranh con vẽ và gửi vào 1 nhóm Zalo để khoe vì đó là nhóm chung và đã bị lấy trộm 2 lần đăng Facebook của họ. Khi bạn con có comment (bình luận) vào bài đó vì bạn con là người phát hiện ra và bạn con đã bị block (chặn) luôn”. Câu chuyện mang nhiều chiêm nghiệm cho chúng ta, vấn đề bản quyền hội họa có lẽ không chỉ dừng ở việc của người lớn nữa.

PV: Hiện nay còn nhiều ý kiến chung quanh việc chép tranh. Anh có ý kiến gì về vấn đề này?

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: Việc chép tranh thường rơi vào những họa sĩ trẻ, mới ra trường. Theo tôi, họa sĩ trẻ nên có con đường đi của riêng mình, muốn ăn xổi thành công ngay thì rất khó. Nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng, luật pháp cho chép tranh khi họa sĩ qua đời 50 năm và bức tranh chép phải không cùng tỷ lệ với bức tranh thật. Hiện nay không phải ai cũng có tiền mua tranh của các danh họa và họ có quyền bỏ ra ít tiền mua tranh chép để treo trong nhà. Vấn đề là mình làm thế nào để đúng pháp luật, không nhập nhèm, để nền mỹ thuật không được mất uy tín trên thị trường.

PV: Xin cảm ơn anh!